Nhiều người gom rác đã phải bán xe tải để mua lại xe tự chế, hoặc xe ba bánh - Ảnh: M.Hoa |
Phương tiện của họ là những chiếc xe ba gác đạp hoặc gắn máy, thành xe được cơi nới bằng tấm ván để chứa được nhiều rác. Có lúc họ dùng sức người kéo, đẩy đến từng nhà để gom rác nhưng khi rác đầy, họ nổ máy hoặc lên xe đạp về “bô” rác nhẹ nhàng hơn so với kéo đẩy.
Thế rồi cách đây hơn tám năm, từ khi có chủ trương cấm xe ba, bốn bánh tự chế, người gom rác phải bỏ những chiếc xe này, chuyển sang “thùng rác di động”.
Dù phù hợp với việc gom rác trong hẻm nhỏ nhưng người gom rác lại vất vả khi đưa “thùng rác di động” đầy rác về “bô” rác cách đó khá xa. Vì thế mong ước “cơ giới hóa”, giải phóng sức người cho người gom rác chưa bao giờ tắt. Họ đã chòi đạp, sáng tạo.
Chúng ta cũng đã gặp những “thùng rác di động” được kéo theo sau xe máy hoặc xe tải nhẹ cải tiến thành xe gom rác khá hiện đại. Đó là cách để người gom rác bớt vất vả sau nhiều giờ cần mẫn đi gom rác.
Tuy nhiên, do chẳng cơ quan nào hướng dẫn, họ phải tự “cứu mình” nên những chiếc xe này không phù hợp với quy định.
Họ bị phạt, phải lén lút, trốn tránh khi sử dụng, rồi xuôi tay, từ bỏ giấc mơ “cơ giới hóa”, trở về sử dụng cơ bắp, như lời ông Lê Văn Nga - phó chủ tịch Nghiệp đoàn rác dân lập Q.Thủ Đức, TP.HCM: “Cấm đường này thì phải mở lối thoát khác cho chúng tôi làm việc” (Tuổi Trẻ 27-1).
Khó khăn của người gom rác dân lập lại được kêu lên. Ông phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP đã hứa “sở sẽ chủ trì mời các ngành ngồi lại với nhau để tìm giải pháp tháo gỡ cho bà con” (Tuổi Trẻ 28-1).
Nghe hứa nhưng bụng không vui. Nhớ lại tám năm trước khi cấm xe ba, bốn bánh tự chế, sở cũng hứa như thế. Thậm chí ngay thời điểm đó đã có than phiền rằng Sở Tài nguyên - môi trường đã bàn nhiều, hội thảo tới lui nhưng không có mẫu xe rác nào được đưa ra để thay thế.
Hứa nhưng không trọn lời, hậu quả là nhiều năm qua hàng ngàn người gom rác phải lầm lũi dùng sức người đẩy, kéo những thùng rác di động giữa một đô thị hiện đại.
Chuyện vất vả, mất tiền khi cải tiến xe gom rác tưởng là chuyện nhỏ nhưng không nhỏ. Nó như chuyện của người nuôi dê ở Đồng Nai phải kêu cứu (Tuổi Trẻ 14-1) chỉ vì họ muốn phát triển sản xuất, muốn được bán đi khắp nơi, muốn chứng minh sản phẩm của mình an toàn cho người tiêu dùng... nhưng chính quyền lại không giúp họ thực hiện ước mơ đơn giản đó.
Dù các vụ việc diễn ra ở địa bàn khác nhau nhưng có điểm chung là cơ quan chức năng đã không đồng hành cùng dân, chưa làm tròn nhiệm vụ của mình để giúp người dân có kế sinh nhai, bớt cực nhọc, được phục vụ xã hội tốt nhất.
Người gom rác đã kêu nhưng chỉ nhận được lời hứa. Lần này mong rằng không thể hứa cho qua chuyện, cũng không thể là lời hứa nhiều năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận