Ếch lá (Haddadus binotatus) là loài ếch phổ biến nhất trong cộng đồng các loài ếch sống trong rừng ở Nam Mỹ. Mặc dù có số lượng nhiều nhưng chúng rất nhỏ, con lớn nhất dài chưa tới 64mm.
Khi giáp mặt và không thể chiến đấu chống lại kẻ thù, chiến thuật phòng thủ của chúng là phát ra những tiếng kêu siêu âm.
Mới đây, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu đã ghi lại được âm thanh của loài ếch này ở Brazil. Dù con người không thể nghe thấy, đây lại là âm thanh rất khó chịu đối với những động vật săn mồi như dơi, gặm nhấm và động vật linh trưởng nhỏ.
Tiếng kêu này là một phần trong toàn bộ chuỗi hành vi phòng thủ của ếch lá: chúng cong lưng, đồng thời nâng phần trước của cơ thể, miệng há to như thể chuẩn bị "hét".
Tần số âm thanh tiếng kêu của chúng, theo ghi nhận của nhóm nghiên cứu, dao động từ 7 đến 44 kilohertz. Trong khi đó con người chỉ có thể nghe thấy âm thanh khoảng 20 kilohertz trở xuống.
Các nhà nghiên cứu cho rằng tần số rộng này, cùng với tư thế hù dọa của ếch, nhằm ngăn chặn các loài săn mồi tấn công nó.
"Do sự đa dạng loài lưỡng cư ở Brazil là cao nhất thế giới, với hơn 2.000 loài được mô tả, nên sẽ không ngạc nhiên nếu các loài ếch khác cũng phát ra âm thanh ở những tần số này", nhà sinh thái học Mariana Retuci Pontes của Đại học bang Campina cho biết.
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Acta ethologica.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận