28/01/2016 21:57 GMT+7

Xe gom rác dân lập chúng tôi kiểu gì cũng bị phạt

Q.KHẢI - D.N.HÀ ghi
Q.KHẢI - D.N.HÀ ghi

TT - Câu chuyện của người gom rác dân lập trong bài “Lên đời” cho xe gom rác: quá khó (Tuổi Trẻ ngày 27-1) được nhiều người làm công việc nặng nhọc này ở TP.HCM đồng cảm, chia sẻ.

Nhiều người không cải tạo được xe tải, phải đi gom rác bằng xe kéo như thế này - Ảnh: Q.Khải
Nhiều người không cải tạo được xe tải, phải đi gom rác bằng xe kéo như thế này - Ảnh: Q.Khải

Tuổi Trẻ giới thiệu một số ý kiến của người trong cuộc, đại diện địa phương và cơ quan chức năng đề xuất tìm lối ra cho người gom rác dân lập.

* Ông Tạ Văn Đực (phụ trách HTX vệ sinh môi trường Thống Nhất, Q.Bình Thạnh, TP.HCM):

Phía sau người gom rác là cả một gia đình...

Người gom rác cũng muốn thực hiện theo quy định, nhưng hiện nay trong nước chưa có loại xe tải loại nhỏ nào thiết kế chuyên dụng cho chở rác nên để tận dụng xe tải hiện có, người gom rác phải cải tạo lại xe cho phù hợp.

Nhiều người đã đối phó với đăng kiểm bằng cách phải tháo bỏ phần cải tạo để xe giống nguyên bản ban đầu, sau khi kiểm định xong thì về hàn bản lề, lắp lại thùng mới để đi gom rác. Tuy nhiên khi ra đường gặp cảnh sát giao thông thì bị phạt 700.000-800.000 đồng/lần.

Rất nhiều người chịu không nổi đành bán xe tải để chuyển sang xe kéo tay loại 660 lít. Xe loại này chở rác không nhiều và người dùng phải dùng xe máy để kéo trên đường chứ không đẩy nổi, vì quãng đường gom rác có nơi cách xa điểm tập kết tới hơn 10km.

Việc dùng xe máy kéo xe rác như vậy lại vi phạm luật giao thông nên thực tế có người đã bị cảnh sát giao thông xử phạt.

Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần với Liên minh Hợp tác xã TP kiến nghị các cơ quan chức năng làm sao gỡ vướng mắc này giúp người gom rác, nhưng đến nay mọi chuyện vẫn chưa có gì thay đổi. Có nhiều người chịu phạt không nổi thì bán xe, bỏ nghề, trong khi phía sau mỗi người gom rác là cả một gia đình có cuộc sống vốn đã khó khăn.

Vì vậy chúng tôi mong cơ quan chức năng đề xuất quy định, hướng dẫn để người gom rác cải tạo xe cho đúng quy định, vừa đáp ứng việc đảm bảo vệ sinh môi trường vừa đảm bảo cuộc sống cho gia đình họ.

* Ông Lê Văn Chiến (phó chủ tịch UBND Q.Thủ Đức):

Có quy chuẩn riêng cho xe gom rác

UBND Q.Thủ Đức từng kiến nghị với cơ quan chức năng về phương tiện thu gom rác của những đường dây rác dân lập. Phải có cơ chế đặc thù đối với phương tiện lấy rác để hỗ trợ việc vận chuyển rác, chứ áp dụng quy chuẩn chung như các phương tiện giao thông chung thì rất khó cho người gom rác.

Hoặc TP có tiêu chuẩn riêng cho xe rác để phục vụ việc dọn dẹp vệ sinh, công việc vốn rất cần thiết cho đô thị hiện nay. Những xe này trước hết phải đạt những tiêu chuẩn về an toàn khi tham gia lưu thông, nhưng phù hợp với đặc điểm của công việc thu gom rác.

Theo tôi, UBND TP có thể đặt hàng Công ty SAMCO nghiên cứu chế tạo loại xe chuyên dụng này theo các tiêu chuẩn chung, giá cả phù hợp để cung cấp cho người gom rác.

* Ông Lê Hoàng Hà (chủ tịch UBND Q.Gò Vấp):

Cần một hướng dẫn phù hợp

Hiện nay các hẻm trong đô thị rất nhỏ, nếu người gom rác sắm xe lớn để có thùng to thì không đi vào hẻm được. Các điểm tập kết trung chuyển rác trong khu dân cư hiện rất ít và bán kính phục vụ của các điểm này đa số đều trên 10km.

Nếu như người gom rác sắm xe nhỏ, thùng nhỏ thì nhanh đầy thùng, phải chạy xe hơn 10km mới đến điểm trung chuyển đổ rác rồi quay lại, vừa tốn thời gian vừa tốn thêm chi phí. Giá thu gom rác lúc này sẽ đội lên cao, liệu người dân có đồng thuận hay không? Nếu vẫn giữ giá cũ thì người gom rác sẽ bị lỗ và từ bỏ công việc này.

Theo tôi, các ngành cần ngồi lại với nhau bàn bạc thống nhất tiêu chuẩn, kích thước, quy mô của phương tiện vận chuyển, thu gom rác như một loại xe chuyên dụng cho phù hợp với thực tế của TP. Sở Tài nguyên - môi trường TP chủ trì, mời các địa phương và ngành công an bàn bạc với nhau để xem có hình thức vận tải nào phù hợp cho loại hình gom rác dân lập này hay không.

Các ngành của TP phải đánh giá hiện trạng và có hướng dẫn chung cho phù hợp. Nếu cứ như thực trạng hiện nay mà xử phạt người gom rác thì còn nhiều điểm mâu thuẫn, gây khó cho người gom rác.

* Ông Nguyễn Văn Phước (phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM):

Sở sẽ chủ trì để tìm giải pháp

Phản ảnh của người dân trong bài báo nói trên là đúng với vướng mắc hiện nay của người gom rác dân lập trên địa bàn TP. Sở Tài nguyên - môi trường TP sẽ chủ trì, mời các ngành ngồi lại với nhau để cùng bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ cho bà con.

Sở Tài nguyên - môi trường TP đã triển khai quy trình hỗ trợ người thu gom rác chuyển đổi phương tiện. Nhiều người gom rác ở các đường rác dân lập cùng vay tiền mua một xe tải 500kg để vận chuyển rác.

Hiện nay, Sở Tài nguyên - môi trường TP, Công ty Môi trường đô thị TP vẫn tiếp tục vận động, làm trung gian, tháo gỡ vướng mắc để các hộ thu gom rác có điều kiện chuyển đổi phương tiện. Hiện Công ty SAMCO cũng đang nghiên cứu ý kiến về việc chế tạo loại xe chuyên dụng cho việc thu gom rác. Sở sẽ tiếp tục chủ trì việc này để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho người dân.

Sở GTVT TP xác nhận cải tạo xe trong vài ngày

Theo một cán bộ Sở GTVT TP, các loại xe cơ giới đường bộ được phép cải tạo theo hướng dẫn tại thông tư 85 của Bộ GTVT, nhưng khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông sau cải tạo không được lớn hơn khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế của xe nguyên thủy.

Trường hợp người dân có nhu cầu cải tạo từ xe tải thường thành xe chở rác, thời gian qua Sở GTVT TP vẫn tiếp nhận bình thường.

Theo đó, hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo gồm: giấy tờ xe, các tài liệu thông số, tính năng kỹ thuật của xe nguyên mẫu và các hệ thống cải tạo, thay thế (bản sao có xác nhận của cơ sở thiết kế).

Sau khi nộp hồ sơ đầy đủ, các đơn vị chuyên môn của Sở GTVT sẽ xem xét xác nhận trong vòng vài ngày để sau đó chủ xe làm thủ tục đi đăng kiểm.

Q.KHẢI - D.N.HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên