
Người dân chỉ nên tiếp nhận và chia sẻ các thông tin về thời tiết, bão lũ từ các nguồn chính thức từ hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia. Trong ảnh: Vị trí và hướng di chuyển của bão số 3 lúc 10h ngày 22-7 - Ảnh: TTXVN
Trong thời đại số hiện nay, việc người dân tiếp cận và chia sẻ thông tin về bão lũ một cách nhanh chóng là điều tất yếu.
Tuy nhiên, thực trạng một số cá nhân không có chuyên môn tự ý livestream, phân tích dự báo thời tiết dựa trên các ứng dụng nước ngoài đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân chỉ nên tiếp nhận thông tin từ các nguồn chính thống của hệ thống dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.
Livestream tự phát thiếu cơ sở khoa học
Trưởng phòng quản lý dự báo và thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn, Cục Khí tượng thủy văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường - ông Vũ Đức Long cho biết việc người dân chủ động cập nhật và chia sẻ thông tin về bão thể hiện sự quan tâm tích cực đến cộng đồng.
Tuy nhiên, với lĩnh vực chuyên môn cao như khí tượng thủy văn, cơ quan này rất lo lắng trước việc những người không được đào tạo bài bản lại tự ý phân tích, dự báo bão lũ.
"Việc này không những làm nhiễu loạn thông tin, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến an toàn của người dân và công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai của các cơ quan chức năng", ông Vũ Đức Long lưu ý.
Theo ông Long, dự báo khí tượng, đặc biệt các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, đòi hỏi dữ liệu quan trắc toàn cầu, hệ thống mô hình tính toán phức tạp và sự phân tích, hiệu chỉnh của đội ngũ chuyên gia được đào tạo chính quy.
Những biểu đồ thời tiết từ các ứng dụng nước ngoài không thể được sử dụng đơn lẻ để suy đoán và không thể thay thế dự báo chính thống từ hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia.
"Do đó, các thông tin từ những livestream tự phát, sử dụng bản đồ từ ứng dụng nước ngoài mà không có khả năng phân tích khoa học thì độ tin cậy rất thấp, thậm chí có thể sai lệch nghiêm trọng", ông nhấn mạnh.

Triều cường dâng cao, sóng biển đánh mạnh dữ dội ở vùng biển Cô Tô, Quảng Ninh - Ảnh: TTXVN
Hậu quả nghiêm trọng từ thông tin sai lệch
Khi tiếp cận những thông tin sai lệch về thời tiết, người dân có thể rơi vào hai kịch bản nguy hiểm. Thứ nhất, họ trở nên lơ là, chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng chống cần thiết vì cho rằng khu vực mình sẽ không bị ảnh hưởng.
Thứ hai, người dân có thể hoảng loạn, sơ tán tự phát, tích trữ quá mức, gây xáo trộn đời sống xã hội và cản trở công tác điều hành ứng phó của chính quyền địa phương.
Việc lan truyền thông tin không kiểm chứng còn làm giảm lòng tin của người dân vào hệ thống thông tin chính thống, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả chỉ đạo, điều hành trong thiên tai - vốn đòi hỏi sự thống nhất và kỷ luật cao trong thông tin và hành động.
Ông Vũ Đức Long khuyến cáo người dân chỉ tiếp nhận và chia sẻ thông tin về thời tiết, bão lũ từ các nguồn chính thức như Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các đài khí tượng thủy văn, Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, ủy ban nhân dân và cơ quan phòng chống thiên tai tại địa phương, các đài truyền hình và báo chí chính thống.
Người dân không nên chia sẻ lại những thông tin từ các kênh cá nhân không có chuyên môn, không rõ nguồn gốc, không được xác minh, đặc biệt trong thời điểm thiên tai đang diễn biến phức tạp.
Cần luôn bình tĩnh, tuân thủ hướng dẫn của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng, không hành động theo cảm tính hoặc theo lời khuyên từ các nguồn tin không đáng tin cậy.
"Trong trường hợp có thắc mắc, người dân có thể truy cập trực tiếp trang web hoặc liên hệ với các đơn vị thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia để được tư vấn, hỗ trợ chính xác", ông Long gợi ý.
Tại sao không nên tin vào dự báo thời tiết từ ứng dụng nước ngoài?
Dự báo khí tượng chính xác đòi hỏi ba yếu tố không thể thiếu: dữ liệu quan trắc toàn cầu, hệ thống mô hình tính toán phức tạp và đội ngũ chuyên gia được đào tạo chính quy trong lĩnh vực khí tượng thủy văn.
Các ứng dụng thời tiết nước ngoài thường chỉ cung cấp dữ liệu thô, không được hiệu chỉnh phù hợp với điều kiện địa phương Việt Nam.
Hệ thống dự báo khí tượng thủy văn quốc gia là cơ quan có thẩm quyền duy nhất tại Việt Nam trong việc phát hành bản tin khí tượng cảnh báo chính thức.
Theo ông Vũ Đức Long, thông tin trong thiên tai là yếu tố sống còn, do đó việc nâng cao cảnh giác với tin giả, tin sai lệch và phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc tiếp nhận, kiểm chứng thông tin đúng đắn sẽ góp phần đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận