13/03/2015 08:54 GMT+7

Lời nhắc nhớ từ đài tưởng niệm Gạc Ma

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - 40 năm trước, ngày 19-1-1974, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam...

Phối cảnh tổng thể khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh do Tổng LĐLĐ VN cung cấp

Hôm nay 13-3-2015, một ngày trước ngày kỷ niệm 27 năm Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (14-3-1988), lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma sẽ được tiến hành ở xã Cam Hải Đông (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa).

Tròn một năm trước, ngày 10-3-2014, lời kêu gọi đóng góp cho chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa” thuộc quỹ xã hội từ thiện “Tấm lòng vàng” do ông Đặng Ngọc Tùng - ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, chủ tịch hội đồng quản lý quỹ này - về việc xây một ngôi đền tưởng niệm những người con đất Việt hi sinh vì chủ quyền Tổ quốc trên biển Đông đã làm lay động hàng triệu trái tim con dân nước Việt.

Một đất nước mà mỗi trang biên niên sử đều thắm đỏ màu máu của những người con trong cuộc chiến tranh vệ quốc, và cũng không phải lần đầu tiên chúng ta xây đền tưởng niệm cho những người lính Việt. Nhưng rõ ràng việc xây dựng đài tưởng niệm Gạc Ma đã chạm một nỗi niềm thẳm sâu trong tâm thức lịch sử.

Lời kêu gọi cho chương trình này đã nhắc đến sự kiện 14-3-1988 và cũng không quên nhắc nhớ thêm: “40 năm trước, ngày 19-1-1974, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 74 sĩ quan, thủy thủ quân lực Việt Nam cộng hòa đã kiên cường chiến đấu bảo vệ đảo và hi sinh, vĩnh viễn nằm lại ở vùng biển Hoàng Sa. Máu của những người con đất Việt dù trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu”...

Gạc Ma - nhưng không chỉ là Gạc Ma.

Trong câu chuyện Gạc Ma có hình bóng những tử sĩ Hoàng Sa nằm lại biển Đông một ngày tháng giêng năm 1974. Trong câu chuyện Gạc Ma nhắc cho ta về những đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ra đi từ Lý Sơn hàng bao thế kỷ trước “Hoàng Sa trời nước mênh mông, người đi thì có mà không thấy về”.

Và cũng như tiền nhân thuở đội Hoàng Sa, 64 liệt sĩ Gạc Ma cho đến nay không mấy ai trọn vẹn được hình hài để an vị giữa lòng đất mẹ. Nhiều năm tháng tìm hiểu về câu chuyện Gạc Ma, từng chứng kiến những di vật vớt lên từ con tàu bị chìm trong trận chiến tháng 3-1988, từng xem những thước phim thám sát xác tàu, từng lặng người trước mẩu xương cốt hiếm hoi vớt lên từ lòng biển lạnh, hơn bao giờ hết, chúng tôi thấu hiểu chiều kích thẳm sâu của câu thơ tưởng niệm những người lính mà thân xác đã tan vào lòng biển “Thay cho màu cỏ thanh minh là xanh rợp trời cao/Thay cho dòng tên khắc trên bia là trùng trùng sóng trắng...”.

Và chính vì điều đó, đền tưởng niệm Gạc Ma hôm nay sẽ thay cho trùng trùng sóng trắng kia khắc ghi lại tuổi tên, khắc ghi lại chiến công của những người con đất Việt đã hi sinh trên biển Đông trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc.

Công trình xây dựng đài tưởng niệm những người lính Gạc Ma có sự trùng hợp đầy xúc động khi đó là sự hòa quyện giữa hai đồ án “Những người nằm lại phía chân trời” và “Hành trình khát vọng”. Những người ngã xuống hôm qua chính là để cho đất nước được bền lòng bước tới tương lai. Và công trình này cũng thế, đó không chỉ là sự tưởng niệm với người nằm xuống mà còn là lời nhắc nhở với hôm nay, với mai sau.

Nhắc để không bao giờ quên rằng quần đảo Hoàng Sa, đảo Gạc Ma và những Chữ Thập, Châu Viên..., một phần máu thịt của Tổ quốc vẫn chưa về cùng đất mẹ.

Nhắc chúng ta hãy nhớ về những người lính đang ngày đêm can trường với sóng gió trùng khơi để giữ gìn vững chắc biển đảo của Tổ quốc.

Nhắc chúng ta hãy nhớ đến những đời dân trên những hòn đảo dọc dài biển Đông, chính họ đã làm nên những “cột mốc chủ quyền sống”, những “tượng đài sống” bằng chính năm tháng cuộc đời mình.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên