30/12/2007 01:14 GMT+7

Cấm xe thì ngừng gom rác!

HOÀNG KHƯƠNG
HOÀNG KHƯƠNG

TT - Những người làm nghề thu gom rác dân lập có thể sẽ phải làm như thế vì những kiến nghị của họ đến nay vẫn còn... chờ ý kiến chỉ đạo! Nhưng ngừng thì họ sẽ sống ra sao? Và thành phố sẽ ra sao khi những người thu gom khoảng 70% lượng rác sinh hoạt của thành phố không thể gom rác?

zuBx3HAp.jpgPhóng to
Ông Đinh Văn Dũng (ngồi trong xe ba gác), nhà ở P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM đã có hơn 20 năm chạy xe ba gác cùng những người làm nghề thu gom rác theo dõi thông tin về việc cấm xe ba gác, xe tự chế từ 1-1-2008. Ông lo lắng: “Mai này, tụi tôi làm gì để sống?” - Ảnh: N.C.T.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Thời hạn cấm xe ba bánh tự chế từ ngày 1-1-2008 theo nghị quyết của Chính phủ đã gần kề, nhưng ở các địa phương hầu như chưa sẵn sàng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tạ Văn Quang - phó chủ tịch nghiệp đoàn rác dân lập quận Bình Thạnh, TP.HCM - cho biết anh em làm nghề thu gom rác dân lập kiến nghị tạm thời được tiếp tục sử dụng loại xe ba gác, xe lam hết niên hạn sử dụng… để thu gom rác do chưa chuyển đổi phương tiện khác được, nhưng quận Bình Thạnh trả lời là chờ ý kiến chỉ đạo của TP!

Phải dừng tạm thời

Ông Tạ Văn Quang cho hay nếu ngày 31-12-2007 vẫn chưa nhận được trả lời có được tạm thời sử dụng những loại xe này để thu gom rác hay không thì sáng 1-1-2008, anh em làm rác sẽ không dám chạy xe ra đường để đi thu gom rác vì sợ bị phạt và bắt buộc công việc thu gom rác sẽ phải dừng tạm thời. Hiện ở quận Bình Thạnh có khoảng 145 xe ba bánh gắn máy, 55 xe lam, hơn 20 xe ba gác đạp thu gom rác dân lập. Lượng rác thu gom do lực lượng này đảm trách hơn 200 tấn/ngày.

Xe 3 bánh nhập khẩu vẫn được đăng ký bình thường

Ngày 29-12, thượng tá Phạm Văn Thịnh, trưởng Phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM, cho biết từ ngày 1-1-2008, những loại xe 3-4 bánh (xe ba gác) và các loại xe tự chế khác không đăng ký lưu hành, không qua kiểm định lưu thông trên đường đều bị lập biên bản, tịch thu bán phế liệu.

Đối với các loại xe tự chế có đăng ký lưu hành và giấy chứng nhận tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, môi trường do cơ quan chức năng cấp vẫn được lưu thông sau 1-1-2008 (trừ những đường có biển cấm). Đối với các loại xe ba bánh nhập khẩu (do Trung Quốc sản xuất), Phòng CSGT vẫn tiến hành cho đăng ký bình thường.

Theo thống kê sơ bộ, ở TP hiện có khoảng 60.000 xe ba bánh, bốn bánh và các loại xe tự chế khác, trong đó chỉ 1.000 xe có đăng ký lưu hành.

Một cán bộ có trách nhiệm của phòng quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên - môi trường TP nói rằng nếu có xảy ra trục trặc ở lực lượng thu gom rác dân lập vào thời điểm nói trên, về nguyên tắc, các công ty dịch vụ công ích các quận, huyện sẽ đảm trách xử lý các vấn đề phát sinh.

Vị cán bộ này cũng khẳng định cho đến nay TP chưa có chỉ đạo, hay yêu cầu triển khai chính sách hỗ trợ nào đối với việc chuyển đổi phương tiện thu gom rác của lực lượng rác dân lập và Sở Tài nguyên - môi trường TP cũng chưa triển khai việc này. Mặt khác, cho đến nay cũng chưa có cuộc họp nào giữa các sở, ngành liên quan và các quận, huyện để tìm hướng xử lý các vấn đề phát sinh đối với lực lượng thu gom rác dân lập.

Hiện lực lượng thu gom rác dân lập thu gom khoảng 70% lượng rác sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM (trong tổng số khoảng 6.000 tấn/ngày). Phương tiện sử dụng của lực lượng này ước tính khoảng trên 3.000 xe, chủ yếu là phương tiện thô sơ, trong đó phổ biến nhất là xe ba bánh gắn máy, xe lam rất cũ...

Trước thông tin từ ngày 1-1-2008 sẽ cấm lưu thông các loại xe 3-4 bánh tự chế, xe hết niên hạn sử dụng..., những người làm nghề thu gom rác dân lập hết sức lo lắng. Do hầu hết chưa chuyển đổi phương tiện khác, một số công nhân thu gom rác dân lập cho biết nếu bị cấm sử dụng xe ba bánh gắn máy hay xe lam cũ nát thì họ sẽ gặp khó khăn về phương tiện thu gom rác.

Gia hạn thời gian lưu hành?

Uiiv0cIe.jpgPhóng to

Anh Lê Hải (đứng trên xe ba gác) cùng vợ và con trai gom rác các hộ dân trên đường Bến Vân Đồn, Q.4, TP.HCM. Gia đình anh Hải làm nghề thu gom rác dân lập hơn mười năm qua. Mai này cấm xe ba gác, gia đình anh biết làm gì để sống? - Ảnh: N.C.T

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 29-12, ông Nguyễn Thành Tài - phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM - cho biết TP đã có chủ trương hạn chế xe 3-4 bánh tự chế ở một số khu vực trung tâm từ năm 2002. Song song đó, UBND TP cũng đã có chỉ đạo Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo - việc làm TP hỗ trợ các hộ gia đình sinh sống bằng phương tiện này được học nghề, vay vốn để chuyển nghề...

Trước đó, ông Nguyễn Văn Xê, phó Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo - việc làm TP, cho hay đã có văn bản báo cáo với UBND TP về thực trạng hộ nghèo có xe 3-4 bánh tự chế. Báo cáo đề nghị UBND TP kiến nghị với Chính phủ cho phép các loại xe này được tiếp tục lưu hành 6-9 tháng nữa. Trong thời gian này, chính quyền các cấp tính toán hỗ trợ hiệu quả hơn cho người dân, người dân thu xếp chuyển đổi ngành nghề phù hợp để sinh sống. Ngoài ra, Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo - việc làm TP cũng đề nghị UBND TP xem xét hỗ trợ mỗi hộ trong diện xóa đói giảm nghèo đang sinh sống bằng phương tiện xe 3-4 bánh tự chế 7 triệu đồng/xe, đồng thời sớm nghiên cứu loại xe phù hợp thay thế loại xe 3-4 bánh tự chế. Nguồn hỗ trợ này được lấy từ ngân sách TP và Quĩ Vì người nghèo.

Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, hiện TP có trên 1.500 hộ với trên 8.000 nhân khẩu trong diện xóa đói giảm nghèo sinh sống bằng phương tiện xe 3-4 bánh tự chế.

Nơi cương quyết, nơi gia hạn

* Ngày 29-12, ông Nguyễn Văn Liệt, phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long, cho biết cuộc họp của UBND tỉnh cuối tuần này quyết định vẫn cấm xe ba gác, xe lôi máy chở khách - một loại xe đặc trưng ở Vĩnh Long - hoạt động từ ngày 1-1-2008. Toàn bộ gần 400 xe ba gác, xe lôi máy chở khách có đăng ký sẽ bị thu hồi. Người lao động là chủ sở hữu xe sẽ được hỗ trợ gần 4 triệu đồng/người. Khoảng 1.000 xe ba gác, xe lôi máy khác không có đăng ký lưu hành vẫn bị cấm hoạt động nhưng không được Nhà nước hỗ trợ.

* Ông Phạm Văn Long, giám đốc Sở GTVT Bến Tre, nói sẽ gia hạn thêm một thời gian vì cấm ngay từ ngày 1-1-2008 sẽ không kịp. Đến nay chủ sở hữu xe chưa được thông báo, chưa cam kết, chưa nhận tiền hỗ trợ (dự kiến 3,9 triệu đồng/người).

* Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang Nguyễn Văn Hùng khẳng định sẽ gia hạn thời gian cấm xe ba gác đến cuối tháng 1-2008. Trong thời gian này, tỉnh sẽ hoàn chỉnh phương án và chi tiền hỗ trợ người dân chuyển nghề.

* Theo quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ ngày 1-1-2008 sẽ cấm các loại xe công nông lưu hành. Theo đó, cấm toàn bộ 425 xe công nông đầu máy ngang (xe vận chuyển nhỏ) lưu hành trên toàn tỉnh; cấm 300/748 xe máy kéo nhỏ (còn gọi là xe công nông đầu dọc) lưu hành do đã tự lắp ráp hoặc cải tạo, thay đổi khác so với thiết kế, chế tạo của nhà sản xuất.

HOÀNG KHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên