25/03/2020 11:36 GMT+7

Lính Trường Sa và 'những người bạn' 4 chân

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Ra Trường Sa, ở trên hầm hào, khi tuần tra, đi gác, đi tăng gia sản xuất... bất kể lúc nào, ở đâu, chỉ cần có bóng dáng chiến sĩ cũng thấy những chú chó tung tăng chạy theo, hoặc nằm im ngoan ngoãn trên ụ chiến đấu khi chiến sĩ đang huấn luyện.

Lính Trường Sa và những người bạn 4 chân - Ảnh 1.

Chiến sĩ đảo Song Tử Tây chụp ảnh kỷ niệm cùng nàng cún tên Ly và các con của nó trước khi về đất liền - Ảnh: My Lăng

Trên chuyến tàu thay thu quân ở quần đảo Trường Sa, khi tàu cập cầu cảng ở bất cứ đảo nào, không chỉ có các sĩ quan, chiến sĩ ra đón khách mà còn có cả những chủ nhà "đặc biệt" lăng quăng chạy ra đón khách cùng. Đó là những chú chó trên đảo.

Nhớ chăm nó thật kỹ nha

Đến đảo nào cũng thấy những chú chó tung tăng chạy theo chiến sĩ ở khắp nơi. Lần nào rời đảo cũng thấy cả đàn chó quyến luyến chạy theo những chiến sĩ đã gắn bó suốt một năm nay ra tận cầu cảng.

Khi cả đoàn chuẩn bị rời đảo Sinh Tồn Đông, một chiến sĩ trẻ đã bước xuống xuồng, nhìn lên vẫn thấy chú chó con luẩn quẩn không chịu về, anh chàng vội nhảy lên cầu cảng, ôm chú chó nhỏ đưa cho một chiến sĩ, bảo: "Ôm nó vô giùm tui đi. Để đây lỡ nó nhảy xuống biển bơi theo xuồng sóng cuốn tội nó. Nhớ chăm nó thật kỹ nha, không được ăn thịt nha. Nó khôn lắm".

Người chiến sĩ ấy giờ về đất liền sau một năm làm nhiệm vụ ngoài đảo.

Còn chú chó nhỏ đó đã được anh chàng chăm sóc từ ngày mới đẻ ra còn non nớt cho tới ngày bụ bẫm, tinh nghịch. 

Dường như biết được cuộc chia ly không ngày gặp lại, nó buồn bã chạy theo ra tận cầu cảng. Người chiến sĩ đuổi cỡ nào nó cũng nấn ná không chịu về, mũi ươn ướt như muốn khóc, đôi mắt buồn hiu.

Ngồi xuống xuồng, người chiến sĩ cứ nhìn theo người bạn đang ôm chú chó nhỏ đứng trên cầu cảng cho đến khi không thể nhìn thấy rõ nữa...

Chuyện chú chó tên Ly ở đảo Song Tử Tây

"Khi tụi mình lên đảo, con Ly hơn 1 tuổi. Giờ nó hơn 2 tuổi rồi. Nó khôn lắm nên ai cũng thương" - trung sĩ Nguyễn Tường Đạt (Khánh Hòa) kể về chú chó tên Ly mà Đạt chăm bẵm từ ngày mới đặt chân lên đảo Song Tử Tây.

Binh nhất Nguyễn Văn Tuấn (TP.HCM) cho hay: "Tụi mình thương con Ly lắm, cho nó ăn tiêu chuẩn ngon luôn. Ăn cơm còn chừa lại thịt mang về cho nó. Có Sting, sữa Ensure hay bánh ngon cũng cho nó".

Tuấn bảo cả phân đội đi đâu, con Ly cũng lũn cũn theo đó. Cả phân đội đi huấn luyện, nó nằm sau đợi. Chiến sĩ về nó mới về. Đi bắt sâu nó cũng đi cùng. Đi quét hầm hào, nó cũng lẽo đẽo đi theo. Chiến sĩ đi tắm biển, nó cũng bơi chung.

Tối chiến sĩ ngủ đóng cửa, nó ủi từ từ cửa mở ra, chui vào phòng nằm. Sáng 5h nó sủa báo thức gọi chiến sĩ dậy. Ai ngủ quên nó tới tận đầu giường sủa, quào kêu dậy. 

"Không bao giờ nó rời tụi mình một bước, kể cả lúc đi vệ sinh nó cũng nằm ngoài cửa" - binh nhất Nguyễn Văn Tuấn mỉm cười bảo.

Khi con Ly mang bầu, cả phân đội xúm lại chăm. Hồi nó đẻ dưới gầm giường trung sĩ Đạt, anh chàng phát hiện ra ẵm vô kho, trải chiếu cho mẹ con nó nằm. 

Các chiến sĩ trẻ vừa luống cuống vừa hào hứng đỡ đẻ cho con Ly. Cả phân đội để dành loại sữa tốt nhất đảo cho con nó uống nên con nào cũng mập ù.

Trung sĩ Nguyễn Tường Đạt kể: "Trước đi gác chỉ có nó chạy theo, giờ nó dẫn bầy con đi cùng. Đêm tối gì cũng đi. Vậy chớ nó nhát lắm, nghe tiếng súng nổ là núp trong hầm, sợ tè ra. Nghe còi thổi đi ngủ nó rống lên hú".

Gắn bó, chăm bẵm con Ly cả năm trời, những ngày gần về đất liền, nhiều chiến sĩ chụp hình với Ly như chụp ảnh với ngôi sao. Tường Đạt, người chăm bẵm nó nhiều nhất, lại lo lắng sợ nó bị làm thịt mất. 

Anh chàng cẩn thận bàn giao lại nhiệm vụ chăm con Ly cho một chiến sĩ vô sau người Nam Định, dặn nhất định không được bán, không được làm thịt, không được đánh con Ly. Đạt cho hay phải chọn người yêu chó để bàn giao lại mới an tâm.

Tường Đạt cho hay đã xin phép mang con Ly về đất liền nuôi nhưng không được. "Tối trước khi về mình ôm nó, bảo thôi mai anh về, em ở lại khỏe nha. Nó biết hay sao ấy, cứ quấn quýt bên cạnh thấy tội lắm" - Đạt kể.

Sáng hôm đó khi Tường Đạt và đồng đội xuống tàu chuẩn bị về bờ, con Ly chạy theo ra tận cầu cảng. Nghe các chiến sĩ gọi tên, nó mừng rỡ ngoắc đuôi nhưng không thấy vì họ ở trên cao, nó dưới thấp.

Khi chiếc tàu hú còi rời cảng, con Ly cố gắng chạy đuổi theo. Nó chạy men theo bờ kè âu tàu, vừa chạy vừa nhìn theo sủa gọi. 

Nhóm chiến sĩ hét lên trong tiếng gió, trong tiếng sóng: Ly, về đi! Sợ con Ly nhảy xuống biển bơi theo tàu, một chiến sĩ trên đảo lật đật đuổi theo một đoạn đường dài ẵm nó về. Các chiến sĩ lặng người nhìn theo. Có người quay mặt đi, không nỡ nhìn...

Những "đứa em" đặc biệt

Đang đứng gần khu nhà ở chiến sĩ phân đội 1 đảo Sơn Ca, tôi nghe tiếng một chiến sĩ nói: "Chiều nay anh ra tàu rồi, tụi em ở lại khỏe nha". Tưởng ai đó nói chuyện với đồng đội ở lại, tôi quay ra nhìn thì thấy một chiến sĩ đang ôm hai con chó nhỏ.

Hỏi ra mới hay chiến sĩ ấy tên Phạm Hoàng Phúc, 20 tuổi, người Khánh Hòa. Phúc đang ôm tạm biệt hai chú chó mà cậu cưng nhất. Đó là Quýt (màu đen) và Gan Da (màu trắng cà phê sữa).

"Mình nuôi Quýt và Gan Da từ lúc nó mới đẻ ra. Gan Da không biết sợ, mặt lì lợm nhưng hiền, trung thành lắm. Quýt không nghịch ngợm nhiều, không lì nhưng lại hung, nhỏ xíu à mà không có con nào dám đụng nó" - Hoàng Phúc nói.

Ngoài Quýt và Gan Da, ở phân đội của Phúc còn nuôi Xù em, Xù anh, Heo, Bò, Tun, Gấu... "Chó trên đảo nên hay lắm, cũng kỷ luật sinh hoạt như bộ đội. Tới giờ ăn gõ xoong là cả bầy chạy ra. Mỗi khi đi gác, bọn nó ngồi im canh cùng mình.

Có lúc tụi nó loanh quanh bên cạnh giỡn nhau. Có bọn nó tụi mình cũng thấy an tâm hơn vì bọn nó thính lắm, phát hiện người lạ trước cả mình nữa" - Hoàng Phúc nói.

​Vẽ chân dung người lính Trường Sa ​Vẽ chân dung người lính Trường Sa

TT - Không chỉ mang đến cho những người lính đang gìn giữ biển đảo của Tổ quốc tình cảm nồng ấm từ đất liền, các họa sĩ còn hào hứng vẽ thật nhiều chân dung người lính trên đảo.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên