Loài lười được nhà tự nhiên học người Pháp Georges Buffon mô tả lần đầu năm 1749 - Ảnh: SUZI ESZTERHAS
Lười (danh pháp khoa học: Folivora) là một phân bộ động vật thuộc về họ Megalonychidae (lười hai ngón) và họ Bradypodidae (lười ba ngón), sống chủ yếu trong các rừng mưa nhiệt đới ở Nam Mỹ.
Đặc trưng chung của những con lười là sự chậm chạp và lười vận động, cùng với ngoại hình trông có vẻ khá "đần".
Lười gồm có lười ba ngón và lười hai ngón, chia làm 6 loài khác nhau - Ảnh: WORLDWILDLIFE
Sự thờ ơ với mọi thứ xung quanh khiến không ít người nghĩ rằng chúng chậm tiến hóa và tụt hậu so với sự phát triển của các loài động vật khác.
Thế nhưng đây lại chính là sự tiến hóa để thích nghi với môi trường sống không có nhiều chất dinh dưỡng của chúng.
Lười là một trong những loài động vật có vú có tốc độ và tập tính sinh hoạt chậm chạp nhất hành tinh. Nguyên nhân của sự chậm chạp này một phần do thị lực kém của chúng.
Hầu hết thời gian của lười là ở trên cây. Những con lười trong tự nhiên ngủ khoảng 9-12 tiếng mỗi ngày, lười nuôi nhốt có thể ngủ 20 tiếng mỗi ngày - Ảnh: iStock
Các nghiên cứu khoa học cho thấy loài lười đã mất khả năng nhìn từ khoảng 60 triệu năm trước. Vì vậy vào ban ngày, một con lười thực sự không thể nhìn thấy gì vì quá sáng.
Di chuyển chậm chính là một sự tiến hóa để đảm bảo an toàn cho loài thú này. Khi không thể nhìn, chúng chỉ có thể chậm chạp bò từng bước, cảm nhận môi trường xung quanh một cách cẩn thận để không bị rơi khỏi cây.
Không chỉ thế, chậm chạp cũng mang lại nhiều lợi ích cho loài lười. Đầu tiên, chúng tiết kiệm một lượng năng lượng khổng lồ. Trên thực tế, con lười sử dụng năng lượng ít hơn khoảng 90% so với động vật có vú trung bình. Điều này càng đặc biệt quan trọng khi chúng ăn rất ít, chỉ vài chiếc lá trong một ngày.
Lười là động vật có tốc độ di chuyển rất chậm, nhưng không phải vì lười như cái tên mà loài người đặt cho chúng - Ảnh: iStock
Chậm chạp cũng giúp con lười tránh bị phát hiện. Rất dễ dàng nhận thấy những con lười chậm chạp đến mức những kẻ săn mồi như báo đốm và đại bàng, những loài săn mồi tập trung vào chuyển động của con mồi sẽ không dễ dàng phát hiện ra chúng.
Lười cũng là động vật đặc biệt khi có thể quay đầu 270 độ do có thêm các đốt sống phụ ở cổ. Điều này cho phép chúng đánh hơi thấy những kẻ săn mồi đang đến từ hầu hết mọi hướng. Đây chính là một lợi thế đặc biệt hữu ích khi chúng dành gần như toàn bộ thời gian để bất động trên cây.
Cũng không vì tốc độ chậm chạp mà loài lười trở nên yếu thế. Chúng có những cách thích ứng đặc biệt - Ảnh: SHUTTERSTOCK
Để thích ứng được với các đặc điểm này, sau hàng triệu năm tiến hóa, cơ thể loài lười hiện nay cũng có những thay đổi không giống với bất kỳ loài nào khác.
Các chi của chúng có những sợi gân đặc biệt khỏe mạnh; đầu các ngón có móng vuốt mọc cong giống như chiếc móc giúp chúng dễ dàng bám chặt và treo ngược trên cành cây.
Hệ thống tuần hoàn của lười cũng có một van đặc biệt, ngăn chặn được sự tụ máu trên đầu - thường xuất hiện khi treo ngược quá lâu.
Mỗi lần rời cây xuống mặt đất để vệ sinh rồi đi lên đôi khi tốn mất cả ngày dài của lười - Ảnh: SLOTHCONSERVATION
Hầu hết thời gian lười sống ở trên cây. Chúng ngủ, giao phối và thậm chí cả sinh con cũng trong tư thế treo ngược trên cành cây. Chúng chỉ xuống đất khi cần "giải quyết nỗi buồn" và đây cũng chính là lúc chúng đạt tốc độ nhanh nhất: 160m/giờ.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy khoảng 40-60% số lười bị ăn thịt hoặc bị xe đâm vào khi băng qua đường chính trong khoảng thời gian này.
Một con lười chậm chạp bò qua đường ở Costa Rica và may mắn được người dân giúp đỡ.
Mỗi lần rời cây xuống mặt đất để vệ sinh rồi đi lên đôi khi tốn mất cả ngày dài, biến việc tưởng như đơn giản với loài khác lại trở thành một hành trình đầy rủi ro với loài lười.
Và để thích nghi với điều này, mỗi tuần những con lười cũng chỉ xuống đất... một lần. Mỗi lần giải phóng chất thải, trọng lượng cơ thể lười sẽ giảm khoảng 30%.
Tuy chậm trên mặt đất nhưng lười lại có thể bơi khá nhanh khi xuống nước - Ảnh: BBC
Chậm chạp nhưng lại có bộ lông rậm rạp khiến những con lười bỗng trở thành thiên đường cho nấm, tảo, sâu bọ làm tổ sau mỗi mùa mưa. Bộ lông nâu vàng biến thành màu xanh và đủ thứ lá khô, rác, xác côn trùng.
Nhưng điều này không làm ảnh hưởng gì đến cuộc sống của những con lười mà trái lại còn trở thành lớp ngụy trang hoàn hảo cho chúng tránh được con mắt của kẻ săn mồi.
Lười con sinh ra bám chặt trên bụng mẹ, ăn và đi vệ sinh ngay tại đó cho đến 7-8 tháng sau - Ảnh: SUZI ESZTERHAS
Một câu hỏi được đặt ra là cả ngày ở trên cây, không nhìn thấy gì và di chuyển chậm như vậy thì loài lười tìm bạn tình và giao phối như thế nào? Câu trả lời là chúng sử dụng pheromone - những chất được sử dụng như tín hiệu hóa học giữa các cá thể cùng loài - để đánh dấu mùi hương. Mỗi lần đi xuống, chúng sẽ đánh dấu này trên gốc cây như một sự chỉ dẫn cho con lười khác.
Tùy vào giống loài, lười cái thường mang thai 6-12 tháng và sinh một con non mỗi lần. Lười con sinh ra cũng bám chặt trên bụng mẹ, ăn và đi vệ sinh ngay tại đó cho đến 7-8 tháng sau.
Tuổi thọ của lười 30-40 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận