Hôm đó ông Mohammed Kinani - cha cậu bé - lái chiếc SUV đến chở gia đình em gái đi công việc. Em gái ông ngồi ở ghế trước. Cậu bé Ali ngồi ở ghế sau cùng hai người em họ.
Bắn dân thường rồi được ân xá
Bốn xe bọc thép hộ tống đoàn xe của Đại sứ quán Mỹ chạy vào vòng xoay sai hướng. Đội bảo vệ thuộc Công ty an ninh tư nhân Blackwater (Mỹ) cầm súng đi trên xe giơ tay ra hiệu chặn các xe khác lại.
Đột nhiên đội bảo vệ Blackwater nã đạn như mưa. Xe bọc thép bắn vào xe phía trước ông Mohammed Kinani rồi bắn vào xe ông.
Người đàn ông lái xe cạnh ông mở cửa xe bỏ chạy nhưng đã bị đạn súng máy quật chết tại chỗ. Cảnh sát giao thông Iraq cố ra hiệu không có mối đe dọa nào nhưng rồi cũng phải chạy tìm chỗ ẩn nấp. Vụ nổ súng kết thúc đột ngột như khi bắt đầu. Bốn xe bọc thép bỏ đi.
Hôm sau, vụ thảm sát dân thường Iraq tại quảng trường Nisour đã lên trang nhất các báo và đã gây phẫn nộ toàn thế giới. Kết quả điều tra của FBI xác định 17 người chết và 20 người bị thương.
Trong số đó cậu bé Ali Kinani là nạn nhân nhỏ tuổi nhất. Theo hợp đồng giữa Công ty Blackwater với Bộ Ngoại giao Mỹ, công ty và các nhân viên được hưởng quyền miễn trừ truy tố hình sự và dân sự tại Iraq. Vì vậy các nạn nhân Iraq đã kiện ra tòa án Mỹ.
Hàng chục nhân chứng được triệu tập đến Mỹ làm chứng. Đây là vụ điều tra tội phạm toàn diện và tốn kém nhất của FBI kể từ ngày nước Mỹ bị tấn công khủng bố 11-9-2001.
Sau một thời gian dài điều tra với nhiều tình tiết éo le, vào tháng 6-2014 tòa án Mỹ mở phiên tòa xét xử bốn cựu nhân viên bảo vệ Blackwater. Các bị cáo đều nhận tội đã bắn súng máy và ném lựu đạn tại vòng xoay quảng trường Nisour.
Đến năm 2019, Nicholas Slatten bị kết án tù chung thân về tội giết một người dân Iraq. Paul Slough, Evan Liberty và Dustin Heard bị kết án lần lượt 15 năm, 14 năm và 12 năm rưỡi tù vì giết chết 13 người.
Bồi thẩm đoàn khẳng định Slatten đã nuôi dưỡng ý định giết người vì đã nói với người thân "muốn giết càng nhiều người Iraq càng tốt để trả thù vụ 11-9-2001".
Lời khai nhân chứng xác nhận Slatten đã nói: "Mạng sống của mấy người này không có giá trị gì hết, thậm chí họ không phải là con người mà là súc vật".
Cuối cùng công luận lại phẫn nộ thêm lần nữa khi Tổng thống Donald Trump quyết định ân xá cho bốn người vào cuối năm 2020 với lý do "họ là cựu quân nhân đã có quá trình phục vụ đất nước lâu dài".
Blackwater là ví dụ tiêu biểu về hành vi không bị trừng phạt của các công ty quân sự và an ninh tư nhân.
Để khỏi bị "chiếu tướng" trên đường làm ăn, Blackwater đã nhiều lần đổi tên và sáp nhập thành Xe Services LLC (năm 2009), Academi (năm 2011) và Constellis (năm 2014). Constellis với 14.000 nhân viên hoạt động tại hơn 50 quốc gia, doanh thu hằng năm đạt 1,3 tỉ USD, sở hữu 14 máy bay trực thăng Bell 412 và 28 máy bay trong kho.
Trong báo cáo "Các nhà thầu quân sự tư nhân trong khu vực xung đột" đăng trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu TRT World (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi tháng 1-2023, TS Cagdas Yuksel nhận định pháp luật hiện hành không đủ khả năng kiểm soát hoạt động của các công ty quân sự tư nhân trong xung đột.
Các vụ tai tiếng như Blackwater không hiếm xảy ra nhưng các công ty quân sự tư nhân vẫn bình chân như vại. Sau khi Afghanistan và Iraq cấm các công ty quân sự tư nhân, nhiều công ty chỉ đơn giản đổi tên thành "công ty quản lý rủi ro" rồi lại tiếp tục hoạt động như cũ.
Luật pháp quốc tế chưa thể kiểm soát lính đánh thuê
Cách đây 34 năm, vào ngày 4-12-1989, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Công ước quốc tế về chống tuyển mộ, sử dụng, tài trợ và huấn luyện lính đánh thuê.
Công ước có hiệu lực từ ngày 20-10-2001 đã hình sự hóa việc sử dụng lính đánh thuê, tuy nhiên công ước hầu như không được áp dụng trên thực tế.
Đến nay chỉ 46 quốc gia phê chuẩn công ước. Không có quốc gia nào thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tham gia công ước. Trong các nước NATO chỉ có sáu nước tham gia.
Từ hơn hai thập niên qua, với vai trò tiên phong của Nam Phi, Liên Hiệp Quốc đã nỗ lực xây dựng một công cụ pháp lý quốc tế nhằm điều chỉnh hoạt động của các công ty quân sự và an ninh tư nhân. Song công việc chỉ mới khởi đầu vào năm 2017.
Tại phiên họp thứ ba ở Genève vào cuối tháng 4-2022, nhóm công tác liên chính phủ phụ trách hồ sơ lính đánh thuê mới thảo luận chủ đề công cụ pháp lý quốc tế điều chỉnh hoạt động của các công ty quân sự và an ninh tư nhân sẽ mang tính chất tự nguyện hay ràng buộc về pháp lý.
Hầu hết các quốc gia nam bán cầu tham gia thảo luận như Nam Phi, Pakistan, Venezuela kêu gọi một thỏa thuận ràng buộc về pháp lý.
Một số quốc gia có sử dụng lính đánh thuê như các nước Liên minh châu Âu (EU) hay Nga lại muốn công cụ này mang tính chất tự nguyện. Trong khi đó, Mỹ không tham gia thảo luận. Đến nay chưa có quyết định chính thức nào được công bố.
Liên minh châu Phi đã thông qua Công ước về xóa bỏ lính đánh thuê ở châu Phi vào ngày 3-7-1977 (có hiệu lực ngày 22-4-1985) nhưng đến nay cũng "bó tay" chưa thể loại trừ được lính đánh thuê.
Lý do: Các quốc gia sử dụng lính đánh thuê đều là các nước mạnh như Mỹ, EU, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga.
Người chịu mọi thiệt thòi chắc chắn là lính đánh thuê. Công ước Genève (III) năm 1949 và nghị định thư bổ sung (I) năm 1977 quy định người tham gia quân đội của một trong các bên tham chiến sẽ được hưởng quy chế "quân nhân".
Nếu bị đối phương bắt giữ, quân nhân sẽ được hưởng quy chế tù binh chiến tranh. Lính đánh thuê lăn xả vào làn tên mũi đạn để kiếm đồng tiền nhưng lại không được hưởng các quyền như quân nhân.
Trong tác phẩm Các chiến binh nước ngoài theo luật pháp quốc tế và hơn thế nữa, TS công pháp quốc tế Robert Heinsch, ở Đại học Leiden (Hà Lan), giải thích do lính đánh thuê không hội đủ tư cách quân nhân, vì vậy có thể bị đưa ra xét xử như người phạm tội thông thường cho dù thực hiện hành vi hợp pháp trong xung đột.
Họ có thể bị truy tố về tội tham gia xung đột và bị kết tội giết người nếu đã bắn giết đối phương hoặc tội hủy hoại tài sản nếu đã phá hủy các mục tiêu quân sự.
Trong khi đó, thị trường lính đánh thuê tiếp tục bùng nổ toàn cầu với giá trị bao nhiêu thì vẫn còn là điều bí ẩn vì không có số liệu thống kê chính thức.
Theo dịch vụ phân tích dữ liệu Vantage Market Research, 242 tỉ USD đã được đầu tư vào lĩnh vực này vào năm 2021. Nếu bao gồm các hoạt động quân sự, dự báo mức tăng trưởng hằng năm sẽ đạt đến 7,2% vào năm 2028.
Trung tâm Phân tích Visiongain (Anh) ước tính thị trường toàn cầu của các công ty quân sự và an ninh tư nhân trị giá hơn 210 tỉ USD và có thể đạt đến 420 tỉ USD vào năm 2029.
Một số quốc gia đã hình sự hóa hành vi lính đánh thuê. Tại Pháp, lính đánh thuê phải chịu mức án năm năm tù và bị phạt tiền đến 75.000 euro. Bỉ ấn định mức án từ ba tháng đến hai năm tù. Nga trừng phạt lính đánh thuê theo khoản vi phạm "các tội ác chống hòa bình và an ninh nhân loại" được ghi trong Bộ luật Hình sự với mức án tù từ 3-7 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận