05/04/2012 06:00 GMT+7

Lo lây bệnh tay chân miệng trong trường học

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TT - Số trẻ 3-5 tuổi đi học mắc bệnh tay chân miệng là 11,5% trong tổng số trẻ mắc bệnh. Ngoài ra, trong hai ca tử vong của TP.HCM từ đầu năm đến nay có một trẻ là học sinh một trường mầm non (Q.3).

Bệnh tay chân miệng bùng phát dữ dộiLập vành đai phong tỏa dịch bệnhBệnh tay chân miệng vào đỉnh dịch

8g1tH14g.jpgPhóng to
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Tại TP.HCM, trong tháng 1 không có trường học nào có từ hai trẻ mắc bệnh tay chân miệng trở lên, nhưng sang tháng 2 đã lên ba trường học và tháng 3 có đến bảy trường học. Bác sĩ Lê Hồng Nga, phó khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và văcxin sinh phẩm Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, đã cho biết như vậy tại hội nghị sơ kết công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng tại trường học trong ba tháng đầu năm 2012 do Sở Y tế TP tổ chức sáng 4-4.

Số trẻ đi học mắc bệnh cao

"Dự kiến năm nay bệnh vẫn tăng cao không chỉ ở VN mà ở các nước trong khu vực. Phòng chống dịch tay chân miệng trong nhà trường rất cần sự phối hợp của ngành giáo dục và ngành y tế"

Bác sĩ Phạm Việt Thanh (giám đốc Sở Y tế TP.HCM)

Bác sĩ Lê Minh Hùng, phó phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện mầm bệnh tay chân miệng trong cộng đồng rất cao vì TP.HCM không chỉ điều trị bệnh nhân trong TP mà khoảng 50% bệnh nhân từ các tỉnh chuyển về. Số bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng điều trị tại bệnh viện chỉ chiếm khoảng 10% và 90% còn lại điều trị tại nhà và các phòng mạch tư. Nếu địa phương không giám sát bệnh tốt tại cộng đồng, trẻ mắc bệnh đi học sẽ lây bệnh cho những trẻ khác, nguy cơ bùng phát bệnh ở trường học rất cao.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết 21,4% số trẻ mắc bệnh tay chân miệng có nguồn lây từ trẻ em, mà đa số nguồn lây là từ trường học. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng có những thể bệnh không điển hình như chỉ xuất hiện những vết loét miệng đơn thuần, bóng nước rất ít xen kẽ với hồng ban, chỉ có hồng ban không có bóng nước, chấm nhỏ ẩn dưới mặt trong ngón tay. Khi trẻ có những thể bệnh không điển hình này, cha mẹ không nhận biết được nên vẫn đưa trẻ đi học. Song khi lây bệnh sang những trẻ khác vẫn có thể làm trẻ khác mắc bệnh nặng. Chưa kể, bác sĩ Thọ nhấn mạnh, không chỉ phụ huynh mà có trường học còn có hiện tượng giấu bệnh.

Ngành giáo dục và y tế phải phối hợp

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, phó Phòng Giáo dục - đào tạo Q.3, TP.HCM, lo lắng ngành mầm non hiện thiếu nhiều giáo viên, nên nếu yêu cầu giáo viên làm thêm vệ sinh môi trường, phát hiện bệnh cho trẻ nhỏ thì không biết có chịu nổi không. Khi có một chiến dịch dập dịch bệnh, các cô giáo phải làm thêm rất nhiều việc nhưng chưa bao giờ trường học có nguồn kinh phí nào thêm cho các cô. Vì vậy cần xem xét các phương án hỗ trợ.

Đại diện Phòng Giáo dục - đào tạo Q.8, TP.HCM cũng cho biết ở các trường công lập khi phát hiện trẻ mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh còn có phòng để cách ly, chứ với nhóm trẻ tư nhân có mỗi một phòng học để giữ mấy chục bé, khi phát hiện bệnh thì cách ly ở đâu? Có nên giao nhiệm vụ cho cô giáo nhận biết được bệnh sớm không vì nhiều trường hợp bác sĩ cũng không chẩn đoán được bệnh! Nên chăng có nhân viên trạm y tế xuống các trường học để nắm tình hình, không nên chỉ trông chờ vào các trường học báo cáo?

PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng để chống dịch bệnh cần huy động tất cả lực lượng trong xã hội, trong đó ngành y tế giữ vai trò chủ đạo. Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng trong độ tuổi đi học đã tăng và tập trung ở các trường mầm non. Do vậy, ngành giáo dục có vai trò nặng nề trong phòng chống dịch. Ở đây, ngành y tế không đòi hỏi cô giáo giống bác sĩ mà muốn cô giáo như người mẹ để phát hiện những dấu hiệu bất thường ở con mình, phát hiện được những triệu chứng như sốt, nổi bóng nước... Còn dĩ nhiên vai trò của Trung tâm Y tế dự phòng rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch. Những trường học có ít giáo viên nhưng lại có nhiều học sinh thì Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM sẽ xuống giúp đỡ.

Những biểu hiện để không đưa trẻ đến trường

Khi nhận thấy trẻ không như mọi ngày, thấy có một trong những biểu hiện sau đây thì không đưa trẻ đến trường mà cho trẻ đi khám bệnh:

* Sốt trên 38 độ C, nhức đầu

* Sổ mũi, ho, đau họng, khó thở

* Ói mửa, đau bụng, tiêu chảy.

* Biếng ăn, mệt mỏi

* Da tái hoặc nổi ban đỏ/ bóng nước

* Mắt đỏ hoặc vàng nhẹ

* Thay đổi hành vi: lờ đờ, khóc thét, kích động

* Phân có đàm/ máu, phân đen

(Nguồn: Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM)

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên