Thứ 3, ngày 2 tháng 3 năm 2021
Lọc hóa dầu Bình Sơn cần cơ chế đặc thù
TTO - Tại buổi làm việc với trưởng Ban kinh tế Trung ương, công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù cho dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất và xem đây là công trình trọng điểm quốc gia.

Ông Lê Xuân Huyên - chủ tịch HĐQT BSR báo cáo tình hình BSR trong năm 2018 - Ảnh: BSR
Ngày 21-1, Đoàn công tác do ông Nguyễn Văn Bình - trưởng Ban Kinh tế Trung ương, dẫn đầu đã thăm và làm việc với Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
BSR kiến nghị giữ nguyên cơ chế
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Xuân Huyên - chủ tịch HĐQT BSR, cho biết trong năm 2018 BSR sản xuất hơn 7 triệu tấn sản phẩm, tổng doanh thu 113.493 tỉ đồng; nộp Ngân sách Nhà nước 11.645 tỉ đồng; lợi nhuận đạt 3.551 tỉ đồng.
Tính từ khi vận hành thương mại đến hết năm 2018, BSR sản xuất và tiêu thụ khoảng 57 triệu tấn sản phẩm các loại, doanh thu đạt 995.000 tỉ đồng, nộp Ngân sách Nhà nước 157.000 tỉ đồng, gấp gần 3 lần giá trị đầu tư NMLD Dung Quất (3 tỉ USD).

Trong năm 2018, BSR đóng thuế gần 11.700 tỉ đồng - Ảnh: TRẦN MAI
Trong năm 2018, BSR phát hành và bán hơn 242 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư, tương đương gần 8% cổ phần BSR, thu về cho nhà nước hơn 5.414 tỉ đồng. BSR cũng đang tích cực tìm cổ đông chiến lược để tìm kiếm nhà đầu tư cùng triển khai Dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất (NCMR).
Tại buổi làm việc, BSR kiến nghị: Giữ nguyên cơ chế không áp dụng chính sách thu điều tiết đối với sản phẩm xăng của BSR; Cho phép điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu dầu thô cho NMLD Dung Quất, tương tự như NMLD Nghi Sơn là 0%; Xem xét loại bỏ các sản phẩm chế biến từ tài nguyên dầu thô ra khỏi danh sách các sản phẩm không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu.

BSR nhập dầu thô trên biển - Ảnh: TRẦN MAI
Nhanh chóng mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất
Đối với dự án NCMR, BSR kiến nghị chính phủ xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ BSR đảm bảo trả nợ thay thế để BSR có đủ năng lực tài chính, năng lực trả nợ đáp ứng yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn trên thị trường quốc tế; Bình ổn về chính sách trong thời gian vay vốn; Đảm bảo nguồn ngoại tệ; Tiếp cận nguồn vốn các tổ chức tín dụng trong nước.
BSR cũng đề xuất Chính phủ xem xét Dự án NCMR là công trình trọng điểm quốc gia và xây dựng cơ chế đặc thù làm cơ sở giải quyết các vấn đề phức tạp như đã thực hiện tương tự với Dự án NMLD Dung Quất trước đây...
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Bình ghi nhận những kiến nghị của BSR, Ban Kinh tế Trung ương sẽ thảo luận thêm với các Bộ ngành và Chính phủ. Nếu luật có chỗ nào chưa hợp lý thì sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi.
Các vấn đề khác của ngành dầu khí nói chung, BSR nói riêng, Ban Kinh tế Trung ương sẽ báo cáo với Chính phủ, cần thiết Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị để xem xét cho chủ trương thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết những kiến nghị của BSR sẽ được xem xét báo cáo - Ảnh: BSR
"Chính sách thì không thể 'nhân vô thập toàn', bộ ngành sẽ cân nhắc các cơ chế chính sách áp dụng cho các nhà máy lọc dầu ở mức tương đồng để tạo môi trường cạnh tranh sòng phẳng. Mục tiêu cao nhất của Chính phủ và các bộ khi điều hành kinh tế là không gây tắc nghẽn, thiệt hại cho doanh nghiệp và Nhà nước", ông Bình nói.
Đối với dự án NCMR NMLD Dung Quất, ông Bình cho rằng: Đây là dự án cấp bách bởi lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới đang sắp được áp dụng; cần đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào; tăng năng lực cạnh tranh. Vì vậy không thể không tiến hành nhanh dự án này.
"Xem xét hợp tác với nhà đầu tư chiến lược cùng đầu tư vào dự án. Đồng thời BSR cần tích cực làm việc các ngân hàng thương mại để chủ động nguồn vốn", ông Bình nói.
-
TTO - Liên quan đến vụ 12 giảng viên cùng khoa xin nghỉ việc (Tuổi Trẻ ngày 27-2), phóng viên Tuổi Trẻ đã gặp TS Nguyễn Thị Phương Mai - trưởng khoa Hàn Quốc học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).
-
TTO - Hàng loạt địa phương đang điều chỉnh bảng giá đất nhưng các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh, cần cân nhắc để doanh nghiệp (DN) một số ngành hồi phục, phát triển để thu lâu dài.
-
TTO - Sáng nay 2-3, Bộ Y tế thông báo tiếp tục ghi nhận 11 ca mắc COVID-19 mới, cả 11 người đều ở Hải Dương, Bên cạnh đó, nguy cơ vẫn còn ca bệnh lây chéo trong khu cách ly.
-
TTO - Một tuần qua bạn đọc liên tục đề xuất, hiến kế cách trị karaoke từ nhẹ đến nặng, "lấy độc trị độc", hát càng to phạt càng nhiều, nặng nhất là cấm tiệt, ngoan cố cho ra tòa luôn. Cấm loa kẹo kéo hay không? Cấm luôn karaoke tự phát hay không?
-
TTO - Ông Cao Minh Chu, giám đốc Sở Y tế Cần Thơ và bà Bùi Thị Lệ Phi, nguyên giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố do sai phạm trong đấu thầu.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận