Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch trả "mưa" cổ tức cho nhà đầu tư vào giữa năm nay. Số tiền chi ra từ vài chục tỉ đến hàng ngàn tỉ đồng tùy mỗi công ty.
Mỗi cổ phiếu được nhận cả chục ngàn đồng
Công ty cổ phần Bao bì Nhựa Tân Tiến (mã chứng khoán TTP) dự kiến sẽ trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỉ lệ lên tới 350% mệnh giá cho cổ đông vào ngày 14-6. Như vậy, cổ đông sẽ nhận thêm 35.000 đồng cổ tức cho mỗi cổ phiếu đang sở hữu, mức chi trả kỷ lục trong lịch sử doanh nghiệp này, top đầu thị trường chứng khoán hiện tại.
Với 13,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Bao bì Nhựa Tân Tiến có thể bỏ ra khoảng 472 tỉ đồng để hoàn tất việc trả cổ tức trên. Điểm đáng chú ý là từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán đến nay, doanh nghiệp này luôn bền bỉ trả cổ tức bằng tiền mặt cho nhà đầu tư.
Chuyên tổ chức hội chợ và triển lãm, Công ty Vinexad (mã VNX) cho biết vào ngày cuối cùng của tháng 5 này, doanh nghiệp chính thức chốt quyền trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông, tỉ lệ 150%, đồng nghĩa mỗi cổ phiếu sẽ được nhận 15.000 đồng.
Thời gian chi trả dự kiến vào 19-6. Tính theo số cổ phiếu đang lưu hành hiện tại, doanh nghiệp có thể chi khoảng 18,4 tỉ đồng để trả cổ tức.
Sau khoảng thời gian kinh doanh khả quan, doanh nghiệp Hàng tiêu dùng Masan - Masan Cosumer (mã MCH) cũng trình kế hoạch trả cổ tức tiền mặt với tỉ lệ cao là 100%, mỗi cổ phiếu nhận về 10.000 đồng. Tỉ lệ này cao hơn mức chi trả hằng năm là 4.500 đồng/cổ phiếu trong 5 năm qua, trừ năm 2022 không chia.
Không chỉ nhận cổ tức bằng tiền mặt kể trên, nhà đầu tư còn có cơ hội nhận thêm một khoản cổ tức khác trong thời gian tới. Cụ thể, hội đồng quản trị Masan Consumer còn lên phương án chia hết toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày cuối năm vừa qua cho cổ đông, tức hơn 16.100 tỉ đồng.
Trong tháng tới, nhiều doanh nghiệp khác trả cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ từ 20-60% gồm: PDN (Cảng Đồng Nai), TCW (Kho vận Tân Cảng), SBA (Sông Ba), CST (Than Cao Sơn), PHN (Pin Hà Nội), HRB (Harec), BMP (Nhựa Bình Minh)...
Khối ngân hàng: Bên chia cổ tức, bên ngậm ngùi nói không
Đến thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng lớn cũng công bố kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông. Trong đó, VPBank chỉ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 10%, tương ứng hơn 7.900 tỉ đồng.
Ngược lại, các ngân hàng chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu gồm SeABank (13,6%), OCB (20%), Nam A Bank (25% cổ phiếu), MSB (30% cổ phiếu)...
Khác với giai đoạn trước, lần này Ngân hàng Techcombank có sự chuyển mình rõ rệt. Đầu tiên, doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 15% (chi khoảng 5.300 tỉ đồng). Tiếp đến, Techcombank cũng có phương án phát hành chia bằng cổ phiếu với tỉ lệ 100%, cứ sở hữu 100 cổ phiếu thì được nhận thêm 100 cổ phiếu mới.
Ở nhóm chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu, một gương mặt khác phải kể đến là ACB, với tỉ lệ 10% tiền mặt (chi gần 3.900 tỉ đồng) và 15% cổ phiếu. Ngân hàng MBBank chi gần 2.700 tỉ đồng trả cổ tức bằng tiền mặt tỉ lệ 5% và trả bằng cổ phiếu với tỉ lệ 15%.
Trong khối ngân hàng, đại hội đồng cổ đông cũng đã thông qua việc chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu, cụ thể: HDBank (với tỉ lệ tổng cộng 25%), SHB (16%), VIB (29,5%), Eximbank (10%)...
Trên thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng trả cổ tức. Điển hình như tại đại hội mới diễn ra, Sacombank cho biết tiếp tục không chia cổ tức. Lần gần nhất cổ đông ngân hàng này nhận cổ tức là từ năm 2015.
Phía LPBank cho biết không có kế hoạch chia cổ tức trong ba năm, kể từ 2024. Vì cần dùng lợi nhuận để bổ sung vốn kinh doanh, đầu tư dự án trọng điểm.
Cổ tức là một phần lợi nhuận mà cổ đông được chia, sau khi công ty đã trừ thuế và các khoản lợi nhuận giữ lại. Cổ tức có thể được trả bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu của chính công ty, thông qua việc phát hành thêm. Khi đầu tư, cổ đông thường thích được trả cổ tức bằng tiền mặt, vì chắc ăn hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận