25/07/2011 07:53 GMT+7

Lo ngại với tham vọng nhanh nhất thế giới

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Ngày 24-7, Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh kiểm tra khẩn cấp an toàn đường sắt sau tai nạn tàu siêu tốc ngày 23-7, làm ít nhất 35 người chết và hơn 210 người bị thương - Tân Hoa xã cho biết.

Trung Quốc: tàu lửa cao tốc tông nhau, 35 người chết

oJvib1WM.jpgPhóng to

Đưa người bị nạn ra khỏi tàu siêu tốc D301 - Ảnh: Xinhua

Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh ra lệnh kiểm tra toàn diện độ an toàn của ngành đường sắt siêu tốc kể từ khi đưa dịch vụ này vào khai thác năm 2007.

Như là động đất!

Tàu siêu tốc D3115 đi từ Hàng Châu đến Phúc Châu bất ngờ bị sét đánh gây mất điện phải dừng lại trên cầu đoạn Song Dữ, gần thành phố Ôn Châu (Chiết Giang). Bất thình lình tàu D301 tuyến nam Bắc Kinh đến thành phố Phúc Châu đâm vào phía sau tàu D3115 làm hai toa tàu trật đường ray, còn bốn toa của tàu D301 rơi xuống phía dưới cầu cạn.

Cho đến sáng 24-7, nhiều hành khách vẫn còn bị mắc kẹt dưới đống sắt vụn của các toa tàu, ước tính hai con tàu chở 1.400 hành khách. “Tôi nghe một tiếng rầm rầm giống như động đất”- một hành khách sống sót trên tàu siêu tốc D3115 mô tả. Hầu hết các nạn nhân đều được đưa đến cấp cứu ở các bệnh viện trong thành phố Ôn Châu. “Chúng tôi đã bị kẹt trong toa hơn một giờ trước khi có năm người phá được cửa sổ và bò ra ngoài” - một hành khách khoảng 40 tuổi cho biết khi chưa hết bàng hoàng.

Tân Hoa xã cho biết lái tàu Phan Nhất Hằng điều khiển tàu D301 đã kéo thắng gấp khi phát hiện đuôi tàu D3115, song mọi việc đã quá muộn. Người lái tàu này đã chết tại chỗ do thắng tay đâm xuyên lồng ngực.

Chiều cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã cứu được một bé trai trong tình trạng bất tỉnh sau 21 giờ tìm kiếm. Bé trai trên được các nhân viên cứu hộ phát hiện trong khi đang dọn dẹp một toa tàu bị hư hại nặng.

XKN5POlq.jpgPhóng to
Toa tàu siêu tốc D301 treo lơ lửng trên cầu cạn, bên dưới là các toa tàu khác nằm vung vãi - Ảnh: Xinhua

Câu hỏi về an toàn

Hình ảnh trên truyền hình địa phương cho thấy bốn toa của tàu D301 rơi xuống bên dưới cầu cạn, còn đầu tàu bẹp dúm. Tính đến chiều 24-7, đã có 35 người thiệt mạng, trong đó có hai người nước ngoài.

Hai đoàn tàu này thuộc hai công ty đường sắt khác nhau quản lý và cùng thuộc thế hệ D của Trung Quốc. Tân Hoa xã cho biết nguyên nhân tai nạn sẽ được điều tra, song phải mất bao nhiêu thời gian thì chưa rõ.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã ra lệnh bằng mọi giá phải cứu nạn nhân sống sót. Ngay sau tai nạn, ba quan chức trong ngành đường sắt Thượng Hải đã bị cách chức để điều tra, trong đó có giám đốc Sở Đường sắt Thượng Hải Long Kinh, bí thư đảng ủy Lý Gia và phó giám đốc sở Hà Thắng Lợi.

Tai nạn này xảy ra chỉ chưa đầy một tháng sau khi Trung Quốc rầm rộ khai trương tuyến tàu siêu tốc nối Bắc Kinh với Thượng Hải (dài 1.300km) nhưng đã hỏng hóc đến ba lần và buộc phải dừng giữa đường. Chỉ 10 ngày sau khi được đưa vào khai thác, chuyến tàu siêu tốc Bắc Kinh - Thượng Hải G21 đã đột ngột đứng trơ ra khi đi qua tỉnh Sơn Đông do một cơn bão làm mất điện trên tàu. Hai ngày sau (12-7), tuyến tàu siêu tốc khác trên cùng tuyến đường cũng phải dừng lại giữa đường do mất điện.

Ngay lập tức trên các mạng xã hội xuất hiện những nghi vấn về tính ổn định và an toàn của hệ thống tàu siêu tốc Trung Quốc. “Ngành đường sắt nên nhận ra rằng hành khách không phải là những con chuột bạch để họ thử nghiệm” - Dương Xuân Hiếu đã viết trên mạng Weibo.

Hệ thống này đang phát triển nhảy vọt để từ chỗ xây dựng 8.358km lên hơn 13.000km vào năm 2012 và lên 16.000km vào năm 2020.

Tham vọng nhanh nhất thế giới

Dự án tàu siêu tốc của Trung Quốc đã được khởi động từ năm 2005 với mục tiêu nối Quảng Châu, cổng thương mại ở miền nam Trung Quốc, với thủ đô Bắc Kinh. Ngày 22-12-2007, tàu siêu tốc đầu tiên do Trung Quốc sản xuất được xuất xưởng. Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn của Bộ Đường sắt Trung Quốc Vương Dũng Bình cho biết tàu có khả năng đạt 300km/giờ, chỉ thấp hơn tàu TGV nhanh nhất của Pháp lúc bấy giờ.

Chưa dừng lại ở tốc độ 300km/giờ, tháng 10-2010 ông Hà Hoa Võ, kỹ sư trưởng thuộc Bộ Đường sắt Trung Quốc, công bố kế hoạch phát triển loại tàu đạt tốc độ 400-500km/giờ, nhanh nhất thế giới. Song cuối cùng vì lý do an toàn, Bộ Đường sắt Trung Quốc đã hạ tốc độ xuống còn 300km/giờ trước khi tuyến tàu siêu tốc Bắc Kinh - Thượng Hải được đưa vào hoạt động.

Ông Hứa Phương Lượng, kỹ sư trưởng phụ trách việc thiết kế tuyến đường cao tốc, từng tự hào cho rằng tàu siêu tốc của Trung Quốc vô địch về chất lượng. Ông Hứa nhấn mạnh tốc độ trung bình của tàu Trung Quốc là 350km/giờ, trong khi tàu siêu tốc ở Nhật Bản là 243km/giờ và ở Pháp là 277km/giờ. Song một số chuyên gia từng cảnh báo Trung Quốc không nên phát triển nóng vội công nghệ tàu siêu tốc cũng như việc đưa các tàu có tốc độ 500km/giờ vào khai thác thương mại do những vấn đề về an toàn.

“Chỉ làm một vài thí nghiệm thì không thể đủ để chứng minh độ khả thi của công nghệ siêu tốc”- ông Dương Hào, giáo sư thuộc Trường đại học Giao thông Bắc Kinh, nói. “Trung Quốc chỉ có một vài năm kinh nghiệm về việc sản xuất tàu siêu tốc. Tại sao chúng ta phải vội vã muốn vươn lên vị trí hàng đầu trong ngành công nghiệp này, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta phải hi sinh sự an toàn” - một người dân Bắc Kinh nói.

Việc xây dựng nhanh, với kinh phí đầu tư ồ ạt lên đến 700 tỉ nhân dân tệ (108,5 tỉ USD) vào năm ngoái đã không khỏi trở thành mảnh đất béo bở cho nạn tham nhũng.

Ba quan chức cao cấp đã bị cáo buộc tham nhũng. Cựu bộ trưởng Lưu Chí Quân bị mất chức hồi tháng 2-2011 với số tiền tham nhũng có thể lên đến 28,5 triệu USD trong các dự án mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc. Kỹ sư trưởng Bộ Đường sắt Trung Quốc Trương Thự Quang cũng mất chức sau đó một tháng do dính líu đến các vụ tham nhũng của ông Lưu Chí Quân. Và mới đây phó cục trưởng Cục Vận tải thuộc Bộ Đường sắt Trung Quốc Tô Thuận Hổ cũng rơi đài do liên quan đến tham nhũng.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên