Hàng ngàn người dân ngồi tràn ra cả lòng đường Tây Sơn bên ngoài chùa Phúc Khánh, Hà Nội để làm lễ giải hạn hồi tháng giêng âm lịch vừa qua - Ảnh: NAM TRẦN
Nói về lời nhắc đó, Hòa thượng THÍCH HẢI ẤN - phó trưởng ban thường trực Ban văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế chia sẻ:
- Nhiều người cứ nghĩ có thần thánh nên không theo thần thánh là không được, nhưng thần thánh một cách chung chung chính là xưa bày nay bắt chước. Nhiều khi do con người tự vẽ ra để làm cho nhau sợ hãi rồi tìm cách cúng kính, cầu xin các thứ, đó là mê tín.
Thần thánh sinh ra phải nhằm mục tiêu giáo hóa con người sống tốt đẹp hơn, hướng tất cả mọi hành động và lời nói của con người phải trên cơ sở suy xét kỹ, có tư duy sâu, áp dụng vào cuộc sống hiện tại chứ không phải mơ hồ.
Với Phật giáo, nếu người hiểu đúng chính pháp thì phải thấy đạo Phật là đạo cứu khổ bằng tuệ giác chứ không phải bằng cầu xin. Đức Phật là người giác ngộ - chỉ cho ta con đường thoát khổ chứ ngài không thể cứu mình bằng thần thông.
Nếu chỉ tin Phật theo hướng ngài sẽ cứu mình bằng sự huyền nhiệm mà không hiểu được, sống được với các gốc nhân quả, thì đó là mê tín.
Trong tâm thế đi chùa của người dân và Phật tử cần phải đi theo chánh pháp, phải có niềm tin đúng, tin sâu nhân quả chứ không tin một cách mù quáng.
* Nhưng thưa hòa thượng, thực tế có rất nhiều người đến chùa với sự mê tín...
- Ngôi chùa ngoài việc để Phật tử và nhân dân đến chiêm bái tu học, còn là nơi đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng khác. Đến chùa là bằng tâm Phật - tâm hướng thiện, phải tin những lời Phật dạy với những điều cần tu sửa, nằm ở chỗ làm lành - lánh dữ, khi đó tâm mới an.
Theo đó, đến chùa là để tìm giải pháp chuyển hóa khổ đau theo chánh pháp (tin nhân quả mà biết vượt lên những điều xấu ác, từng bước kiến tạo cuộc sống của mình từ hôm nay) chứ không phải để mê tín, tin rằng có ai đó, cõi nào đó giúp mình giải nghiệp.
Tôi nhấn mạnh, người đi chùa tin vào Tam bảo là phải tin luật nhân quả; còn việc đến chùa mà mê tín thì không những không hết khổ đau mà còn tiền mất tật mang!
* Nhưng, đâu thể đổ lỗi rằng người dân mê tín nên có chuyện đi chùa bát nháo, vấn đề ở đây là trách nhiệm hướng dẫn người dân trong tín ngưỡng tâm linh của nhà chùa, thưa hòa thượng!
- Trách nhiệm hướng dẫn người dân trong tín ngưỡng tâm linh không chỉ có giáo hội mà từ chính mỗi thầy trụ trì. Chư tăng trong chùa có bổn phận hướng dẫn, chỉ dạy giáo lý cho Phật tử, và vị đó phải có chính kiến, hướng dẫn người dân và Phật tử đến chùa bằng chánh pháp, có hiểu biết đúng như tôi vừa nói.
Có nhiều thầy hướng dẫn mang tính chủ quan, lợi dụng sự mê tín, thiếu hiểu biết của nhiều người để trục lợi - đó là tà sư ẩn mình trong chùa.
* Vậy theo hòa thượng, giáo hội cần làm gì để chấn chỉnh tình trạng sinh hoạt tâm linh còn nhiều lỗ hổng khiến dư luận bức xúc, mà mới nhất là vụ chùa Ba Vàng?
- Trung ương Giáo hội - cụ thể là Ban hoằng pháp, Ban nghi lễ, Ban văn hóa, Ban hướng dẫn Phật tử trung ương cần xem xét cụ thể, nghi lễ nào bị pha tạp trong chùa không đúng đắn sẽ chấn chỉnh; người thầy (giảng sư) khi giảng không đúng với những điều Phật dạy cũng như giáo lý nhà Phật làm cho Phật tử hay người dân mê tín thêm thì phải nhắc nhở.
Muốn vậy, vấn đề tăng sự phải nghiêm.
Ngoài ra, chính mỗi Phật tử phải vững tâm, những lời truyền giảng mà không đúng chính pháp thì không nghe và cũng không tu tập theo. Muốn vậy, Phật tử phải tìm hiểu kinh điển chứ đừng chỉ nghe và tin từ một chỗ nào đó mà mình được giới thiệu là linh thiêng.
Khi Phật tử và người dân đi lễ chùa phải có chính kiến, cần tránh việc bị lợi dụng lòng tin để tham gia vào những hình thức mê tín dị đoan, gây tâm lý bất an.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận