02/07/2017 14:32 GMT+7

Lỗi thuộc về ông chủ trâu, ban tổ chức không có trách nhiệm?

TIẾN THẮNG
TIẾN THẮNG

TTO - Bà Ninh Thị Thu Hương, cục phó Cục Văn hoá cơ sở, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cho biết bà ngạc nhiên khi sự việc xảy ra ngày 1-7 thì toàn bộ lỗi lại thuộc về chính ông chủ trâu, không có phần trách nhiệm của ban tổ chức.

Sau khi húc chết chủ của mình, trâu số 18 hiện bị buộc tại khu vực phía sau sân vận động quận Đồ Sơn - ẢNH: Tiến Thắng
Sau khi húc chết chủ của mình, trâu số 18 hiện bị buộc tại khu vực phía sau sân vận động quận Đồ Sơn - ẢNH: Tiến Thắng

UBND TP Hải Phòng vừa có văn bản hỏa tốc gửi UBND quận Đồ Sơn yêu cầu tạm dừng việc tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 sau sự cố trâu húc chết người xảy ra ở vòng đấu loại trong ngày 1-7.

Tạm dừng việc tổ chức lễ hội chọi trâu 

Trong văn bản này, UBND thành phố giao UBND quận Đồ Sơn tạm dừng việc tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017, kiểm tra chất kích thích tăng lực (nếu có) còn tồn dư trong trâu số 18 cũng như các trâu khác tham gia vòng đấu loại.

Trong ngày 2-7, đoàn công tác của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch do thứ trưởng Trịnh Thị Thủy dẫn đầu đã về động viên, chia sẻ mất mát với thân nhân ông Đinh Xuân Hướng, người bị trâu húc chết hôm 1-7.

Sau khi thăm viếng, đoàn tiếp tục khảo sát thực địa sân đấu trước khi làm việc với lãnh đạo quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng để nắm lại cụ thể diễn biến sự việc cũng như lấy ý kiến của quận về việc có nên tiếp tục duy trì lễ hội này, nếu duy trì thì công tác đảm bảo an toàn được thực hiện ra sao.

Ông Hoàng Xuân Minh, chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, sau khi thông tin lại sơ bộ sự việc đáng tiếc xảy ra tại vòng đấu loại của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 đã đề xuất việc cần thiết giữ lại lễ hội này.

Theo ông Minh, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là hoạt động tín ngưỡng văn hóa truyền thống của người dân Đồ Sơn, sau 28 năm kể từ khi khôi phục đến nay thì lễ hội này luôn thể hiện được nét bản sắc riêng của người dân miền biển Đồ Sơn.

Điều này cũng được trung ương ghi nhận và lễ hội cũng đã được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia kể từ năm 2012.

Thấy ngạc nhiên

Tại buổi làm việc, sau khi xem xét nội dung quy chế tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn của ban tổ chức, bà Ninh Thị Thu Hương, cục phó Cục Văn hoá cơ sở, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, cho biết bà thấy ngạc nhiên khi sự việc xảy ra ngày hôm 1-7 tại vòng đấu loại của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn thì toàn bộ lỗi lại thuộc về chính ông chủ trâu, không có phần trách nhiệm của ban tổ chức, của hệ thống chính trị.

Trong quy chế tổ chức lễ hội, tôi thấy rằng việc anh Hướng bị trâu của mình húc chết là anh ấy phải tự chịu trách nhiệm. Còn ban tổ chức không có trách nhiệm gì cả. Như vậy, công tác quản lý của ban tổ chức nằm ở đâu, chỗ nào?"
Bà Ninh Thị Thu Hương

Bà Hương cũng bày tỏ lo lắng sau khi đi khảo sát thực tế tại khu vực sân thi đấu thì thấy hệ thống hàng rào không đảm bảo an toàn và cũng không rõ trong suốt 28 năm tổ chức, ban tổ chức lễ hội đã tiến hành kiểm tra lại hệ thống hàng rào này được bao nhiêu lần.

Theo bà Hương, Cục văn hóa cơ sở từng nhận được đề nghị của trên dưới 10 tỉnh thành mong muốn được tổ chức hội chọi trâu.

Tuy nhiên, quan điểm của cục là không đồng tình việc tổ chức hoạt động này vì yếu tố thương mại nhiều hơn yếu tố văn hóa truyền thống. Do vậy, rất nhiều lần có văn bản không đồng ý về việc này.

Cuối buổi làm việc, thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng lễ hội nào thì cũng là do con người đặt ra, điều cốt lõi của mỗi lễ hội là cần phải xem xét đến yếu tố an toàn, lành mạnh cũng như phù hợp với những giá trị hiện tại.

Bà Thủy nhấn mạnh nội dung quy chế tổ chức lễ hội của ban tổ chức đưa ra cho thấy sự lỏng lẻo trong quản lý cũng như trách nhiệm.

"Sau khi xem đoạn clip trên mạng tôi thấy sự việc hôm 1-7 không phải xảy ra đột ngột bất ngờ mà trước đó trâu số 18 đã truy đuổi một người khác và trong quy chế cũng đã rõ là sau khi đưa trâu vào sới đấu thì mọi người phải rút về vị trí mà ban tổ chức quy định, vậy tại sao vẫn để anh Hướng xuất hiện trong khu vực sân mà không có ai nhắc nhở?", bà Thủy nói.

Theo bà Thủy, tới đây Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch sẽ tiếp tục có buổi làm việc chính thức với lãnh đạo UBND TP Hải Phòng để xem xét cụ thể việc tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

Trường hợp ban tổ chức chưa đưa ra được các biện pháp để đảm bảo an toàn, chưa nêu bật được giá trị văn hóa truyền thống thì cũng cần phải tính toán đến việc dừng lại.

"Chúng ta phải đặt một câu hỏi thẳng thắn rằng sự cố ngày hôm qua có còn lặp lại nữa hay không? Nếu tiếp tục triển khai lễ hội này thì lãnh đạo TP Hải Phòng cũng phải có cam kết chắc chắn về việc đảm bảo an toàn.

Tới đây Hải Phòng cũng nên tổ chức các buổi làm việc để lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu khoa học cũng như cộng đồng xã hội về việc nên bỏ hay giữ lại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn", bà Thủy nhấn mạnh.

TIẾN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên