19/10/2015 11:26 GMT+7

Nhân dân đánh giá từng ngành, lĩnh vực mới là thước đo đúng

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Sáng 19-10, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về tình trạng vận động hành lang trong hoạt động của Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói rằng cử tri, nhân dân sẽ có đánh giá chính xác về vấn đề này.

Người phát ngôn của Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói rằng phát biểu thế nào là quyền của mỗi đại biểu và Nhân dân đánh giá mới là thước đo đúng - Ảnh: Việt Dũng

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - người phát ngôn của Quốc hội chủ trì cuộc họp báo quốc tế công bố chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII, (khai mạc vào sáng 20-10.

Đại biểu vẫn “đọc bài của người khác”?

Phóng viên báo Tuổi Trẻ đặt vấn đề Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã từng đề cập đến tình trạng “đại biểu đọc bài của người khác”, tức là có những bài phát biểu do bộ, ngành nào đó nhờ đại biểu đọc có lợi cho ngành mình, dư luận cho rằng tình trạng này tiếp tục tồn tại ở kỳ họp thứ 9, có trưởng đoàn đại biểu Quốc hội cho biết ông đã phát hiện một phiên thảo luận có tới 4 bài của 4 đại biểu đọc trong đó có những đoạt giống y hệt nhau.

Xin hỏi ông Nguyễn Hạnh Phúc, với vai trò trưởng đoàn thư ký kỳ họp, ông đánh giá như thế nào về tình trạng vận động hành lang thiếu lành mạnh trong hoạt động của Quốc hội? Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hành động gì để ngăn ngừa tình trạng này, đảm bảo các quyết định của Quốc hội không bị chi phối bởi các nhóm lợi ích?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng việc phát biểu như thế nào trước hết là quyền của mỗi đại biểu Quốc hội.

Có thể có một vài đại biểu phát biểu ca ngợi ngành này hoặc nói có lợi cho ngành kia, nhưng qua hoạt động của bộ, ngành đó thì cử tri, nhân dân sẽ có đánh giá tổng thể và đánh giá trên từng công việc.

“Sự đánh giá của cử tri, đánh giá của Nhân dân đối với từng ngành, lĩnh vực, với từng tư lệnh ngành mới là thước đo chính xác nhất. Tôi nghĩ là một vài ý kiến của đại biểu không ảnh hưởng đến đánh giá của Nhân dân” - ông Phúc nói.

Trả lời câu hỏi của một phóng viên về việc Chính phủ sẽ có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về quá trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay không, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết chúng ta vừa hoàn tất đàm phán TPP, còn việc ký kết gia nhập thì cần thêm thời gian nữa vì còn đợi 12 nghị viện xem xét, thông qua (có thể cần 18-24 tháng). Lần này Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội những nội dung cơ bản của TPP để đại biểu nắm được.

Tất cả thành viên Chính phủ trả lời chất vấn

Giới thiệu nội dung chương trình kỳ họp, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho biết Quốc hội dự kiến làm việc trong 31 ngày, dành 19 ngày để xem xét thông qua 18 dự án luật, 16 nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật khác.

Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ thảo luận, xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015 và kế hoạch 2016; đánh giá kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020...

Đây là kỳ họp áp chót của nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ nghe báo cáo về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2015 và chất vấn lại một số vấn đề.

Ông Dũng cho rằng đây là việc rất mới, theo đó đại biểu Quốc hội sẽ căn cứ vào nội dung các nghị quyết sau chất vấn, giám sát, trong đó có những lời hứa của những người được chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay để tiếp tục chất vấn về những gì đã làm được và chưa làm được.

Theo ông Phúc, qua chất vấn lần này, Quốc hội có thể ra nghị quyết để Quốc hội khóa sau có căn cứ để theo dõi, giám sát, chất vấn tiếp, đảm bảo chất vấn đến cùng.

“Như vậy đại biểu cứ hỏi ai thì người đó sẽ phải trả lời chất vấn trước Quốc hội? Có dành thời gian để Thủ tướng “gói” lại một số vấn đề trước Quốc hội như các kỳ trước không ?” - phóng viên VNeconomy hỏi.

Ông Phúc cho biết thời gian chất vấn là 2,5 ngày, đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bất cứ thành viên Chính phủ nào, nên tất cả các thành viên Chính phủ phải có mặt tại phiên chất vấn này.

Thủ tướng Chính phủ cũng có mặt để trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Thủ tướng cũng có thể phát biểu thêm về những vấn đề chung. Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao cũng là những người phải trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.  

Phóng viên các báo tác nghiệp tại buổi họp báo  - Ảnh: Việt Dũng
Phóng viên nước ngoài dự họp báo - Ảnh: Việt Dũng

 

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên