23/12/2015 14:06 GMT+7

​Lở đất ở Thâm Quyến là thảm họa được dự báo trước

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TTO - Trước vụ lở đất kinh hoàng hôm 20-12 ở khu công nghiệp ngoại ô thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc, đã có không ít lời cảnh báo về nguy cơ thảm họa, nhưng đều bị chính quyền địa phương phớt lờ.

 

Các đội cứu hộ dùng máy xúc để xúc đất, tìm kiếm người mất tích - Ảnh: Reuters
Các đội cứu hộ dùng máy xúc để xúc đất, tìm kiếm người mất tích - Ảnh: Reuters

Tân Hoa xã đưa tin ngày 23-12 chính quyền Thâm Quyến thông báo một trong hai người được tìm thấy sau vụ lở đất chôn vùi 33 tòa nhà đã thiệt mạng vì thương tích quá nặng. Người sống sót còn lại là một thanh niên 19 tuổi, hiện đang trong tình trạng ổn định. Các đội cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm hơn 70 người mất tích, nhưng khoảng thời 72 giờ trọng yếu với cơ hội sống sót cao nhất đang trôi qua.

Theo báo New York Times, trước thảm họa đã có không ít lời cảnh báo về nguy cơ quả núi bùn đất, phế liệu ở khu công nghiệp quận Guangming có nguy cơ sụp đổ. Năm 2013, thành phố Thâm Quyến chật vật với tình trạng các công ty xây dựng xả đất đá, phế liệu bừa bãi tại nhiều công viên, kênh rạch và đường sá trong thành phố, đến mức cảnh sát phải tuần tra ngăn chặn.

Giải pháp của chính quyền thành phố là mở bãi phế liệu ở một mỏ đá cũ tại khu công nghiệp quận Guangming. Công ty điều hành bãi phế liệu này ban đầu là Công ty Quản lý địa ốc Luwei. Sau đó Luwei giao thầu quản lý địa điểm này cho Công ty Đầu tư Yixianglong với giá 115.000 USD. Ngay sau đó bãi bùn đất, phế liệu lập tức dâng cao.

Năm 2014 chính quyền quận Guangming quảng bá bãi phế liệu này là “một nỗ lực xử lý phế liệu xây dựng” từ các dự án chủ chốt của địa phương. Nhưng sự lo ngại bắt đầu gia tăng.

Tháng 1-2015, công ty tư vấn môi trường Công nghệ Zongxing công bố cảnh báo hiện tượng xói mòn ở bãi phế liệu đang đe dọa sự an toàn của các quả đồi xung quanh.

Theo Nhật báo Pháp lý của Bộ Tư pháp Trung Quốc, hoạt động của bãi phế liệu bị ngừng một thời gian do vi phạm quy định môi trường. Nhưng sau đó nó được hoạt động trở lại. Tháng 10, báo Tin chiều Thâm Quyến đăng bài phóng sự điều tra dài hơi về cuộc khủng hoảng phế liệu xây dựng của thành phố.

“Quá trình đô thị hóa và xây dựng quá nhanh ở Thâm Quyến đã dẫn tới vấn đề phế liệu xây dựng nghiêm trọng. Thành phố phải đối mặt với tình trạng phế liệu xây dựng bị vận chuyển và xả bừa bãi khắp nơi. Tình trạng này còn tạo ra hoạt động kinh doanh ở các địa điểm đổ phế liệu bất hợp pháp” - báo này viết.

Đến tận sáng 20-12, hàng loạt xe tải vẫn còn đổ đất đá tại bãi phế liệu này. Khi đó nó đã trở thành  một quả núi nhỏ cao 100m. Do mưa lớn trong buổi sáng, đất của quả núi này biến thành bùn và lở đất xảy ra.

Hiện Thâm Quyến có ít nhất tám bãi phế liệu tương tự. Công ty quản lý bãi phế liệu ăn tiền khi tiếp nhận từng xe đổ phế liệu. Giáo sư Yuan Hongping thuộc ĐH Jiaotong ở Tứ Xuyên khẳng định đây không chỉ là vấn đề của Thâm Quyến mà là tình trạng chung ở nhiều tỉnh thành khắp Trung Quốc.

Một tòa nhà bị lở đất phá hủy - Ảnh: Reuters
Một tòa nhà bị lở đất phá hủy - Ảnh: Reuters
SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên