20/10/2015 12:11 GMT+7

​Lo ngại mất cân đối thương mại Việt Nam - Trung Quốc

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đó là một trong những vấn đề mà Hội đồng dân tộc và các cơ quan của Quốc hội đặt ra khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu 

 

Nhập siêu trở lại

Trình bày báo cáo thẩm tra vào cuối giờ sáng 20-10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng mặc dù có những tác động bất lợi đến nền kinh tế nước ta so với dự báo đầu năm, nhưng với sự nỗ lực cao của Đảng, Chính phủ và toàn dân nên tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2015 và dự kiến có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội.

“Tuy vậy, bên cạnh kết quả tích cực, một số ý kiến cho rằng chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế còn thấp, lo ngại việc khai thác dầu vượt kế hoạch đề ra mặc dù góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước nhưng trong điều kiện giá dầu ở mức quá thấp sẽ ảnh hưởng hiệu quả sử dụng tài nguyên” - ông Giàu nói.

Vẫn theo báo cáo thẩm tra, khu vực nông nghiệp 9 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng ở mức 2,08% so với mức tăng 2,94% của cùng kỳ năm 2014, nông nghiệp là ngành đóng góp xuất khẩu lớn và xuất siêu khoảng 10 tỷ USD/năm nhưng giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm ảnh hưởng quá lớn đến thu nhập của người sản xuất, nhất là nông dân.

Năm 2015 nhập siêu trở lại sau 3 năm xuất siêu, mặc dù nằm trong chỉ tiêu Quốc hội nhưng nhiều ý kiến cho rằng khu vực kinh tế trong nước luôn ở tình trạng nhập siêu, giai đoạn 2011-2014 nhập siêu 56,3 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2015 nhập siêu 15,8 tỷ USD, trong khi đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu ngày càng tăng; xuất siêu doanh nghiệp FDI đóng góp, tạo nguồn ngoại tệ dồi dào tăng dự trữ ngoại hối và góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong việc nâng cao trình độ công nghệ cho nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nét, chưa có sức lan tỏa thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Phải xử lý tốt vấn đề nợ xấu, nợ công

Cơ bản đồng tình với nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 mà Chính phủ đề ra, các cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung điều hành các chính sách kinh tế linh hoạt hơn đối với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thị trường.

Thực hiện mạnh mẽ hơn nữa, triển khai đồng bộ các quy định của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh không thấp hơn 4 nước hàng đầu khu vực ASEAN.

Một trong những vấn đề báo cáo thẩm tra nhấn mạnh là: "Có giải pháp cải thiện mạnh mẽ sự mất cân đối trong quan hệ thương mại với Trung Quốc; xử lý hiệu quả nợ xấu; kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ ứng trước vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tiếp tục rà soát các nhiệm vụ chi, triệt để thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những khoản chi không có nguồn đáp ứng, không chi vượt dự toán”.

Quốc hội cũng lưu ý Chính phủ rà soát ban hành, bổ sung chính sách đủ mạnh để thúc đẩy triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp có chuyển biến rõ rệt về chỉ số sản xuất, năng lực cạnh tranh, ổn định thị trường và mô hình liên kết sản xuất. Kết hợp chương trình xây dựng nông thôn mới với các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi, vùng khó khăn, tập trung nguồn lực ngân sách nhà nước cho các vùng này.

Về vấn đề hội nhập, báo cáo thẩm tra của Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án thông tin, tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế một cách thường xuyên, liên tục, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tạo nhận thức và hành động thống nhất, nâng cao tính chủ động từ phía doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, có kế hoạch cụ thể và bổ sung các nguồn lực cần thiết cho công tác này để có sự chuyển biến rõ rệt trong năm 2016.

Nghiên cứu, đàm phán để sửa đổi các điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp; đẩy mạnh xem xét gia nhập các công ước đa phương về tương trợ tư pháp nhằm hỗ trợ cho các hoạt động xét xử của Tòa án; hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp phù hợp với pháp luật quốc tế.

Loại bỏ cán bộ trục lợi

“Nâng cao hiệu quả, hiệu lực nền hành chính công và cải cách hành chính. Tổ chức giám sát việc triển khai thực thi pháp luật, đánh giá thực chất đội ngũ cán bộ, công chức, cương quyết loại bỏ những người gây cản trở, trục lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, giải quyết hiệu quả vấn đề bức xúc xã hội, thường xuyên trấn áp mạnh tội phạm; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, giảm bớt tai nạn giao thông. Tiếp tục hoàn thiện các phương án chủ động bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trong mọi tình huống”.

Báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên