11/12/2024 21:57 GMT+7

Lối tình của người giang hồ chữ

Đào Đức Tuấn 'giang hồ' trên nhiều thể loại, từ báo chí đến văn chương, từ bút ký đến chân dung, đối thoại, từ truyện đến thơ...

Lối tình của người giang hồ chữ - Ảnh 1.

Tập thơ chọn "Lối tình" của Đào Đức Tuấn (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn) - Ảnh: Phong Lan

Cái khái niệm giang hồ trong thơ của Tuấn đa tầng đa nghĩa đa mang, không chỉ khoát mây rẽ gió, bụi bặm nước non, ra Bắc vào Nam, ngược Tây xuôi Đông, lấy rượu làm mực.

Chữ nghĩa phập phừng, sợi tóc ngàn cân

Từ "ngược xuôi / tuổi hai mươi / la đà / túng phóng / chữ văn / chữ báo / chữ tình" cho đến "tình ta xế bóng qua đầu / câu thơ đơn lẻ làm đau cõi người / chòng chành ao ước chữ nguôi / viết trầy viết trợt vẫn rơi lời buồn / thâu dìa nơi Tịnh Ngõ thôn / làm chân ngư phủ cho hồn nên hương" là khoảng cách bao xa, bao lâu, hình như người đọc không cần hỏi và tác giả cũng không có ý định vạch khắc rõ ràng.

Điều cần thiết là sau những ngẫu cảm, người đọc nhận biết một trái tim đau đáu, tín niệm rằng: "chữ nghĩa phập phừng / sợi tóc ngàn cân".

Nhà thơ khiêm cung tự trào "lạc bước" trong không gian: "hỏi ai ai biết ai mà tỏ / thực còn chưa thấy huống chi mơ", tự kiểm "lạc lối" giữa thời gian: "Đi qua khát vọng đi qua vô vọng / rầu dìa tay không / cỏ cây lao xao cây cỏ lào xào / đời vẫn chiêm bao".

Đạo là đường, đường chỉ ý nghĩa khi người đặt bước chân đi, hay có lúc ngồi yên mà tâm thế xê dịch, nén cái động trong cái tĩnh, tìm cái có trong cái không.

Anh nhặt lên những con chữ của tươi ròng đời sống và của cả đâu đó tự hư vô. Khi còn trẻ, thi sĩ đã tìm nhịp bước hòa hoãn giữa thời tốc độ: "xin hãy khoan / thời gian vô tình / vô tự / mỏi mong bụi bờ / xa giá thinh không / thinh không / thinh không / thinh không".

Xuất thân từ "dân trường chuyên" Lê Quý Đôn thời trung học đến "dân Văn Khoa", ngoảnh lại bốn chục năm cõng chữ cõng tình, Đào Đức Tuấn ý thức: "Ngày ngày ăn với chữ, ngủ với chữ, thở bằng chữ.

Thế nhưng cứ mãi băn khoăn: Vì sao mình viết? Để mưu sinh. Để tỏ bày. Để vỗ về. Để vui. Để buồn. Để sống. À thì ra, đã như hơi thở rồi mà còn truy vấn, định nghĩa, trả lời làm chi.

Không viết là chết" và nói với bạn đồng môn rằng "Tôi lọ mọ chép lại mấy dòng lạc lối giang hồ tình. Chớ không bốn mươi năm nữa thì mọi sự gió thoảng mây bay". Cái câu ấy Đào Đức Tuấn buột miệng ngỡ như nhẹ hẫng mà sâu nặng lắm.

Lối tình của người giang hồ chữ - Ảnh 5.

Buổi ra mắt sách thơ chọn "Lối tình" của Đào Đức Tuấn sẽ được tổ chức chiều 20-12 tại TP Quy Nhơn

Đành lòng phải nói vẩn vơ giang hồ

Đào Đức Tuấn triền miên giang hồ chữ trên lối tình phi thời gian, từ: "Buổi nào không màu gì cả / thời gian chăng nghĩa lý chi / hồn thả tình trôi bất định / ngoài kia lá vỡ đương thì" đến"tóc tình phong kín cỏ lau / đường xưa cảnh cũ trao nhau từ đầu"…

Để rồi anh nhận biết trong bảng lảng: "Đồi cỏ tím tuổi thơ lầm lụi / tóc xanh em tết thành mơ / cho anh bây giờ / một thời trẻ trai lận đận / bước thấp bước cao về nơi vô tận / lại thấy mờ xa cỏ rối chân trời".

Ở chặng đường nào đó trong thời điểm nào đó, khi "Hồn thơ thông thốc như trần gió / lận tiếng chuông chiều ủ men xanh", là gió bụi tao tác "áo xiêm mỹ nữ hai hàng / lối về địa ngục thiên đàng nơi đâu".

Thực ra, lý giải chỉ để mà lý giải, trong tâm hồn thi sĩ, mọi ranh giới đều mơ hồ "Ừa làm sao mà yêu được nữa / xa xắm nhân duyên lòng cũng kiệt cùng / đời mình vô minh tình mình hữu hạn / ghềnh thác nẻo yêu thăm thẳm trùng phùng".

Ở đất nước ta, không ít thi sĩ ngỡ như giang hồ ngay chính nơi chôn nhau cắt rốn và gã giang hồ thi sĩ này cũng không ngoại lệ: "Quê hương là tiếng hu huơ / đành lòng phải nói vẩn vơ giang hồ / chén cơm quê đắng chẳng chờ / con không dám nuốt mắt mờ con đi".

Người đọc bắt gặp nhiều khúc thức âm điệu, êm ái như kỷ niệm: "vẫn là chút tóc tơ vương / vẫn là vạt cỏ bên đường hôm xưa / vẫn là áo trắng đong đưa / vẫn là nón trắng che mưa hai người".

Bên cạnh Xứ Nẫu quê nhà, bên cạnh những miền đất trĩu trịt gánh gồng nhật nguyệt nách rượu vai thơ, Đào Đức Tuấn nặng lòng với những con dốc, cơn mưa giọt nắng Đà Lạt, lá thông reo, những lúc trần ai khoai củ "sao chung chiêng say khướt vô biên / lục lại tim đã lần hồi mãn kiếp"…

Nhà thơ nặng lòng với những tháng ngày hào hiệp, trăn đi trở lại cùng xứ sở ngàn hoa đã vừa làm vẹt mòn vừa làm đầy đặn anh và bạn bè thời giảng đường, thư viện và ngút ngàn viễn du chữ nghĩa.

Bây giờ, trên đường đời, thi sĩ ghi khắc nhiều người nhiều cảnh, nhưng Đà Lạt vẫn chìa bàn tay ân tình ân nghĩa, nên đôi lúc ngẫu cảm, nói chuyện đẩu đâu, vẫn thấy thấp thoáng chút sương khói mơ hồ của tuổi hai mươi: "Đà Lạt leo teo / hoang sơ tuổi / nói gì đâu / sao lòng đau / tuổi trẻ / lênh loang chữ / dốc đá café / chia điếu thuốc đen / ghi nợ bản tình"…

Khi Đào Đức Tuấn dùng từ "ân thủy" với miền đất này, tôi nghĩ anh đã chạm vào phần uyên nguyên tấm lòng đất trời cao nguyên diệu vợi.

Trên những lối tình của người giang hồ chữ, xin mở lòng chia sẻ với những "câu thơ trong veo neo giữ phận người"…

Nhà thơ, nhà báo Đào Đức Tuấn sinh năm 1971 tại Phú Yên, cựu học sinh Trường PTTH chuyên Lê Quý Đôn Nha Trang, cựu sinh viên Đại học Đà Lạt.

Sách đã in: Chiều chậm (Thơ, 2005); Ôm tròn trái đất (Thơ thiếu nhi, 2010); Thinh không (Thơ, 2017); Những mảnh tình khát vọng (Chân dung - Ghi chép, 2024); Lối tình (Thơ chọn, 2024).

Lối tình của người giang hồ chữ  - Ảnh 6.Những ‘cụ cây’ trăm tuổi bật gốc trong bão số 3 vào tập thơ Bay qua Hồ Gươm

Vừa là nhà thơ vừa là nhà báo nên không có gì lạ khi đọc Bay qua Hồ Gươm của tác giả Huỳnh Mai Liên, ta thấy cả những câu chuyện thời sự của Hà Nội. Trong đó có chuyện những ‘cụ cây’ bật gốc trong cơn bão số 3 (bão Yagi).


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên