15/08/2022 08:52 GMT+7

Báo động sông suối Phú Quốc bị bức tử

SƠN LÂM - CHÍ CÔNG
SƠN LÂM - CHÍ CÔNG

TTO - Không quản lý chặt, để người dân xây dựng nhà cửa tràn lan, đến nay muốn cải tạo dòng sông thì nói không đủ kinh phí để giải tỏa, đền bù là đương nhiên.

Báo động sông suối Phú Quốc bị bức tử - Ảnh 1.

Sông Dương Đông (TP Phú Quốc, Kiên Giang) bị bóp nghẹt vì nhà cửa tràn ra hai bên bờ sông, phá vỡ quy hoạch, khiến cho dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng - Ảnh: SƠN LÂM

Sông Dương Đông ô nhiễm, các dòng suối bị lấn chiếm biến dạng, rác thải chưa được xử lý triệt để... - đó là thực trạng mà TP Phú Quốc (Kiên Giang) đã và đang đối mặt. 

Và nếu vấn nạn này không được giải quyết, du khách có thể không còn mặn mà đến với hòn đảo ngọc này.

Từ 4 năm trước, tỉnh Kiên Giang đã có quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Dương Đông chạy dài 21,6km trên đảo Phú Quốc là hai mảng xanh tách biệt với khu dân cư, để giữ cho dòng sông tránh bị ô nhiễm. 

Thế nhưng đến nay, hai bên bờ sông huyết mạch kéo dài từ suối Đá Bạc đến khi đổ ra biển tại Dinh Cậu này vẫn chưa có gì thay đổi. Lô nhô nhà cửa, hàng quán, phố thị... tràn ra lấn chiếm hết cả hai bên bờ sông.

Giết chết dòng sông Dương Đông

Tại hội thảo khoa học Đánh giá hiện trạng ô nhiễm và đề xuất giải pháp cải thiện môi trường sông Dương Đông được tổ chức vừa qua, các nhà khoa học đã đưa ra kết quả quan trắc từ năm 2018 - 2021 cho thấy có nhiều thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép trên dòng sông này. 

Có những thời điểm nước sông Dương Đông được đánh giá bị ô nhiễm nghiêm trọng làm cá chết hàng loạt. 

Dòng sông này bị ô nhiễm bởi rác, nước thải từ các hộ gia đình, ghe tàu, nhà hàng, khách sạn... đổ vào mỗi ngày. 

Quy hoạch cải tạo sông Dương Đông đã lâu, tình trạng ô nhiễm đang diễn ra nghiêm trọng, thế nhưng mới đây, trong một cuộc trao đổi do UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức, ông Huỳnh Quang Hưng, chủ tịch UBND TP Phú Quốc, dường như vẫn chưa tìm được lời giải cho bài toán ô nhiễm khi phát biểu: "Tỉnh đã phê duyệt chương trình quản lý tổng hợp lưu vực sông Dương Đông đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, nhưng hiện vẫn chưa có kinh phí để làm".

Nhìn hiện trạng sông Dương Đông hiện nay, một chuyên gia về môi trường cho rằng chính việc buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng xây dựng nhà cửa tràn ra hai bên bờ sông, phá vỡ quy hoạch được phê duyệt đã tạo hệ lụy ô nhiễm giết chết dần dòng sông. 

Không quản lý chặt, để người dân xây dựng nhà cửa tràn lan, đến nay muốn cải tạo dòng sông thì nói không đủ kinh phí để giải tỏa, đền bù là đương nhiên. 

Và việc buông lỏng quản lý ấy dường như đang tiếp diễn khi tình trạng xây dựng nhà cửa trái phép trong vùng quy hoạch lòng hồ điều tiết sông Dương Đông đã và đang diễn ra rầm rộ nhưng vẫn chưa được xử lý.

Báo động sông suối Phú Quốc bị bức tử - Ảnh 3.

“Khu phố tự phát” tại khu quy hoạch lòng hồ điều tiết sông Dương Đông đang ngày càng đông đúc, cảnh xây dựng trái phép vẫn đang diễn ra - Ảnh: SƠN LÂM

Theo quy hoạch, vùng lòng hồ trên rộng hơn 48ha nằm trên phía thượng nguồn sông Dương Đông thuộc khu phố 5, phường Dương Đông được thiết kế như một "bao tử" điều phối, cung cấp cũng như tiêu thoát nước quan trọng cho toàn bộ khu trung tâm đô thị của Phú Quốc. 

Tuy nhiên từ năm 2019, Tuổi Trẻ từng có bài phản ánh việc một cây cầu được xây dựng tự phát nối từ đường Đoàn Thị Điểm vào khu vực quy hoạch lòng hồ cũng như tình trạng tự ý xây dựng hạ tầng đường bêtông, phân lô, xây dựng nhà hàng, nhà ở kiên cố diễn ra tràn lan.

Lần này quay trở lại, khu nhà ở tự phát trên tiếp tục phình ra, những căn nhà mới được xây dựng dày đặc hơn trước. 

Quanh vùng hồ, những công trình nhà hàng hoành tráng hàng ngàn mét vuông được xây dựng và đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, những ngôi nhà 2-3 tầng vẫn đang được thi công, tất bật công nhân ra vào. 

Khi thấy chúng tôi, một vài cò đất tới "chào hàng". Chúng tôi hỏi, những cò đất này đều đưa ra giấy tờ "đất trồng cây lâu năm" với lời khẳng định: "Không có đất thổ cư đâu, anh quan tâm giấy phép xây dựng làm gì. Người ta xây cả khu phố rồi có sao đâu. Vài bữa cũng bỏ quy hoạch thôi".

Trả lời về việc để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép như trên, bà Trần Mỹ Hiệp - chủ tịch UBND phường Dương Đông - nói: "Chúng tôi cũng đã kiểm tra và lập biên bản xử phạt đối với các công trình xây dựng trái phép. Nếu có phản ảnh thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra, xử lý thêm".

Những con suối tắc nghẽn

Rạch Ông Trì nằm ở phía bắc khu đô thị trung tâm TP Phú Quốc đóng vai trò quan trọng, bởi là nơi kết nối hai con rạch nước chính phía bắc. Hai rạch nước này dẫn nước từ núi Ông Phụng, núi Gành Gió rồi đổ dòng nước chảy qua khu chợ trung tâm, hòa vào sông Dương Đông. 

Thế nhưng từ nhiều năm nay, rạch Ông Trì được xem là một trong những con rạch ô nhiễm nhất tại Phú Quốc. Nhiều khu dân cư lấn chiếm rạch, thậm chí có những khu vực con rạch bị lấp hẳn, đặt cống làm tắc nghẽn dòng nước chảy qua. 

Dân cư tập trung đông nên rác thải sinh hoạt hằng ngày được đổ xuống rạch. Ngay gần cây cầu, sát chợ Dương Đông, một bãi rác to hình thành bao năm nay vẫn chưa được dọn dẹp. Theo quy hoạch, hai bên rạch Ông Trì là hai hành lang cây xanh bảo vệ, thế nhưng nay nhà cửa đã ken dày.

Tình hình các con suối ở phía nam trung tâm TP Phú Quốc cũng chẳng khả quan hơn.

 Đường Trần Hưng Đạo nối từ ngã năm trung tâm xổ xuống phía nam như một làn ngăn cách giữa hệ thống núi Điện Tiên, núi Dương Đông với bãi biển ở phía tây. 

Trên trục đường này có ba hệ thống suối chảy ngang, giữ vai trò thoát nước quan trọng từ núi xuống biển. Theo quy hoạch, đây là những con suối chính và cũng phải được bảo vệ bởi hành lang cây xanh, thế nhưng hiện nay chúng cũng đã bị lấn chiếm, xây dựng nhà tràn lan.

Báo động sông suối Phú Quốc bị bức tử - Ảnh 5.

Công trình khách sạn 12 tầng vừa bị lập biên bản xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng được phê duyệt nằm ngay cửa ngõ vào trung tâm Phú Quốc - Ảnh: SƠN LÂM

Đầu tiên là con suối thoát nước từ núi Điện Tiên mà những người dân lâu năm ở Phú Quốc vẫn thường gọi là suối Ông Đáo. Hiện trạng phía thượng nguồn của con suối này nằm trên sườn núi đã bị bóp méo hoàn toàn với những công trình nhà ở xâm lấn. 

Theo quy hoạch, con suối rộng 4m thế nhưng hiện nay nhiều khu vực bị nhà cửa lấn chiếm, suối chỉ còn là con rạch nhỏ - rộng khoảng 2m. 

Thậm chí, khi dòng suối đổ xuống đến cầu trên đường Trần Hưng Đạo thì hoàn toàn bị mất hút bởi phía bên kia đường dày đặc những dãy nhà hàng xây lấn, lấp cả con suối.

Tương tự, con suối thứ hai chảy qua cầu Bà Kèo phía sườn núi gần như không thể tìm được dòng chảy khi hàng loạt công trình đường bêtông và khách sạn cao tầng án ngữ. Ngay cả đến đoạn gần chân cầu Bà Kèo, dòng suối cũng bị chặn lại, chỉ để một ống cống cho nước thoát qua. Và dòng suối chính thứ ba đổ qua cầu Bà Phong. 

Ngay tại đây, dòng suối bị nghẽn bởi bức tường của một khách sạn cao tầng. Cứ tiếp tục như thế, nhiều khu khách sạn, nhà cao tầng, nhà hàng, resort khác lấn chiếm, san lấp, bắt dòng suối luồn lách qua hệ thống ống cống nằm sâu dưới nền ximăng mới có thể đổ dòng ra biển tại khu Bãi Trường nổi tiếng của Phú Quốc.

Với hiện trạng mà chúng tôi ghi nhận từ sông Dương Đông đến rạch Ông Trì, suối Ông Đáo, suối Bà Kèo, suối Bà Phong... thì thật khó tưởng tượng việc thực hiện quy hoạch của Phú Quốc sẽ được thực hiện ra sao.

Ngày 22-7, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành văn bản về việc triển khai các giải pháp cải thiện môi trường sông Dương Đông. Theo đó, thực trạng ô nhiễm môi trường cục bộ ở một số điểm, khu vực đã xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc, trong đó có sông Dương Đông. Vấn đề ô nhiễm trên sông Dương Đông được cho là cấp bách. Nếu không có biện pháp giải quyết khả thi sẽ là rào cản đối với sự phát triển của Phú Quốc. UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và môi trường rà soát, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở thực hiện các nhiệm vụ, dự án ưu tiên thực hiện trong chương trình này.

* Ông Huỳnh Quang Hưng (chủ tịch UBND TP Phú Quốc):

Xử lý rốt ráo những trường hợp sai phạm

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách đến Phú Quốc tăng 160%. Bên cạnh những con số khả quan về sự phục hồi của du lịch xứ đảo thì các vấn đề liên quan như an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, quản lý xây dựng, vấn đề rác thải... cũng đang đặt ra mà những người có trách nhiệm của Phú Quốc phải giải quyết. Tỉnh Kiên Giang và TP Phú Quốc đang triển khai những giải pháp đồng bộ, từ xử lý rác thải cho đến giải quyết rốt ráo các vụ việc vi phạm bờ biển, bờ sông, suối, đất Nhà nước quản lý... để giữ môi trường trong lành, xanh, sạch cho đảo du lịch này.

T.TRÌNH

Kiểm tra các bungalow xây trái phép ở Phú Quốc

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang phối hợp với các ngành chức năng địa phương đã kiểm tra thực tế các công trình xây dựng trái phép ở ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh, TP Phú Quốc mà báo Tuổi Trẻ phản ánh hôm 14-8. Làm việc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân, đoàn kiểm tra đã yêu cầu dừng ngay hoạt động kinh doanh, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý đúng theo quy định pháp luật.

Kiểm tra tại khu vực Cây Sao, đoàn kiểm tra ghi nhận có nhiều bungalow xây dựng trái phép nối tiếp nhau vươn dài ra biển. Các trụ bêtông, cây gỗ được xây dựng tác động trực tiếp lên trên thảm cỏ biển, nơi trước kia có dugong (cá cúi hay bò biển), rùa biển xuất hiện nhiều.

Ông Trương Thanh Hào, phó giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, cho biết sắp tới Khu bảo tồn biển Phú Quốc và các đơn vị liên quan sẽ làm việc lại với địa phương để có biện pháp xử lý phù hợp nhằm trả lại hiện trạng ban đầu, thực hiện chức năng bảo tồn biển theo quy định.

CHÍ CÔNG

Nhức nhối xử lý rác ở Phú Quốc Nhức nhối xử lý rác ở Phú Quốc

TTO - Mỗi ngày, TP Phú Quốc có khoảng 180 tấn chất thải rắn sinh hoạt và 17.500m3 nước thải. Và nhu cầu xử lý rác ở Phú Quốc đến năm 2025 là từ 400 - 650 tấn/ngày.

SƠN LÂM - CHÍ CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên