Nhà văn Đoàn Tuấn ký tặng sách cho độc giả - Ảnh: TRẦN MẶC
Đây là tác phẩm mới của Đoàn Tuấn sau hai tập ký và hai tiểu thuyết viết về người lính tình nguyện Việt Nam ở chiến trường K.
Buổi ra mắt sách vào ngày 9-4 tại Đường sách TP.HCM có sự tham dự của nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, nhạc sĩ - NSƯT Thế Hiển… cùng các cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.
Những người đồng đội cũ đã cùng nhau hòa tiếng hát: "Mãi mãi lòng chúng ta/ Ca bài ca người lính/ Mãi mãi lòng chúng ta/ Vẫn hát khúc quân hành ca…". Khúc ca của họ mở đầu cho một cuộc hội ngộ đặc biệt, khi mà người ở lại tìm thấy linh hồn người rời đi trong trang viết.
Các cựu chiến binh cùng hòa tiếng hát Hát mãi khúc quân hành - Ảnh: TRẦN MẶC
Nói về chất liệu hình thành tác phẩm mới, Đoàn Tuấn chia sẻ: "Tôi vẫn cứ hàng ngày, hàng tháng, hàng năm gặp đồng đội, nghe câu chuyện của họ. Tôi cũng đọc thêm những quyển sách viết về Campuchia và cuộc chiến này để có cái nhìn rộng và sâu hơn về chiến tranh.
Tôi nghĩ cuộc chiến này không phải chỉ kéo dài mười năm, mà nó để lại những di chứng rất lớn, những bài học lịch sử rất quan trọng cho tương lai. Tôi muốn để thế hệ sau ứng xử với láng giềng làm sao tránh chiến tranh, để mọi người sống trong cuộc sống hòa bình và khoan dung".
Đoàn Tuấn buộc mình phải viết, không chỉ cho người ở lại đọc, mà còn viết cho những người đã rời đi được an lòng, để những linh hồn của đồng đội được nhớ đến, được tồn tại trong văn chương.
Bên cạnh đó, ông còn muốn viết cho đất: "Tôi muốn đất để trồng trọt, chăn nuôi chứ không phải để những linh hồn vất vưởng trong đó. Viết như vậy để làm sạch đất và làm sạch tâm hồn chúng ta".
Thế là ông viết. Dùng những câu viết chân thực, sống động để họa lại một thời khốc liệt và đau thương ấy. Nhưng cũng từ cái khốc liệt, đau thương này, vẻ đẹp của con người mới được làm bật lên, được ghi nhớ một cách sâu sắc.
Lời cầu nguyện cho những linh hồn phiêu dạt (NXB Tổng Hợp TP.HCM) lấy chất liệu từ những câu chuyện có thật - Ảnh: TRẦN MẶC
Đoàn Tuấn chia sẻ: "Khi viết, tôi đã khóc rất nhiều, và đọc lại, tôi vẫn khóc. Chúng ta có những vẻ đẹp, vẻ đẹp của sự thật, vẻ đẹp của con người mà chúng ta phải tin vào đó để sống. Những vẻ đẹp này trong sự vận động của cuộc sống đã rơi mất.
Chúng tôi là những người đi nhặt nhạnh lại để trả lại cho cuộc sống, cho con người. Những vẻ đẹp được sinh ra từ trong đau thương, mất mát nhưng giàu chất người, chất nhân văn".
Những đồng đội cũ trên chiến trường K đến tham dự buổi ra mắt sách của nhà văn Đoàn Tuấn - Ảnh: TRẦN MẶC
Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt vẫn là một cái nhìn về chiến tranh. Nhưng khác ở chỗ, đây là cái nhìn của niềm đau hậu chiến. Những lửa, những khói, những thuốc súng đã qua đi. Nhưng những ám ảnh sau chiến tranh của người lính, người vợ, người mẹ có thân nhân nằm lại bên kia biên giới thì còn đó. Thời gian không xóa được.
Trong buổi giao lưu, nhà thơ Lê Minh Quốc - người đầu tiên tiếp cận và biên tập bản thảo - cho biết: "Chưa quyển sách nào của Đoàn Tuấn làm tôi mê như quyển này. Đoàn Tuấn đã đi đúng hướng, anh đi vào một triết lý Á Đông: một lời kinh cầu. Tất cả sau một cuộc chiến, không có gì hơn một lời kinh cầu. Tuấn đã đi vào đó và đạt được sự đồng thuận của tất cả mọi người với một quyển sách không dễ viết như thế này".
Đoàn Tuấn sinh năm 1959 tại Hà Nội. Ông là nhà văn, nhà thơ, đồng thời là nhà biên kịch của những bộ phim: Chiếc chìa khóa vàng, Đường Thư, Chuyện tình trong ngõ hẹp, Truyền thuyết về Quán Tiên… Năm 1978, ông nhập ngũ và chiến đấu ở biên giới Tây Nam.
Đoàn Tuấn có 5 năm trong lực lượng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 29, Sư đoàn 307 làm nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia (gọi tắt là chiến trường K). Trong quãng thời gian đó, ông không ít lần đối diện với cái chết. Chính những điều này đã cho ông trải nghiệm quý báu về số phận con người, đồng thời thôi thúc ông phải cầm bút ghi lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận