16/08/2022 08:53 GMT+7

Lo cho sức khỏe đảo ngọc

TS TRẦN HỮU HIỆP
TS TRẦN HỮU HIỆP

TTO - Tương lai của Phú Quốc ra sao phụ thuộc vào cách ứng xử khôn khéo, có trách nhiệm của con người trong hiện tại.

Lo cho sức khỏe đảo ngọc - Ảnh 1.

Sông Dương Đông (TP Phú Quốc, Kiên Giang) bị ô nhiễm nghiêm trọng - Ảnh: SƠN LÂM

Rừng đang bị xâm hại; hàng loạt công trình resort, bungalow xây dựng không phép, lấn chiếm vùng biển đang đè bẹp các rạn san hô tuyệt đẹp thuộc Khu bảo tồn biển Phú Quốc (Kiên Giang); nhiều con suối cạn dòng, sông Dương Đông thơ mộng, mang hơi thở từ núi rừng ra cửa biển đang "hấp hối"; rác thải lộ thiên nhiều nơi trên đảo gây nhức nhối... Đó là những gì đã và đang xảy ra ở đảo ngọc Phú Quốc.

Đã có nhiều ý kiến của các nhà khoa học, bảo vệ môi trường và người dân về hậu quả nghiêm trọng hơn mà Phú Quốc sẽ phải trả giá nếu tình hình cứ diễn ra như vừa qua và hiện nay. Chính quyền địa phương, ngành chức năng đã lên tiếng sẽ kiểm tra, xử lý. 

Nhưng đáng quan tâm là thực trạng này đã nhiều lần xảy ra, đã có nhiều đợt kiểm tra, xử lý, nhưng kiểm tra xong rồi, đoàn rút về thì đâu lại vào đấy, khiến dư luận ái ngại về việc xử lý xuề xòa của cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao mức độ các lần vi phạm sau lại cao hơn lần trước? Có cách nào để ngăn ngừa sai phạm?

Phú Quốc hiện nắm giữ nhiều kỷ lục quốc gia và quốc tế: là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, đang khoác lên mình chiếc áo đô thị đặc thù - thành phố đảo đầu tiên và duy nhất cho đến nay của cả nước với nhiều kỳ vọng tạo ra một hệ sinh thái mới, những giá trị mới từ kinh tế biển, du lịch biển đảo chất lượng cao. 

Đảo ngọc đang phát triển rất nhanh, là thị trường du lịch sôi động bậc nhất ở Việt Nam, là điểm đến của đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Yêu cầu ngăn chặn phá rừng, lấn biển, bêtông hóa đảo ngọc, đánh đổi môi trường lấy dự án đầu tư, nhưng thực tế thì các "túi tiền" lợi ích trước mắt đã phá vỡ "túi chứa nước" tự nhiên bao đời nay trên đảo. 

Không gian trữ nước vốn là đất rừng, sông, suối đã biến mất dần, nhường chỗ cho "đất vàng" các khu đô thị, dân cư, các dự án du lịch hoành tráng, các bãi biển đẹp thơ mộng công cộng thành của riêng.

Mặc dù hạ tầng, nhiều công trình, dự án đầu tư làm thay đổi bộ mặt đô thị; nhưng vấn đề môi trường, xử lý rác thải, nước thải, quản lý và xử lý các sai phạm có liên quan chưa đến nơi đến chốn, nhất là các biện pháp phòng ngừa, không chỉ là điểm nghẽn phát triển mà còn đang là "mầm bệnh" đe dọa sức khỏe đảo ngọc.

Phát triển nóng trong khi lực lượng cán bộ mỏng, gây quá tải cho công tác quản lý. Các sai phạm xây dựng, lấn chiếm rừng, xâm hại biển, sai phạm đất đai đã từng xảy ra ở Phú Quốc, nhiều cán bộ các cấp bị xử lý, đi tù, nhưng vẫn lặp lại đáng lo ngại. Các sai phạm này, cũng giống như tham nhũng, đã nâng mức độ tinh vi thì cần ngăn chặn để không thể, không dám sai phạm còn quan trọng hơn.

Việc giữ lá phổi xanh, các dòng sông, con suối sạch, đảm bảo một không gian công cộng theo luật định của các bờ biển không chỉ giúp đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển, mà còn thể hiện hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển, khai thác hiệu quả bền vững hơn tài nguyên du lịch biển đảo.

Phải thực hiện đồng bộ các giải pháp và công cụ quản lý, bằng con người liêm chính, cán bộ phải nêu gương, pháp luật phải nghiêm minh và công cụ quản lý hữu hiệu. Cần cuộc tổng rà soát các dự án đầu tư có dấu hiệu sai phạm để xử lý. Cái khó không chỉ là công trình xây dựng lấn chiếm, không phép, trái phép mà là thực trạng có doanh nghiệp được giao đất, thuê đất, đã đầu tư và đầu tư các công trình giá trị trên đất đó, đòi hỏi phải cân nhắc bồi hoàn để sửa sai.

Cần kiên quyết hơn nữa, dứt khoát hơn nữa trong xử lý dân sự, hành chính, kể cả hình sự, phát hiện kịp thời "mầm bệnh" để ngăn chặn sai phạm, không để đảo ngọc "lâm bệnh nặng" rồi mới đi "cấp cứu". Tương lai của Phú Quốc ra sao phụ thuộc vào cách ứng xử khôn khéo, có trách nhiệm của con người trong hiện tại.

Báo động sông suối Phú Quốc bị bức tử Báo động sông suối Phú Quốc bị bức tử

TTO - Không quản lý chặt, để người dân xây dựng nhà cửa tràn lan, đến nay muốn cải tạo dòng sông thì nói không đủ kinh phí để giải tỏa, đền bù là đương nhiên.

TS TRẦN HỮU HIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Phú Quốc đảo Ngọc