Quán nằm trên đường Nguyễn Duy Dương (Q.10, TP.HCM), chỉ là một quán cơm bình dân nhưng rất đông khách. Quán rộng rãi, có chỗ để xe, sạch sẽ, thức ăn ngon mà giá lại rẻ. Trước tết, một phần cơm đủ cho một thanh niên ăn no, gồm món mặn, món rau và canh chỉ 15.000-17.000 đồng. Sau tết, vật giá đắt đỏ hơn, quán mới lên giá phần cơm thành 18.000-20.000 đồng.
Tôi hỏi sao phải nghỉ bán, chị chủ quán trả lời ngắn gọn: “Lỗ!”. Rồi chị kể: thuế khoán vừa được thông báo tăng lên 16 triệu đồng/tháng, tiền mặt bằng 10 triệu đồng/tháng, tiền lương năm công nhân kể cả bao ăn ở là 20 triệu đồng/tháng, tiền gas hai bình/ngày gần 1 triệu đồng, tiền điện, nước... Tính chung, chi phí mỗi ngày gần 4 triệu đồng. Để đủ vốn, mỗi ngày chắc quán phải bán đến... 1.000 phần cơm, một con số “có nằm mơ cũng không thể có được” vì gấp bốn lần so với mức bán hiện nay của quán! Hỏi chị sao không tăng giá bán, chị trả lời: “Thì sau tết mới tăng 20% do giá cả tăng, khách đã kêu quá chừng, giờ tăng giá nữa làm sao bán được?”.
Thấy vẻ mặt thẫn thờ của tôi, chị còn giới thiệu thêm: “Quán hủ tiếu kia (cách đó vài căn nhà) vài ngày nữa cũng nghỉ luôn rồi”. Trời, nếu đúngvậy thì tôi cũng sắp mất luôn điểm ăn sáng thân quen vừa hợp khẩu vị và giá cũng rẻ.
Tôi nghe nói ở những nước phát triển, những ngành phục vụ giới bình dân các nhu cầu ăn, mặc... được gọi là những ngành “defence”, với ý nghĩa đây là những ngành không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, nhờ Nhà nước có những chính sách hỗ trợ cũng như miễn giảm thuế. Trong khó khăn của nền kinh tế nước ta hiện nay, đã có những quán ăn dành cho dân lao động phải dẹp tiệm vì chịu không nổi với thuế tăng, vật giá đắt đỏ, trong khi sức mua lại bị thu hẹp. Tôi mong sẽ có những chính sách hỗ trợ họ duy trì kinh doanh, để có chỗ cho những người lao động dễ dàng tìm ra quán ăn có thể ăn no với giá tiền vừa phải mỗi ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận