Vừa trở về sau đợt vô hóa chất nhưng thầy Sáu vẫn đến trường. Thầy cho đó là liều thuốc quý nhất để vượt qua mọi mệt mỏi - Ảnh: T.Trang |
Tâm niệm của thầy là mỗi ngày được nhìn thấy học trò trưởng thành, là liều thuốc quý trên đời dành cho thầy.
Nhắc đến thầy Lư Văn Sáu, hiệu trưởng Trường THCS Thới An Đông (P.Thới An Đông, Q.Bình Thủy, TP Cần Thơ), nhiều thế hệ thầy cô, học trò đã kể về thầy như thế.
Mưa dầm thấm lâu, tôi chấp nhận bỏ một tháng, một học kỳ, thậm chí một năm để thay đổi một học sinh cá biệt. Nếu chỉ mới một hai bữa mà học sinh ngoan liền thì chỉ là thành tích báo cáo |
Thầy LƯU VĂN SÁU |
“Tôi yêu đời, đời sẽ yêu tôi”
Đến gặp thầy Sáu ở trường, nhìn vẻ hoạt bát, nhanh nhẹn của thầy, không ai nghĩ thầy đang mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác. Tóc đã rụng hết, nhưng thầy vẫn vui vẻ hồn nhiên không hề che giấu bệnh.
“Ngày biết tin mình mắc bệnh hiểm nghèo, tôi như người rơi xuống vực thẳm, từng có suy nghĩ rồ dại, muốn buông xuôi tất cả để tìm đến cái chết” - thầy Sáu kể về giai đoạn khủng hoảng nhất đời mình hơn một năm trước.
Thầy Sáu đã bỏ bệnh viện về trường với ý định nhìn lại ngôi trường gắn bó với mình hơn 30 năm lần cuối. Nhưng chính hình ảnh thầy cô, học sinh thân thương, những gốc cây, nhành lan thầy tự tay vun trồng đã níu chân thầy lại. Mọi người gặp thầy đều vui vẻ, âm thầm nhắn những dòng tin ngắn gọn cho thầy: “Cố lên”, “Biến cái không thể thành có thể”, “Sẽ sát cánh cùng thầy”...
“Như có nhiều bàn tay đang đẩy tôi đến phía trước, tôi ngộ ra rằng cuộc sống này vẫn đẹp biết bao. Tôi yêu đời, đời sẽ yêu tôi” - thầy Sáu nói, và ý nghĩ hạn hẹp về cuộc sống của thầy cũng dập tắt từ đó.
Mỗi tháng thầy Sáu đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vô hóa chất ba ngày, về đến nhà là thầy lại đến trường tiếp tục công việc. Gia đình, thầy cô khuyên thầy nên nghỉ ngơi lấy lại sức nhưng thầy đều xua tay “không sao mà”. “Được đến trường làm việc, tôi như được tiêm thêm liều thuốc bổ, năng lượng vẫn luôn tràn trề - vừa nói thầy Sáu vừa đưa đôi bàn tay ra khoe hóm hỉnh - Cô thấy ai vô hóa chất mà da đẹp hồng hào như tôi không?”.
Cô Võ Thị Kim Thoa, phó hiệu trưởng Trường THCS Thới An Đông, kể lúc đầu biết thầy mắc bệnh ai cũng đau lòng, cố tỏ ra phấn chấn để thầy an tâm, nhưng chính thầy lại là người trấn an tinh thần mọi người. “Từ ngày mắc bệnh, thầy chưa nghỉ phép ngày nào theo đề nghị của bác sĩ. Thầy lúc nào cũng tươi rói, làm việc hăng say, mọi người như bị hút theo sự năng nổ của thầy” - cô Thoa nói.
Bám nghề đến giây phút cuối
“30 năm ở ngôi trường này, từ lúc những lớp học chỉ là vách tre lá dựng tạm bên bờ sông, đến nay đã được 16 phòng học kiên cố. Ngôi trường là một phần cuộc sống của tôi rồi, sao bỏ cho đành!” - vừa kể, thầy Sáu vừa dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh trường.
Một nhóm học sinh đang đùa giỡn ở sân, thấy có người lạ đi ngang qua các em dừng hẳn cuộc vui, đứng chào hết sức nghiêm túc. Không chỉ thấy người lạ, mà khi thấy thầy cô đi ngang các em cũng cúi đầu chào, rồi các thầy cô gặp nhau ở sân trường cũng chào nhau như thế. Thấy chúng tôi hơi ngạc nhiên, thầy Sáu giải thích đó là thông lệ từ nhiều năm rồi. “Ban giám hiệu chúng tôi ưu tiên học lễ trước. Điều đầu tiên là phải biết kính nhường” - thầy Sáu nói.
Thầy Sáu còn cam đoan với chúng tôi bây giờ đến bất kỳ tụ điểm game nào cũng khó tìm được học sinh của trường. Thầy nói cũng không tài cán gì mà một ngày một bữa uốn nắn được lứa học trò ngoan như bây giờ.
Thầy Sáu chậm rãi: “Lạt mềm buộc chặt thôi. Quan điểm của chúng tôi là không la rầy học trò, mà phải giải thích cặn kẽ thiệt hơn việc các em đang làm. Đặc biệt không bao giờ rầy la các em trước đám đông”. Gần 10 năm nay, giờ chào cờ hằng tuần ở trường cũng bỏ hẳn việc nêu tên và phạt học sinh dưới cờ. Bất kỳ học sinh nào sai phạm thì đích thân thầy hiệu trưởng sẽ khuyên nhủ riêng, gặp riêng em đó ở nhiều nơi bất kỳ, chỉ thầy và học sinh ấy biết.
Sau hơn một năm điều trị, thầy Sáu vui vẻ khoe bệnh tình của mình thuyên giảm rõ rệt, bác sĩ cho biết khối u đã giảm. “Tôi tin cuộc sống này luôn có kỳ tích. Và tôi sẽ là người làm nên kỳ tích ấy bằng sự lạc quan của mình. Mục tiêu của tôi là sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ xã hội, gia đình đến khi nghỉ hưu” - thầy tự tin nói.
Thầy cũng tự nhận nghiệp trồng người đã vận vào thân thì khó dứt ra được. Nhiều bạn bè cùng thế hệ thầy Sáu đã chuyển nghề từ lâu nhưng đối với thầy, hạnh phúc đơn giản là khi được thấy nhiều thế hệ học trò trưởng thành nên người. Dẫu những năm tháng khó khăn nhất chỉ ăn khoai trừ cơm hay đang đứng giữa dông bão cuộc đời, thầy cũng không từ bỏ nghề giáo.
“Để phần đó cho tụi nhỏ!” Cô Thoa kể thêm: lúc thầy Sáu bị rụng hết tóc, mọi người đều tránh nhìn trực diện thầy vì sợ thầy buồn, mặc cảm. Ngay cả giáo viên chủ nhiệm các lớp cũng dặn dò học sinh không được cười giỡn trước mặt thầy. Đến buổi chào cờ đầu tuần, mọi người hết sức ngạc nhiên thấy thầy xin được phát biểu trong năm phút và đầu để trần. Thầy đã trình bày thẳng với toàn thể nhà trường về bệnh tình của mình, cũng là để thầy cô và học sinh trở thành động lực cho thầy bước tiếp. “Thầy rất yêu quý các em, các bạn đồng nghiệp, cho nên mọi người vẫn cứ tự nhiên mà yêu thương thầy, đừng ngại ngần khi thấy thầy không còn tóc nữa” - cô Thoa xúc động nhớ lại lời của thầy. Gia đình thầy Sáu cũng không mấy dư dả, chỉ có thầy là lao động chính trong nhà. Khi thầy bệnh, phòng giáo dục, nhà trường và cựu học sinh đã quyên góp được một khoản không nhỏ để thầy đi chữa bệnh nhưng thầy từ chối: “Để phần đó cho tụi nhỏ và thầy cô nghèo. Khả năng tôi còn cầm cự nổi, lý gì lại lấy tiền của học trò”. Số tiền ấy chính tay thầy trao lại cho các học sinh cũng mắc bệnh giống thầy. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận