Tuy nhiên, không phải phiên livestream nào cũng hiệu quả, đạt doanh số khủng. Không ít người bán hàng thậm chí gặp khó với bài toán thuế, phí.
Tổng cục Thuế vừa yêu cầu kiểm tra toàn diện việc kê khai, nộp thuế hoạt động tiếp thị liên kết, livestream bán hàng. Theo nhiều chuyên gia, động thái này là cần thiết nhưng cần siết chặt khâu đăng ký và kê khai thông tin của người bán hàng trên sàn online.
Đủ chiêu trò livestream kéo khách
"Đây là chìa khóa của chiếc ô tô này nhá, anh giao cho em nhá. Chúc mừng em nhá, quá là may mắn", ông Lã Quốc Quyền (vận hành kênh Quyền Leo Daily, cùng vợ Nguyễn Lan Anh) trao quà cho một khách hàng nữ.
Trước đó, kênh này có ra video đăng trên Facebook và TikTok quảng bá về việc tặng ô tô trị giá 400 triệu đồng và 100 máy tính bảng cho khách hàng may mắn, tham gia phiên livestream đầu tháng 6.
Trong giới bán hàng online, Diệp Lê từng khiến nhiều người trầm trồ khi có phiên livestream đạt doanh thu 30 tỉ đồng.
Nhưng vào tháng trước, vợ chồng Quyền Leo Daily gây chú ý khi công bố đạt doanh số 100 tỉ đồng sau 17 tiếng liên tục livestream. Ở phiên bán hàng vào đầu tháng này, vợ chồng này đặt mục tiêu đạt 150 tỉ đồng, kết quả là đạt 80 tỉ đồng sau 40 tiếng liên tục bán hàng online.
Để cạnh tranh "câu" khách, bên cạnh chi số tiền khủng làm video rao thông tin trước, nhiều người còn tới tận nhà máy để thể hiện độ uy tín, thậm chí có những người bán hàng qua livestream thường xuyên la hét để gây chú ý.
Giàu có nhờ bán hàng online, Phạm Thoại trở thành gương mặt nổi bật với các trò lố. Điển hình là các video người này tổ chức đám cưới với vai trò chú rể, rạp cưới bài bản, cô dâu xinh đẹp, bạn bè tới dự... Chiêu trò, la hét, cau có cũng là ấn tượng của nhiều người về các phiên bán hàng của Phạm Thoại.
Quản lý và điều hành Accesstrade - nền tảng tiếp thị liên kết lớn hàng đầu Việt Nam, ông Dũng Bùi dự báo vào năm tới nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam ước đạt 45 tỉ USD, trong đó thương mại điện tử chiếm tới 24 tỉ USD.
Hãng dữ liệu NielsenIQ cũng cho biết trong quý đầu năm 2024 có tới 95% khách hàng trực tuyến mua sản phẩm qua livestream. Việc mua hàng qua các KOC (người tiêu dùng, có sức ảnh hưởng) và KOL (người nổi tiếng) kèm ưu đãi ngày càng phổ biến.
Mua bán online, nhanh nhưng mệt mỏi đủ điều
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Luận - CEO Công ty TNHH liên kết thương mại Toàn Cầu (TP.HCM) - cho rằng so với cách bán hàng truyền thống, bán hàng online giúp tiếp cận khách hàng khá nhanh. Tuy nhiên, để live bán là không dễ.
Cụ thể, để thực hiện một phiên livestream, đơn vị phải đầu tư hàng triệu, thậm chí cả chục triệu đồng, để người bán xuất hiện chỉn chu, trang trí gian hàng bắt mắt. Chưa kể đằng sau người đứng bán còn phải có nhiều nhân sự khác hỗ trợ.
"Ngoài chi phí riêng cho mỗi đợt livestream, gần năm qua, tôi đã phải đầu tư gần 200 triệu đồng cho hoạt động đào tạo nhân viên, trang thiết bị, phòng ốc...", ông Luận nói. Trong khi đó, nhiều khách hàng mua bán cũng chịu thiệt bởi chính sách bảo hành, đổi trả nhiêu khê của nhiều kênh bán.
Tốn hơn 500.000 đồng cho bốn sản phẩm nồi, chảo từ một đơn vị bán hàng livestream trên kênh TikTok, bà Ngô Thị Hồng (quận 12, TP.HCM) cho biết khi mở ra xem mới phát hiện là hàng Trung Quốc và hai cái bị sứt quai, móp méo nên muốn đổi trả. Tuy nhiên, người bán lại không hồi âm hoặc trả lời cho có lệ, không giống như hứa hẹn ban đầu.
"Nhiều nơi giờ nhập hàng Trung Quốc ào ạt, đủ các giá rồi thuê người livestream bán chứ chẳng có công ty, pháp nhân gì cụ thể. Do đó khi hàng hư hỏng hoặc đòi hỏi chính sách bảo hành sẽ gần như không được hoặc có được cũng rất mệt mỏi", bà Hồng nói.
Tương tự, sau nhiều giờ săn khuyến mãi trên một sàn thương mại điện tử, chị Yến Nhi (22 tuổi) cũng chốt được một đôi giày cao gót giá gần 300.000 đồng, giảm hơn 50%.
Tuy nhiên, kết quả nhận về là một đôi giày hở keo. Nhắn tin phản ảnh sự việc, cửa hàng cho phép đổi sang sản phẩm khác nhưng yêu cầu chị phải bù thêm tiền, tức là không được khuyến mãi.
Việc xuất hóa đơn thuế cũng mỗi nơi một kiểu. Chẳng hạn, khi vào một livestream đang giới thiệu quần áo nữ, người bán cho biết chỉ là người làm thuê nên không rành việc có được xuất hóa đơn thuế hay không.
Ở một livestream bán đồ ăn, khi hỏi hóa đơn, người bán hàng nói: "Hông, hông em ơi, hông có nha...".
Bán hàng online gặp khó với thuế, phí?
Ông Lã Quốc Quyền khẳng định việc đóng thuế là nghĩa vụ và gia đình đóng thuế đầy đủ. "Nếu không đóng thuế đầy đủ, cơ quan thuế đã gọi tôi lên từ những phiên live 5 tỉ, 10 tỉ rồi, không đợi phiên live trăm tỉ hoặc lớn hơn nữa anh chị nhá", ông Quyền nói.
Trong khi đó, theo ông Luận, doanh nghiệp này chốt cố định livestream trên nền tảng TikTok Shop 2 phiên/ngày nhưng nhiều khi chỉ để quảng bá thương hiệu vì hiệu quả không cao như mong đợi.
Và để tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn, đơn vị phải đóng tiền cho TikTok. Nếu không bỏ chi phí này thì vẫn livestream được nhưng bị sàn bóp tương tác, doanh số gần như không có.
Chưa kể, khi giao dịch thành công, doanh nghiệp tốn thêm phí sàn khoảng 11,5%, thuế thu nhập doanh nghiệp. "Để livestream hiệu quả, doanh nghiệp tốn nhiều chi phí, thậm chí có phiên livestream gần như không lợi nhuận", ông Luận cho biết.
Trong khi đó, ngoài phí cho sàn và đơn vị vận hành nền tảng để livestream bán hàng, ông Trịnh Minh Quang, chủ một doanh nghiệp đồ gia dụng tại TP.HCM, cho biết đang đóng khoản thuế thu nhập doanh nghiệp khi bán hàng online là 22%.
Tuy nhiên, theo ông Quang, có trường hợp cơ quan thuế ghi nhận doanh thu doanh nghiệp từ sản phẩm được bán theo giá niêm yết trên sàn, nhưng thực tế khi giao hàng, khách hàng trả không đủ tiền như giá niêm yết hoặc "bùng đơn", doanh nghiệp chịu thiệt, chưa kể phí giao hàng đang có xu hướng tăng cũng là một trở ngại.
Tuy nhiên theo bà Nguyễn Bích Ngân, chủ vựa điều B.H (Bình Phước), nhiều cá nhân bán hàng online có doanh thu lớn nhưng không có mã số thuế, không kê khai doanh thu hoặc dùng chiêu trò để doanh thu giảm đi... "Với những trường hợp này, cơ quan thuế phải tăng giám sát, quản lý", bà Ngân nói.
Phải siết khâu đăng ký, kê khai
Nhiều chuyên gia cho rằng kiểm tra toàn diện việc kê khai và nộp thuế của hoạt động tiếp thị liên kết, livestream bán hàng trực tuyến là cần thiết.
Tuy nhiên, việc đăng ký kênh bán hàng online chủ yếu dựa vào số điện thoại nên nhiều cá nhân có thể dùng chiêu đăng ký nhiều kênh khác nhau, gây nhiều khó khăn cho việc giám sát.
Do đó, cần quy trách nhiệm cao hơn cho các sàn trong khâu đăng ký tài khoản để bán hàng online.
"Cơ quan nhà nước phải rà soát, siết chặt khâu đăng ký và kê khai thông tin của người bán hàng trên sàn online, trong đó phải tích hợp đồng nhất tất cả các thông tin cá nhân. Điều này sẽ làm giảm tình trạng đăng ký, khai báo ảo để trốn thuế", một chuyên gia kiến nghị.
Livestream 3 tiếng giá 70-75 triệu đồng, thêm 15% hoa hồng
Là nông dân có nhu cầu bán hạt điều, măng khô và trái cây sấy, ông Nguyễn Văn Biển (Đắk Nông) đã đăng thông tin lên một diễn đàn "cần liên hệ với TikToker để thuê livestream bán hàng" và được nhiều kênh liên lạc nhưng mỗi nơi ra giá một kiểu.
Cụ thể, khi liên hệ quản lý của một TikToker (đang làm cho doanh nghiệp), ông Biển được báo giá livestream bán hàng độc quyền (livestream riêng) trong vòng 3 tiếng là 70 - 75 triệu đồng, thêm 15% hoa hồng/giá trị đơn hàng bán được và 8% thuế VAT nếu đối tác là doanh nghiệp muốn ký hợp đồng, chứng từ rõ ràng. Trường hợp livestream ngắn (khoảng 12 - 15 phút) thì giá 2,5 triệu đồng/sản phẩm.
Cũng theo ông Biển, phía TikToker yêu cầu ông phải tự đăng ký để có kênh trên TikTok Shop mới nhận hợp tác. Các vấn đề liên quan về phí đối với sàn, hay thuế phải đóng cho cơ quan quản lý nhà nước từ hoạt động bán hàng online, người có hàng hóa cần bán tự giải quyết, TikToker không liên quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận