Nhiều ngư dân vốn liếng đi biển cả năm bỗng thành mây khói. Các chủ ghe bàn nhau canh gác.
Cho đến một ngày, khi hai bóng đen đang cắt các mắt lưới để lấy cá thì thuyền của ngư dân ập đến. Hai người vội nhảy xuống biển trốn, nhưng do quá hấp tấp một người đã mắc vào lưới và bị chân vịt cắt chết. Người kia bị bắt tại chỗ. Ngư dân đưa anh ta lên đảo, dùng đá dần nát đôi tay rồi mới đem nộp cho biên phòng. Lý lẽ của người dân: nộp kẻ trộm cho biên phòng thì cùng lắm hắn đóng phạt rồi về, trong khi lưới cá của mình cả trăm triệu ai đền. Đánh vậy cho hết đường ăn trộm!
Ăn trộm tất nhiên phải bị xử lý. Tuy nhiên đã có phán quyết nào xác nhận tên trộm bị dần nát đôi tay là thủ phạm của bao nhiêu vụ mất cá và cắt lưới để từ đó có mức xử phạt hợp lý? Không có cơ hội cho anh ta thanh minh. Vắng bóng pháp luật, con người ta không có cơ hội bào chữa, xã hội thiếu vắng tính nhân văn cho con người ngã phục thiện. Câu chuyện về tên trộm ở vùng biển Kiên Giang nghe hao hao những kẻ trộm chó bị đánh chết. Câu chuyện cho thấy sự bất lực của luật pháp khi khởi tạo niềm tin cho người dân và cả sự bất lực trong thi hành chức trách của mình!
Trong xã hội, khi có mâu thuẫn mà đại diện Nhà nước không thể xử lý thì người dân sẽ tự tìm cách giải quyết mâu thuẫn đó. Những hành vi bạo lực tự phát để giải quyết các mâu thuẫn như thuê giang hồ thanh toán nhau hay tự mình dùng vũ khí sát thương người khác thường bắt nguồn từ việc cá nhân không còn lòng tin vào pháp luật hoặc bản thân kẻ đó vượt quá ranh giới quyền của một công dân, tự cho mình quyền định đoạt số phận của kẻ khác. Đây không phải là chuyện cá biệt ở một nhóm dân mà đã ăn sâu vào ý thức “có vay có trả” của nhiều người dân. Đây cũng chính là diễn tiến của “tình trạng tự xử trong dân” mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo ngại.
Đằng sau nỗi lo về tình hình tội phạm gia tăng do người dân tự dùng sức mạnh để giải quyết mâu thuẫn là nỗi lo về vai trò của Nhà nước trong quản lý xã hội. Sức mạnh của Nhà nước không đến từ sự độc tài hay chuyên chế (vì có chế độ độc tài nào tồn tại được lâu trước lòng dân), mà đến từ sự ủy nhiệm của người dân với bộ máy quản lý nhà nước. Nhà nước đảm bảo mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, người dân sẽ nghĩ đến pháp luật khi cần giải quyết các mâu thuẫn. Đó là khế ước tập thể của xã hội, mà Nhà nước chỉ làm chức năng đại diện để thực thi khế ước đó.
Với cách hiểu như trên, ta thấy chính việc xử lý không nghiêm của bộ máy nhà nước đã dẫn đến tâm lý muốn tự xử của người dân. Trước tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, âu cũng là một tín hiệu đáng mừng khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp ngày 17-9-2013 đã tỏ ra lo ngại trước tình trạng manh động tự xử trong xã hội. Hi vọng nhận định này sẽ cảnh tỉnh cách hành động của các cơ quan công quyền khi sử dụng sức mạnh nhà nước để xã hội thật sự thượng tôn pháp luật, công dân thật sự “tâm phục khẩu phục” chấp nhận sống và làm việc theo pháp luật.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Thường vụ Quốc hội lo ngại tình trạng tự xử trong dânHai nghi phạm trộm chó bị dân đánh trọng thương Bắt "trùm" tổ chức, tiêu thụ chó bắt trộmTrộm chó, 2 người bị đánh chếtCả làng nhận tội đánh chết trộm chó
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận