21/02/2019 11:29 GMT+7

Lợn mắc dịch tả châu Phi không chữa được, buộc phải tiêu hủy

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Cục Thú Y cho biết bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở nhiều loại lợn và không chết ồ ạt. Đây là loại bệnh không có khái niệm chữa trị, nên khi mắc bệnh, biện pháp duy nhất là tiêu hủy.

Lợn mắc dịch tả châu Phi không chữa được, buộc phải tiêu hủy - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã hôm 19-2 - Ảnh: P. HẠNH

Ông Nguyễn Văn Long, trưởng phòng dịch tễ (Cục Thú y), cho biết: biểu hiện rõ nhất của dịch tả lợn châu Phi là lợn sốt cao trên 40 – 42 độ C, chết ở nhiều loại lợn và không chết ồ ạt.

"Đây là loại bệnh không có khái niệm chữa trị, nên khi mắc bệnh biện pháp duy nhất là tiêu hủy. Vậy nên nếu để lây nhiễm trên diện rộng, dịch bệnh sẽ gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến thị trường giá cả cũng như việc xuất khẩu thịt lợn", ông Long nói.

Ông Phạm Văn Đông, cục trưởng Cục Thú Y, nhấn mạnh dù đã phát hiện dịch nhưng đây là những ổ dịch nhỏ, nên người dân không nên hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp để phòng chống dịch, nhất là các biện pháp sinh học như rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, tiêu độc khử trùng.

"Tuyệt đối không được đưa lợn bệnh ra ngoài vùng dịch. Dịch tả lợn châu Phi không lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn mà lựa chọn những sản phẩm có đủ truy xuất nguồn gốc xuất xứ", ông Đông nhấn mạnh.

Lợn mắc dịch tả châu Phi không chữa được, buộc phải tiêu hủy - Ảnh 2.

Cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên lập chốt kiểm dịch ra vào vùng có dịch - Ảnh: P. HẠNH

Về lý do tại sao dịch lại xảy ra sâu trong nội địa, ông Đông cho rằng có thể do chim di cư, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc, Mông Cổ, Liên bang Nga và nhiều nước khác đang có dịch; chưa kể lưu lượng người, phương tiện qua lại biên giới phía Bắc rất lớn. Việc nhập lậu lợn qua biên giới chưa được kiểm soát, đã có nhiều vụ buôn lậu lợn và sản phẩm từ lợn được lực lượng chức năng bắt giữ.

Ông Đông nhận định bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh mới trong khu vực nên hết sức thận trọng.

"Chúng tôi phải lấy mẫu xét nghiệm tại nhiều phòng thí nghiệm, tham vấn quốc tế, sau đó mới khẳng định đây là mầm bệnh mới. Khi xảy ra các ổ dịch, ngay lập tức chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn đã vào cuộc quyết liệt. Trước hết, ngăn chặn ngay việc bán chạy lợn", ông Đông khẳng định.

Không phát sinh thêm ổ dịch

Cục Thú y cũng cho biết, ngay sau khi tiêu hủy toàn bộ lợn bệnh nghi mắc dịch tả lợn Châu Phi, Cục Thú y đã tổ chức lấy mẫu máu lợn ở các hộ xung quanh để xét nghiệm. Kết quả, toàn bộ 177/177 mẫu của 47 hộ xung quanh các hộ có lợn bị tiêu hủy đều âm tính.

Từ ngày 1-2 đến nay, Cục Thú y đã cử nhiều đoàn công tác đến tỉnh Hưng Yên và Thái Bình phối hợp tích cực với các địa phương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, xử lý tiêu hủy lợn, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh,… và cho thấy các ổ dịch tại các xã đã được kiểm soát và đã qua nhiều ngày chưa có phát sinh thêm các hộ khác có lợn bệnh.

Hiện dịch bệnh tại một số ổ dịch ở TP Hưng Yên đã được kiểm soát và đã qua 20 ngày không phát sinh; tuy nhiên, nguy cơ phát sinh dịch bệnh tại các địa phương là rất cao, do việc gia tăng buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, có thể mầm bệnh đã xuất hiện ở các địa bàn khác.

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên