"Chuẩn" nhà quá cao với người lao động
Thường trú TP.HCM, phải thuê nhà 8-16m²/người
Chưa có giấy tờ nhà đất làm sao nhập hộ khẩu?
Phóng to |
Hơn sáu năm nay bốn mẹ con bà Đinh Thị Hằng (53 tuổi, quê Hà Tây) ở trọ một căn phòng chỉ rộng khoảng 8m2 tại P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM. Nếu thuê phòng trọ có diện tích lớn hơn để được nhập hộ khẩu thì gia đình bà không đủ tiền chi trả - Ảnh: Hữu Khoa |
* Đại biểu HĐND TP.HCM PHAN THANH HẢI:
Khó thực hiện
Tôi nghĩ đề xuất của Sở Xây dựng TP nhằm hướng đến mục đích giãn dân về ngoại thành một khi người dân không đủ điều kiện, không đủ tiền để thuê nhà rộng ở các quận trung tâm TP nữa. Tuy nhiên quy định này hơi khó thực hiện. Nếu áp dụng quy định như thế thì rất khó cho người dân, đặc biệt là người lao động nghèo, và vô tình làm hạn chế cơ hội được nhập khẩu của người nghèo. Thực tế cho thấy nếu người dân đã có công ăn việc làm ở đâu thì bằng mọi cách họ phải xoay xở để tìm chỗ ở gần nơi làm việc, bất kể có được nhập khẩu hay không. Nếu không thể có chỗ ở đàng hoàng họ cũng sẽ sống tạm bợ đâu đó. Chuyện này cũng giống với câu chuyện xây nhà tái định cư để di dời dân về ở, nhưng rồi cuối cùng họ cũng không ở mà trôi dạt về thuê sống tạm bợ gần nơi ở cũ hoặc gần chỗ có thể buôn bán, đi làm.
Vấn đề này Sở Xây dựng TP chỉ mới đề xuất lấy ý kiến. Bản thân tôi cũng chỉ tiếp cận thông tin qua báo chí chứ chưa thấy văn bản cụ thể chính thức lấy ý kiến của Sở Xây dựng. Tôi cho rằng với các ý kiến đề xuất, nếu đưa ra không phù hợp thực tế và không hợp lòng dân sẽ khó thực hiện.
* Ông TRẦN VĂN BẢY(phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM):
Chỉ áp dụng khi bảo lãnh cho “người dưng”
Đề xuất của Sở Xây dựng TP trước hết phù hợp với quy định của Luật cư trú sửa đổi năm 2013: HĐND TP có quyền quy định về diện tích bình quân tối thiểu để nhập hộ khẩu trong trường hợp nhà ở thuê, ở nhờ, cho mượn. Trong thực tế, với diện tích nhà ở bình quân trên đầu người của TP hiện nay là 16,4m2 nhà ở/người (theo Sở Xây dựng) thì đề xuất diện tích trung bình tối thiểu để nhập hộ khẩu này là phù hợp thực tế. Trong giai đoạn này TP cũng muốn quản lý diện tích nhà ở tối thiểu để nhập hộ khẩu vì xuất phát từ tình hình thực tế. Đó là việc một số người có nhà diện tích nhỏ nhưng lại bảo lãnh cho rất nhiều người nhập hộ khẩu vào nhà mình để thu tiền (tức làm dịch vụ nhập hộ khẩu). Các phụ huynh tuy ở nơi khác nhưng nhập hộ khẩu cho con mình vào những quận, phường có trường học tốt khiến các trường này quá tải. Việc quản lý, điều tiết nhân khẩu trên địa bàn TP cho phù hợp với cơ sở hạ tầng của từng khu vực là cần thiết.
Tuy nhiên, cần phải nói cho rõ rằng tiêu chuẩn diện tích nhà ở bình quân tối thiểu này là điều kiện bắt buộc đối với người muốn bảo lãnh “người dưng” nhập hộ khẩu vào nhà của mình. Đây không phải là quy định làm khó dân, bởi trường hợp nhập hộ khẩu vào nhà của người thân như ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, cô, dì, chú, cậu... không bị hạn chế bởi tiêu chuẩn diện tích trên.
* Ông ĐÀO ANH KIỆT(giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM):
Cần có cơ chế hậu kiểm
Theo tôi, việc quy định điều kiện nhập hộ khẩu, về diện tích nhà ở tối thiểu 8-16 m2/người là có cái lý của nó. Tôi nghĩ quy định về điều kiện như vậy là hợp lý và tuy hiện nay chưa khả thi nhưng bắt buộc phải quy định. Tuy nhiên, đi kèm theo quy định này phải có cơ chế “hậu kiểm” hiệu quả vì khi có nhu cầu người dân vẫn ở, vẫn vào TP.
Tiếp tục lắng nghe ý kiến Ông Đỗ Phi Hùng, phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết có theo dõi các góp ý của người dân liên quan đến đề xuất diện tích nhà ở khi nhập hộ khẩu đối với người thuê, ở nhờ... Quá trình dự thảo quy định trên đã có tiếp thu ý kiến các đơn vị liên quan và điều chỉnh cho phù hợp thực tế, so với đề xuất ban đầu là 17 m2/người cho cả nội thành và ngoại thành. Sở sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của người dân cũng như các đại biểu HĐND TP khi đề xuất này được đưa ra thảo luận. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận