11/12/2014 10:33 GMT+7

​Long Biên: cầu giao thông hay cầu bảo tàng?

  V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TT - Sáng 10-12 tại Hà Nội, Hội Quy hoạch và phát triển đô thị VN tổ chức tọa đàm Cầu Long Biên - giải pháp nào để gắn bảo tồn với phát triển?  

Buổi tọa đàm với sự tham gia của nhiều kiến trúc sư, chuyên gia xây dựng và quy hoạch.

Phối cảnh cầu Long Biên khi trở thành bảo tàng nghệ thuật - Ảnh: BTC cung cấp

Mở đầu các ý kiến tại buổi tọa đàm, kiến trúc sư Nguyễn Nga - chủ tịch HÐQT Công ty tư vấn đầu tư và phát triển cầu Long Biên, trưởng đại diện Eiffage TP tại VN - đã đưa ra phương án bảo tồn cầu Long Biên trở thành cầu bảo tàng và giao thông xanh.

Phương án này đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu tham dự tọa đàm.

Theo phương án của bà Nguyễn Nga, chín nhịp cầu nguyên thủy sẽ được duy trì bảo tồn nguyên trạng và cải tạo theo phương pháp cũ đinh tán rivê để triển lãm hai đầu tàu hơi nước.

Sẽ đúc mới mười nhịp cầu bị phá hủy do chiến tranh để hoàn chỉnh cây cầu về thiết kế nguyên bản năm 1902. Trên những nhịp cầu này sẽ treo kính xung quanh để biến cây cầu thành các phòng tranh và bảo tàng ký ức lịch sử thế kỷ 20.

Bên cạnh đó, phương án này cũng biến đường dẫn “cầu cạn” thành vườn treo và phố gầm cầu ở phố Phùng Hưng hiện nay với 131 vòm thành vườn nghệ thuật và làng nghề truyền thống...

Tuy nhiên, phương án này đã vấp phải ý kiến phản đối của những chuyên gia tại buổi tọa đàm. Kiến trúc sư Ðào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội - thẳng thắn cho rằng cầu Long Biên cần phải được bảo tồn nguyên trạng, và phương án để bảo tồn nguyên trạng hiện nay là gia cố để cầu bền vững.

“Tôi đồng ý bảo tồn phải gắn với phát triển, nhưng đừng mang quá nhiều gánh nặng về lịch sử, văn hóa khoác lên vai cầu Long Biên. Hà Nội còn nhiều di sản đô thị chứ không riêng cây cầu này. Chức năng chính của cầu Long Biên là phục vụ giao thông, nên những mô hình cầu bảo tàng, phố nghệ thuật, vườn treo, phố đi bộ... tôi thấy không cần thiết” - ông Nghiêm nói.

Ông Tô Anh Tuấn - nguyên giám đốc Sở Quy hoạch Hà Nội - cũng cho rằng khi thiết kế phương án biến cầu Long Biên và các vùng xung quanh thành bảo tàng và không gian nghệ thuật, cần phải tính toán đến việc khi loại bỏ chức năng giao thông của cây cầu Long Biên thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình hình giao thông Hà Nội hiện tại?

“Phương án giao thông xanh ở không gian cầu Long Biên nghe rất hay và cũng phù hợp với xu hướng của thế giới, nhưng khi nói đến giao thông xanh thì phải nói đến giao thông xanh cho cả thành phố Hà Nội, chứ nếu chỉ giao thông xanh cho mỗi cây cầu, trong khi cả thành phố vẫn còn khói, bụi thì thực tế nó không có ý nghĩa bao nhiêu. Hơn nữa, trục giao thông xanh này sẽ cắt đứt mạch giao thông của thành phố vốn đang phải giải quyết bài toán giao thông nhức nhối hằng ngày” - ông Tuấn cho biết. 

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên