Cống không nắp trên quốc lộ 50 đoạn qua huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: Quang Định |
Chúng tôi giới thiệu các ý kiến xung quanh vấn đề này.
* Ông Nguyễn Bật Hận (phó Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP):
Lỗ hổng từ pháp luật
Kiểm tra nắp cống lún, sụt Theo thông tin từ Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM, ngày 22-10, tổ liên ngành gồm thanh tra xây dựng và giao thông vận tải sẽ kiểm tra những điểm có nắp cống lún, sụt, vênh... có nguy cơ gây tai nạn mà báo Tuổi Trẻ đã phản ánh. |
Cách đây năm năm, Chính phủ ban hành nghị định 23/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà.
Nghị định này không quy định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan thanh tra chuyên ngành khác trong phạm vi quản lý nhà nước. Nghị định 23/2009 chỉ quy định thẩm quyền xử phạt duy nhất là thanh tra xây dựng và UBND các cấp.
Vì vậy, trong thời gian từ năm 2009 đến nay, những vi phạm hành chính trong lĩnh vực công trình hạ tầng đô thị hầu như bị buông lỏng trong xử lý.
Bởi thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải (GTVT) không được giao thẩm quyền trong nghị định 23/2009, còn thanh tra xây dựng tuy được giao thẩm quyền nhưng không xử phạt được vì lĩnh vực quản lý nhà nước về hạ tầng đô thị đã được UBND TP.HCM giao Sở GTVT.
Liên tục từ năm 2009 đến nay, Thanh tra Sở GTVT đã nhiều lần kiến nghị cấp thẩm quyền sửa đổi nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính.
Năm 2013, Sở GTVT có văn bản kiến nghị Bộ GTVT cần sửa đổi nghị định trên. Đồng tình với sở, Bộ GTVT cho biết sẽ có kiến nghị Chính phủ về sự cần thiết phải bổ sung nội dung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Tôi cho rằng việc “Bẫy tử thần từ nắp cống” mà báo Tuổi Trẻ đăng chính là lỗ hổng về mặt pháp lý khi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành không được thẩm quyền xử phạt.
Điều này dẫn đến các đơn vị quản lý chuyên ngành đã thiếu trách nhiệm khi để xảy ra nắp cống hư bể gây tai nạn. Mới đây, Thanh tra Sở GTVT tiếp tục kiến nghị cấp thẩm quyền bổ sung vào nghị định mới về quy định thẩm quyền xử phạt của Thanh tra Sở.
Trong đó, chúng tôi đã đề xuất bổ sung nhiều quy định về xử phạt các đơn vị không duy tu, bảo dưỡng kịp thời công trình đường bộ đã được phân cấp quản lý hoặc được đặt hàng, giao kế hoạch duy tu; xây dựng, sửa chữa, duy tu bảo dưỡng không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật công trình đường bộ.
* Một phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM:
Trách nhiệm của Thanh tra Sở GTVT
Về nguyên tắc, cơ quan nào quản lý thì cơ quan đó sẽ có trách nhiệm xử lý những sự cố xảy ra đối với công trình.
Tại TP.HCM, những hạng mục thuộc về hạ tầng cầu, đường được UBND TP giao cho Sở GTVT. Thanh tra Sở GTVT có trách nhiệm kiểm tra, xử lý những sự cố xảy ra như nắp cống bị lệch, hở, thi công không đúng kỹ thuật, chất lượng, dẫn đến vỡ, bể hoặc gây thiệt hại cho người khác.
Trong quá trình xử lý, nếu phải xử phạt vi phạm hành chính mà Thanh tra Sở GTVT không có thẩm quyền thì chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt (UBND phường, xã, quận, huyện, Thanh tra Sở Xây dựng và UBND TP).
Do đặc thù của TP.HCM, UBND TP đã thành lập tổ liên ngành gồm Thanh tra Sở GTVT và Thanh tra Sở Xây dựng.
Tuy nhiên, trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, xử lý vẫn là Thanh tra Sở GTVT, Thanh tra Sở Xây dựng chỉ phối hợp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Người dân phát hiện nắp cống hư, bể, chênh so với mặt đường, có khe hở... gây tai nạn thì báo cho Thanh tra Sở GTVT.
Việc lún sụt nắp cống gây chết người cụ thể trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1) phải truy trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công hoặc đơn vị quản lý nếu công trình đã nghiệm thu và bàn giao đúng quy định. Thanh tra Sở GTVT có trách nhiệm làm rõ việc này.
* TS Nguyễn Hữu Nguyên (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM):
Do quản lý bất cập
Vụ các cơ quan chức năng đổ trách nhiệm cho nhau trong vấn đề xử lý, đề phòng các sự cố hạ tầng như vụ xe tải đè sụp nắp cống gây tai nạn chết người trên vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn bên hông Thảo cầm viên, Q.1) không còn là vấn đề mới.
Thực trạng này giống như một căn bệnh mãn tính tồn tại trong một đô thị suốt thời gian qua.
Đây có lẽ là kết quả của quá trình mà công tác quản lý hạ tầng được cắt ra thành những mảnh nhỏ, một tuyến đường có rất nhiều đơn vị quản lý hạ tầng, mỗi đơn vị làm quản lý một kiểu dẫn đến chuyện “mạnh ai nấy làm”, khó xác định trách nhiệm thuộc về đơn vị nào.
Điều đáng nói cơ chế ấy lại cho các đơn vị có quyền “đá trách nhiệm” với nhau, không chỉ vụ nắp cống gây tai nạn mới đây mà nhiều sự cố trước đây cũng vậy.
Ví dụ khi một cột điện bị đổ gây sự cố, có đến 4-5 đơn vị xuống khảo sát nhưng 4-5 tuần sau vẫn chưa xác định được trách nhiệm cũng như hướng khắc phục, đề phòng sự cố tiếp theo.
Có đơn vị cho rằng đây là công trình thuộc đơn vị quản lý vỉa hè, đơn vị quản lý vỉa hè lại đổ ngành điện, chiếu sáng, viễn thông, cũng có thể cho rằng tránh nhiệm liên quan đơn vị quản lý về xây dựng...
Ở góc độ nào đó, cách đổ lỗi như vậy của các đơn vị lại hợp lý, dựa trên một số quy định, phân cấp quản lý chỉ một hạng mục cụ thể trên tuyến đường.
Nếu cơ chế này vẫn tiếp tục duy trì mà không có sự thay đổi thì những sự cố tương tự rồi sẽ xảy ra và tiếp tục là câu chuyện các đơn vị liên quan đá “quả bóng trách nhiệm” cho nhau...
Thay đổi vấn đề này không phải ban hành một quyết định, quy định là xong mà có khi văn bản mới ra đời lại chồng chéo quy định hiện hành. Cái gốc của vấn đề là cần thay đổi cả một cơ chế theo hướng quản lý tập trung như kiểu mô hình chính quyền đô thị.
Ông Từ Minh Thiện (đại biểu HĐND TP.HCM):
Không thể đổ lỗi cho nhau Vụ xe tải đè sụp nắp cống gây tai nạn chết người là một tai nạn nghiêm trọng liên quan đến tính mạng người dân. Thực tế vẫn còn nhiều nắp cống hư, xuống cấp... ở nhiều nơi như những cái bẫy chực chờ. Người dân không cần biết đơn vị nào quản lý nắp cống, quản lý vỉa hè, lòng đường mà đòi hỏi phải sửa chữa được những khiếm khuyết đã được phát hiện. Cách trả lời của cán bộ Sở GTVT đổ cho đơn vị này, đơn vị kia như vậy là không ổn. Là đơn vị được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về hạ tầng giao thông, Sở GTVT phải có trách nhiệm cấp bách rà soát khắc phục những khiếm khuyết. Nếu trong quá trình quản lý nhà nước còn bất cập thì phải đề xuất cơ chế làm sao việc khắc phục, đề phòng sự cố xảy ra một cách nhanh nhất, hạn chế đến mức thấp nhất những tai nạn có thể xảy ra. Tôi sẽ đưa vấn đề này ra để Ban Pháp chế HĐND TP làm việc với các sở liên quan nhằm xác định rõ trách nhiệm từng đơn vị liên quan đến vụ việc này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận