Chấm dứt "thống kê trùng, tăng trưởng ảo"Hướng tới tăng trưởng kinh tế bình quân 7%/nămTăng trưởng GDP không đạt mục tiêu
Cái “phải làm” mà ông Vinh muốn nói là chấm dứt từ đây việc thống kê trùng, tăng trưởng ảo trong cách tính GDP ở các địa phương.
Suốt những năm qua, việc nhiều tỉnh, thành tự tính toán, xây dựng rồi công bố GDP của địa phương mình theo hướng tỉnh luôn cao hơn huyện, năm sau luôn cao hơn năm trước đã vô tình tạo ra những “con số đẹp nhưng không thực chất”.
Mà nói như ông Nguyễn Đức Kiên - phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: chính những con số tròn trịa, đẹp đẽ đó đã vô hình trung định ra một kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh, thành luôn cao hơn khả năng mình có được.
Và khi “con số đẹp” đó được đưa vào nghị quyết của đại hội đảng bộ và các địa phương muốn giữ được tốc độ tăng trưởng “năm sau cao hơn năm trước” thì buộc lòng phải liên tục xách cặp ra trung ương để vận động, để lobby, trình bày nhằm xin dự án.
Điều này, theo ông Kiên, đã đẩy các dự án đầu tư vào thế dàn trải và tạo nên thế trận chồng lớp các cơ chế xin cho, từ đó sinh ra hạch sách, nhũng nhiễu. Xin càng nhiều càng tốt, trong khi các địa phương quên mất một điều hết sức quan trọng là chăm lo cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Bởi chính họ mới là nhân tố tạo ra tốc độ tăng trưởng bền vững chứ không phải từ những dự án đi xin.
Địa phương chạy theo tăng trưởng ảo, còn trung ương vì tin địa phương nên đã vô tình lập ra những tính toán về nguồn lực (mà mình sẽ đem về) gần như không chuẩn xác. Đó là một hệ lụy hết sức nguy hiểm cho một nền kinh tế vốn còn non trẻ như Việt Nam.
Dứt khoát loại bỏ “con số đẹp” là động thái rất cương quyết mà Bộ Kế hoạch - đầu tư đang hướng đến, bởi theo ông Bùi Quang Vinh: “đó là điều không thể chấp nhận được” và “làm điều này vì lợi ích chung của đất nước”.
Còn theo ông Nguyễn Đức Kiên, những “con số đẹp đó” không hề có giá trị với cuộc sống của người dân. Người dân không hề hưởng lợi gì từ những con số GDP ảo đó.
Vậy nên từ nay trở đi, các địa phương phải tự đánh giá đúng sức của mình để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho sát hợp, phải khắc phục ngay tình trạng chạy theo thành tích.
Theo một tiết lộ thì chỉ có 13/63 tỉnh, thành có chỉ số GDP tương đối chính xác. Nếu điều này đúng thì có nghĩa lâu nay cả gần 50 địa phương đang “đi trên mây”.
Vì vậy sắp tới khi được phép, Tổng cục Thống kê sẽ công bố chính thức con số GDP của từng địa phương theo cách tính của đơn vị này. Bởi lẽ “cả nước phải nhìn vào sự thật để tính toán lại con số GDP” như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận