05/05/2021 11:05 GMT+7

Loài rắn có tai không?

MINH HẢI (Theo Live Science)
MINH HẢI (Theo Live Science)

TTO - Rắn chủ yếu dựa vào khứu giác để săn mồi, đôi khi chúng cũng sử dụng cả thị giác và thính giác. Vậy nhưng chưa ai từng nhìn thấy tai của rắn.

Loài rắn có tai không? - Ảnh 1.

Rắn không có tai lộ ra ngoài nhưng có cấu trúc xương tai. Chúng có thể nghe nhưng ít dùng đến thính giác - Ảnh: Time Magazine

Rắn là loài động vật vô cùng độc đáo, với thân hình trơn nhẵn, chiếc lưỡi chẻ đôi và khả năng nuốt chửng con mồi to gấp nhiều lần chiếc miệng. Kỳ lạ là không ai nhìn thấy tai chúng. Vậy chúng có tai không?

Câu trả lời là có nhưng cũng không hẳn là có. Sara Ruane - một nhà nghiên cứu về bò sát và động vật lưỡng cư tại Đại học Rutgers ở New Jersey (Hoa Kỳ) - chia sẻ với Live Science: giống như nhiều loài bò sát, rắn không có cấu trúc tai ngoài. Tuy nhiên, chúng có xương tai bên trong đầu mà chúng có thể dùng để nghe.

Tai thường được tạo thành từ ba bộ phận chính gồm: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài tập trung âm thanh vào màng nhĩ, ngăn cách tai ngoài với tai giữa. Tai giữa có ba xương giúp truyền âm thanh từ màng nhĩ đến tai trong thông qua các rung động. Tai trong biến những rung động này thành các xung thần kinh truyền lên não.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Experimental Biology năm 2012 thì loài rắn không có cả tai ngoài và tai giữa. Tuy nhiên, chúng có một "xương tai" nối tai trong với hàm. Điều này giúp loài rắn có thể nghe thấy những rung động, chẳng hạn như một kẻ săn mồi đang bò trên nền rừng. Tuy nhiên, chúng không giỏi với việc nghe âm thanh truyền qua không khí.

Do có cấu tạo tai dạng này nên rắn chỉ có thể nghe được âm thanh tần số thấp và không thể nghe ở tần số cao, vì những âm thanh đó chủ yếu được truyền qua không khí. Ví dụ, loài trăn hoàng gia có thể nghe được tốt nhất ở dải tần số từ 80-160 Hertz. Dải tần số bình thường của con người là từ 20-20.000 Hz, theo "Neuroscience" (Sinauer Associates, Inc. 2001).

Mặc dù vậy, phạm vi hẹp của thính giác cũng không phải là vấn đề quá lớn đối với loài rắn, một phần là do chúng không sử dụng âm thanh để giao tiếp với nhau. Những âm thanh mà loài rắn tạo ra ở tần số cao hơn những gì chúng nghe thấy có thể để cảnh cáo cho các loài chim và động vật ăn thịt có vú khác.

Lý do lớn hơn khiến rắn không cần thính giác nhạy bén là vì chúng dựa vào các giác quan khác, trong đó đặc biệt phải kể đến khứu giác vô cùng nhạy bén.

Nhà nghiên cứu Ruane chia sẻ: "Chiếc lưỡi của loài rắn có tác dụng thu thập tất cả các phân tử mùi có trong không khí ở khu vực lân cận, đưa chúng trở lại cơ quan chuyên biệt để xử lý và truyền dẫn thông tin lên não".

Vì vậy, dù cho loài rắn không thể nghe thấy âm thanh từ hầu hết các loài động vật khác, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn của chúng.

Không có kháng huyết thanh, rắn cắn làm sao cứu? Không có kháng huyết thanh, rắn cắn làm sao cứu?

TTO - Mới đây, bé gái 14 tháng tuổi tử vong do bị rắn hoa cổ đỏ cắn. Do không có kháng huyết thanh cho trường hợp này nên các bác sĩ ở cả hai bệnh viện (từ Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang lên đến Bệnh viện Nhi đồng 1) chỉ có thể điều trị triệu chứng.

MINH HẢI (Theo Live Science)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên