08/07/2019 16:50 GMT+7

Liệu pháp miễn dịch ung thư

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

Liệu pháp miễn dịch là một phương pháp điều trị ung thư giúp làm tăng khả năng chiến đấu với các tế bào ung thư của chính hệ miễn dịch của cơ thể.

Liệu pháp miễn dịch ung thư - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: lifedaily.com/

Liệu pháp miễn dịch là một phương pháp điều trị ung thư giúp làm tăng khả năng chiến đấu với các tế bào ung thư của chính hệ miễn dịch của cơ thể. Hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây viêm nhiễm cũng như các loại bệnh khác, bao gồm các tế bào bạch cầu, cơ quan và các mô của hệ bạch huyết.

Liệu pháp miễn dịch là một dạng liệu pháp sinh học, sử dụng những chất được tạo ra từ vật sống để điều trị ung thư.

Các loại liệu pháp miễn dịch

Có một vài liệu pháp miễn dịch được sử dụng để điều trị ung thư. Liệu pháp điều trị này có thể giúp hệ miễn dịch tấn công trực tiếp các tế bào ung thư hoặc kích thích hệ miễn dịch theo một cách khác.

Những liệu pháp miễn dịch giúp các tế bào miễn dịch tấn công trực tiếp các tế bào ung thư bao gồm:

- Liệu pháp ức chế kiểm soát miễn dịch (Checkpoint inhibitors): Là liệu pháp giúp hệ miễn dịch phản ứng lại mạnh mẽ hơn với tế bào ung thư. Cơ chế hoạt động của liệu pháp chính là giải phóng các "chốt" đang giữ không cho các tế bào T (một loại tế bào bạch cầu và là một phần của hệ miễn dịch) tiêu diệt các tế bào ung thư. Liệu pháp này không nhắm trực tiếp vào các tế bào ung thư mà can thiệp vào khả năng tránh né các đợt tấn công từ hệ miễn dịch của các tế bào ung thư.

- Liệu pháp tế bào chuyển giao nuôi (Adoptive cell transfer – ACT): Liệu pháp này nhắm đến tăng cường khả năng tấn công tự nhiên của tế bào T chống lại các tế bào ung thư. Trong liệu pháp này, các tế bào T sẽ được lấy ra từ khối u và nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Các tế bào T này chính là các tế bào có hoạt động chống lại khối u đó mạnh nhất. Quá trình nuôi cấy tế bào T trong phòng thí nghiệm có thể từ 2-8 tuần. Trong thời gian này, người bệnh có thể sẽ được điều trị với hóa trị hoặc xạ trị. Sau đó, các tế bào T được nuôi cấy sẽ được truyền lại vào cơ thể bệnh nhân qua đường truyền tĩnh mạch. Liệu pháp tế bào CAR-T chính là một dạng ACT.

- Sử dụng các kháng thể đơn dòng (Monoclonal antibody): Hay còn được gọi là kháng thể trị liệu. Chúng là các protein của hệ miễn dịch được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Những kháng thể này được thiết kế để gắn với một mục tiêu nhất định trên các tế bào ung thư. Một vài loại kháng thể đơn dòng có chức năng đánh dấu các tế bào ung thư để chúng bị phát hiện và tiêu diệt bởi hệ miễn dịch. Loại kháng thể này được coi là một dạng liệu pháp miễn dịch. Các loại kháng thể đơn dòng khác được sử dụng trong điều trị không gây ra phản ứng miễn dịch. Những kháng thể đó được xếp vào dạng liệu pháp điều trị đích thay vì liệu pháp miễn dịch.

- Các loại văcxin điều trị: Các loại văcxin điều trị hoạt động chống lại ung thư bằng cách tăng cường phản ứng của hệ miễn dịch với các tế bào ung thư. Văcxin điều trị cũng không giống với các loại văcxin giúp phòng ngừa bệnh dịch.

Những liệu pháp miễn dịch giúp tăng cường phản ứng của hệ miễn dịch chống lại ung thư gồm có:

- Cytokines: Cytokine là những protein được tạo ra bởi các tế bào trong cơ thể. Chúng đóng vai trò quan trọng trong phản ứng miễn dịch bình thường của cơ thể cũng như trong khả năng phản ứng với ung thư. 2 loại cytokines chính được sử dụng trong điều trị ung thư là các interferon và interleukin.

- BCG (Bacillus Calmette-Guérin): Là liệu pháp miễn dịch sử dụng để điều trị ung thư bàng quang. Nó là một thể đã bị làm suy yếu của vi khuẩn gây bệnh lao. Khi được đưa trực tiếp vào bàng quang thông qua một đường ống, BCG gây ra một phản ứng miễn dịch chống lại các tế bào ung thư. Liệu pháp này hiện cũng đang được nghiên cứu trên các loại ung thư khác.

Liệu pháp miễn dịch chống lại ung thư như thế nào?

Một trong những lý do mà các tế bào ung thư có thể phát triển mạnh mẽ là do chúng có khả năng "tàng hình" khỏi sự kiểm soát của hệ miễn dịch. Do đó, một vài liệu pháp miễn dịch có khả năng đánh dấu các tế bào ung thư, giúp hệ miễn dịch có thể phát hiện chúng một cách dễ dàng và tiêu diệt hiệu quả hơn. Các liệu pháp miễn dịch khác lại có khả năng tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch.

Những ai có thể sử dụng liệu pháp miễn dịch?

Liệu pháp miễn dịch hiện nay vẫn chưa được sử dụng phổ biến như phẫu thuật hay hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, liệu pháp miễn dịch đã được chấp thuận cho việc điều trị một số loại ung thư. Nhiều loại liệu pháp miễn dịch khác cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Nếu bạn hoặc người quen của bạn đang bị ung thư, hãy hỏi các bác sĩ và chuyên gia đang điều trị cho bạn hoặc người bạn quen nếu liệu pháp miễn dịch có thể là một lựa chọn để điều trị cho loại bệnh ung thư của bạn.

Các phản ứng phụ của liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch cũng có thể gây ra các phản ứng phụ, có ảnh hưởng khác nhau ở những người khác nhau. Các phản ứng phụ mà bạn gặp phải và hiệu quả điều trị phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn trước khi điều trị, loại ung thư, giai đoạn của bệnh, loại liệu pháp và liều điều trị. Các bác sĩ và điều dưỡng cũng không thể biết chắc chắn được bạn sẽ gặp phải loại phản ứng phụ nào.

Phản ứng phụ phổ biến nhất là những phản ứng trên da quanh vị trí tiêm, bao gồm:

- Đau nhức;

- Sưng;

- Đau khi chạm phải;

- Đỏ;

- Ngứa;

- Mẩn.

Bạn cũng có thể gặp những triệu chứng giống với cúm, bao gồm:

- Sốt;

- Rét;

- Yếu;

- Chóng mặt;

- Buồn nôn hoặc nôn mửa;

- Đau cơ hoặc khớp;

- Mệt mỏi rã rời;

- Đau đầu;

- Khó thở;

- Huyết áp cao hoặc thấp.

Các phản ứng phụ khác bao gồm:

- Tăng cân do cơ thể bị giữ nước;

- Trống ngực;

- Tắc nghẽn xoang;

- Tiêu chảy;

- Nguy cơ nhiễm khuẩn.

Liệu pháp miễn dịch cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Tuy nhiên những trường hợp này khá hiếm.

Liệu pháp miễn dịch được sử dụng như thế nào?

Các loại liệu pháp miễn dịch khác nhau được sử dụng theo những cách khác nhau, bao gồm:

- Truyền tĩnh mạch: Thuốc sẽ được truyền trực tiếp vào cơ thể qua tĩnh mạch.

- Qua đường uống: Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén hoặc viên nang để uống.

- Thuốc bôi: Thuốc được điều chế dưới dạng kem bôi lên da. Dạng thuốc này có thể được sử dụng cho ung thư da giai đoạn sớm.

- Qua bàng quang: Thuốc được đưa trực tiếp vào bàng quang.

Mức độ thường xuyên bạn cần sử dụng liệu pháp

Việc bạn phải sử dụng liệu pháp trong bao lâu và với mức độ thường xuyên như thế nào phụ thuộc vào:

- Loại ung thư và giai đoạn của bệnh;

- Loại liệu pháp miễn dịch;

- Cách cơ thể phản ứng lại với điều trị.

Bạn có thể phải dùng thuốc mỗi ngày, mỗi tuần hoặc mỗi tháng. Một vài loại thuốc sẽ được sử dụng theo chu kỳ. Một chu kỳ là một giai đoạn sử dụng thuốc, theo sau là một giai đoạn nghỉ. Giai đoạn nghỉ là giai đoạn để cơ thể có khả năng phục hồi, đáp ứng thuốc và tạo các tế bào mới khỏe mạnh.

Làm cách nào để biết rằng liệu pháp điều trị đang có tác dụng?

Trong quá trình điều trị, bạn sẽ phải gặp bác sĩ thường xuyên. Bác sĩ sẽ làm các kiểm tra sức khỏe và hỏi han cảm giác của bạn. Bác sĩ cũng sẽ làm các xét nghiệm như xét nghiệm máu và các chẩn đoán hình ảnh. Các phương pháp này sẽ giúp đo kích thước của khối u và phát hiện những thay đổi trong máu.

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên