Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ dự họp Quốc hội |
>> Toàn văn báo cáo của Thủ tướng về tình hình kinh tế - xã hội
Ngay sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ trình bày báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
Chủ tịch ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng trong năm qua, tình hình kinh tế, tài chính thế giới diễn biến phức tạp, tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến nguy hiểm, khó lường... nhưng kinh tế VN vẫn tăng trưởng vượt mức kế hoạch, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.
Mặc dù vậy, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều yếu kém, trong đó năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, bội chi cao ảnh hưởng đến an ninh nợ công, nhiều biểu hiện xấu về văn hóa, đạo đức, lối sống đang gây bức xúc trong xã hội.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý đây là kỳ họp cuối năm, công tác xây dựng pháp luật được xác định là nội dung trọng tâm, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 18 dự án luật và bộ luật.
Đồng thời, Quốc hội xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội và ngân sách, đánh giá về giai đoạn đã qua và thảo luận kế hoạch cho giai đoạn tới.
Quốc hội kỳ này cũng sẽ bầu Hội đồng bầu cử quốc gia và quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong năm 2016 (dự kiến bầu cử toàn quốc vào ngày 22-5).
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan dành tâm sức để kỳ họp Quốc hội thành công.
|
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. |
Trình bày trước Quốc hội báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2011-2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại: Kinh tế trong nước giai đoạn 2006-2010 đạt tăng trưởng khá, đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
Trên cơ sở kết quả đạt được và do chưa lường hết khó khăn, thách thức nên nhiều chỉ tiêu chủ yếu đề ra cho 5 năm 2011-2015 là khá cao.
Từ năm 2011, tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo, khủng hoảng nợ công diễn ra trầm trọng ở nhiều quốc gia.
Trong nước, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu làm cho những yếu kém nội tại của nền kinh tế bộc lộ nặng nề hơn. Thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại lớn, trong khi yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh ngày càng cao.
Trước diễn biến mới của tình hình, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm quốc phòng an ninh và ổn định chính trị, xã hội, tăng cường công tác đối ngoại, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của giai đoạn 5 năm.
Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô giảm sâu, đồng nhân dân tệ đột ngột giảm giá, một số nền kinh tế lớn suy giảm tăng trưởng, đặc biệt là tình hình căng thẳng gay gắt ở Biển Đông, đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta vừa kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững hòa bình, ổn định, vừa nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015. Trên hầu hết các lĩnh vực đều đạt kết quả quan trọng.
Nợ công tăng nhanh
Báo cáo của Thủ tướng cũng đã chỉ rõ những tồn tại, yếu kém. Kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc; việc kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự bền vững.
Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn; cơ cấu thu, chi ngân sách chưa hợp lý; tỷ lệ chi đầu tư tiếp tục giảm sút từ 28% giai đoạn trước giảm xuống 22,6% giai đoạn 2011-2015.
Do nguồn thu bị hạn chế, trong khi nhu cầu chi để ổn định, phục hồi và phát triển lại tăng cao, dẫn đến bội chi ngân sách nhà nước cao hơn mức Quốc hội cho phép và dư nợ của Chính phủ, nợ công tăng nhanh trong 5 năm qua.
Tỷ lệ nợ công/GDP vào cuối năm 2015 khoảng 61,3%, nợ Chính phủ/GDP là 48,9%, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP 41,5%, từ các mức tương ứng của năm 2011 là 50%, 39,3% và 37,9%.
Tăng trưởng kinh tế và một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra. Quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu còn nhiều yếu kém,hiệu quả chưa cao. Cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường còn chậm.
Cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực còn chậm, thủ tục còn phiền hà, cơ cấu tổ chức, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ vẫn còn chồng chéo.
Tranh chấp lãnh thổ gay gắt và rất khó lường
Dự báo giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng cho rằng khoa học, công nghệ phát triển rất nhanh cùng với toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tác động mạnh đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.
Kinh tế thế giới phục hồi chậm và còn nhiều khó khăn. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là trung tâm phát triển năng động của kinh tế thế giới; các nước lớn tăng cường sức mạnh quân sự, tranh giành ảnh hưởng trong khu vực ngày càng quyết liệt. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố có biểu hiện gia tăng. Tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là trên Biển Đông diễn biến phức tạp, gay gắt và rất khó lường.
Chính phủ đặt ra mục tiêu tổng quát cho giai đoạn này là: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước, năm 2016 cao hơn năm 2015. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Giữ gìn hòa bình, ổn định, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Tiếp tục xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Theo đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm, năm 2016 đạt 6,7%. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.750 USD, năm 2016 khoảng 2.450 USD. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%...
Về xã hội: Đến năm 2020, tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, năm 2016 là 53%. Tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.Có 9 bác sĩ và 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân, năm 2016 đạt 24,5 giường. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt khoảng 80% dân số, năm 2016 đạt 76%. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1 - 1,5%/năm, năm 2016 khoảng 1,3-1,5%; riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 25m2, năm 2016 đạt 22,6m2.
Về môi trường: Đến năm 2020, có 95% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, năm 2016 là 83,5% và 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, năm 2016 là 88%. Tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 90%, năm 2016 là 85%. Có 80-85% chất thải nguy hại và 90-100% chất thải y tế được xử lý.
Tỉ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom đến năm 2020 đạt 90%, năm 2016 là 86%. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%, năm 2016 là 41%.
Công tác phòng chống tham nhũng chưa cao
Chủ tịch ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân cũng đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp.
Một trong nhiều vấn đề cử tri quan tâm hiện nay đó là hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng chưa cao, kiến nghị Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tăng cường các biện pháp phòng chống oan sai, xử lý nghiêm những cán bộ có sai phạm.
Nhiều cử tri cũng bức xúc về tình trạng kẹt xe nghiêm trọng tại hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM. Đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng, các tuyến đường nông thôn...
Cử tri cũng lo lắng về tình hình an ninh trật tự, tội phạm còn nhiều, xảy ra nhiều nhiều vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian vừa qua.
Đề nghị đại biểu dự họp đầy đủ Trước đó, tại cuộc họp trù bị trước giờ khai mạc sáng 20-10, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị các đại biểu Quốc hội phải cố gắng đi họp đầy đủ trong kỳ họp này. Đây là kỳ họp kéo dài từ 20/10 đến 28/11 với khối lượng công việc rất lớn. Một lý do quan trọng nữa để Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý các đại biểu Quốc hội phải đi họp đầy đủ là do thời gian Quốc hội họp sẽ trùng với đại hội Đảng một số tỉnh thành, bộ ngành. Có nhiều đại biểu sẽ phải dự đại hội Đảng trong vai trò chỉ đạo, điều hành, khách mời... Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu chỉ nên nghỉ họp Quốc hội đi dự đại hội Đảng vì nhiệm vụ điều hành đại hội, trong vai trò được phân công từ Bộ Chính trị, Ban bí thư đi chỉ đạo đạo hội. “Còn nếu vì tình cảm gắn bó với địa phương đó thì xin các vị là thôi!” - Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn. “Chúng ta phải tập trung cho kỳ họp này với nhiều quyết định, nội dung quan trọng, phải dành thời gian. Xin các đồng chí hãy dành thời gian cho Quốc hội, không nên đi dự đại hội Đảng địa phương với tư cách là tình cảm quê hương, với tư cách nguyên lãnh đạo địa phương đó” - Chủ tịch Quốc hội nói tiếp. Tại một số kỳ họp trước, đã có những phiên họp đại biểu vắng mặt gần 25%. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng từng “than phiền” trong một phiên họp vào cuối kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIII là: “Mấy hôm nay đại biểu vắng họp nhiều quá!”. Tuy nhiên các phiên sau đó, nhiều đại biểu vẫn vắng họp. |
Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII khai mạc sáng 20-10 |
Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII dự kiến làm việc trong 31 ngày, xem xét thông qua 15 nghị quyết, 18 dự án luật và cho ý kiến 8 dự án luật khác, đồng thời thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội và ngân sách. Đặc biệt, Quốc hội dành hai ngày rưỡi để chất vấn Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao về việc thực hiện lời hứa và các nghị quyết của Quốc hội. |
>> Tuổi Trẻ tiếp tục cập nhật
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận