04/06/2023 09:40 GMT+7

Liệu chúng ta có đang phát cuồng vì những kẻ sát nhân?

Điện ảnh đang đón một làn sóng bạo lực mới, liệu chúng ta có đang "phát cuồng" vì những kẻ sát nhân?

Loạt phim Somebody của Hàn Quốc cũng khai thác đề tài sát nhân nhưng với phiên bản nhẹ nhàng, tình cảm - Ảnh: IMDb

Loạt phim Somebody của Hàn Quốc cũng khai thác đề tài sát nhân nhưng với phiên bản nhẹ nhàng, tình cảm - Ảnh: IMDb

Một hộp quà màu đỏ được đặt ngay giữa công viên trung tâm thành phố, bên trong đựng một bàn tay phụ nữ đã bị chặt đứt.

Bàn tay rất sạch, vết cắt gọn ghẽ, móng được sơn màu lựu đỏ khiêu khích. Chiếc hộp trên chỉ là lời chào mở đầu cho hàng loạt cái chết thảm khốc của những người phụ nữ trẻ dưới bàn tay đạo diễn của tên sát nhân biến thái.

Copycat Killer, loạt phim vừa ra mắt và thu hút đông đảo lượt xem, đã kéo dài thêm danh sách phim về chủ đề sát nhân hàng loạt được phát sóng trong thời gian vừa qua, đồng thời đánh dấu sự trở lại của Đài Loan trong nền điện ảnh giải trí của thế giới.

"Vàng máu" của các nền điện ảnh

Có chủ đích, Copycat Killer cũng như nhiều bộ phim sát nhân khác đang kích thích công chúng bằng sự chết chóc. Bản thân cái chết không có gì đáng nói, nhưng những màn trình diễn trước và sau khi chết mới thực sự khiến cảm xúc lẫn tâm trí của chúng ta bị khuấy động.

Giới làm phim đã tận dụng thủ pháp tâm lý này để kéo dài những trải nghiệm ám ảnh người xem.

Không chỉ Đài Loan tìm được tiếng nói của mình nhờ những bộ phim tương tự. Năm vừa rồi Ấn Độ đã cho ra mắt phim tài liệu Indian Predator: The Diary of a Serial Killer để tìm hiểu suy nghĩ của tên tội phạm ăn thịt người Ram Niranjan.

Hay Hàn Quốc những năm qua cũng triệt để khai thác hình ảnh kẻ sát nhân trong The Raincoat Killer, Somebody...

Có thứ gì đó của bạo lực đã mang tên tuổi của các tác phẩm trên vượt ra khỏi biên giới quốc gia, tạo nên sức hút đối với công chúng quốc tế.

Như để kích hoạt một phần bản năng của con người, các nhà sản xuất đã không ngần ngại tái hiện lẫn sáng tạo những kẻ thủ ác trên màn ảnh.

Monster: The Jeffrey Dahmer Story - loạt phim được ra mắt năm ngoái đã ngay lập tức nhận được con số kỷ lục 1 tỉ giờ xem trong vòng 60 ngày. Phim dựa trên tiểu sử của tên giết người hàng loạt có thực Jeffrey Dahmer, kẻ đã chặt xác và ăn thịt 17 nạn nhân nam trong vòng hơn chục năm mới bị bắt.

Trên dưới đã có 10 bộ phim về nhân vật này. Tương tự kẻ giết người mang gương mặt hào hoa Ted Bundy, câu chuyện cuộc đời của Jeffrey Dahmer đã được tích hợp vào nền văn hóa đại chúng thành công đến mức vẫn khiến người xem phát cuồng mỗi khi tái xuất.

Trong số những phim sát nhân nổi tiếng gần đây hẳn phải kể đến cái tên Mindhunter. David Fincher, đạo diễn của loạt phim, cũng là người tạo nên thành công của Seven - một tác phẩm kinh điển về chủ đề này.

Mindhunter theo chân hai thanh tra FBI là Holden Ford và Bill Tench bước vào những cuộc phỏng vấn với một số sát nhân hàng loạt nổi tiếng để tìm hiểu động cơ tâm lý đằng sau hành động man rợ của chúng.

Kỹ thuật làm phim thượng thặng của David Fincher kết hợp với kỹ thuật giết người của mỗi tên tội phạm đã đưa khán giả đi từ sự kinh khiếp này đến nỗi ám ảnh khác.

Sự đón nhận (trong sợ hãi xen lẫn phấn khích) của công chúng càng khiến những bộ phim sát nhân thành công và trở thành miếng bánh béo ngậy khó lòng bỏ qua của giới sản xuất.

Ngay trong cuối năm nay, David Fincher sẽ giới thiệu đến người xem bộ phim The Killer và nhiều tác phẩm khác tương tự cũng đang chuẩn bị lên sóng trên khắp thế giới.

Copycat Killer đã lấy lại “tiếng nói” cho điện ảnh Đài Loan trong những năm gần đây - Ảnh: IMDb

Copycat Killer đã lấy lại “tiếng nói” cho điện ảnh Đài Loan trong những năm gần đây - Ảnh: IMDb

Sát nhân ảo, thế giới thực

Không phải sát nhân nào trên màn ảnh đều tồn tại ngoài đời, thực tế hầu hết chúng đều là sản phẩm tưởng tượng của các nhà làm phim. Ngay cả các thủ thuật giết người và trình diễn xác nạn nhân cũng được sáng tạo, phóng đại nhằm tạo hiệu ứng bất ngờ cho khán giả.

Tuy nhiên, không hẳn những tác phẩm hư cấu này hoàn toàn không có mối liên hệ với đời thực.

Năm 2020, một nghiên cứu của Ebony Jennings cho thấy việc thưởng thức những bộ phim sát nhân hàng loạt có thể tác động đến cái nhìn chủ quan của chúng ta đối với tội phạm.

Theo đó, những người thích xem phim về chủ đề này tin rằng nạn nhân của tội phạm giết người hàng loạt thường là những người dễ bị tổn thương, người già, người vô gia cư. Bên cạnh đó, họ cũng mặc định khuôn mẫu của kẻ sát nhân là những kẻ thông minh, lôi cuốn và bị ruồng bỏ.

Hai nhận định thiên kiến này đều sai lệch so với dữ liệu thực tế về tội phạm hình sự. Tác giả nghiên cứu Ebony Jennings cũng đưa ra cảnh báo rằng cái nhìn chủ quan trên có thể tạo nên hiệu ứng CSI.

Hiệu ứng CSI (Crime Scene Investigation) là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả tác động của các chương trình truyền hình liên quan đến điều tra tội phạm lên công chúng.

Ở một số quốc gia có cơ chế bồi thẩm đoàn như Hoa Kỳ, Anh, Canada, Úc..., những sai lệch từ phim ảnh có thể tác động lên góc nhìn của công dân trong bồi thẩm đoàn và từ đó tạo nên các phán quyết thiếu chính xác.

Tuy vậy, vẫn có nhiều điểm tích cực ở phim sát nhân. Việc đi sâu vào khai thác quá khứ đen tối, tuổi thơ bất hạnh, hoàn cảnh gia đình của tội phạm có thể giúp người xem nhận thức rõ hơn về những bất ổn xã hội đã cấu thành tâm lý lệch lạc của kẻ thủ ác.

Vì vậy, chúng khơi dậy ở khán giả quyết tâm chấm dứt những căn bệnh xã hội như bạo lực gia đình, tội ác học đường đã gieo rắc mầm ác nơi trẻ em và đeo bám chúng trên con đường trưởng thành - khi đã cầm chắc được trong tay chiếc búa, con dao để gây nên tội ác.

Mindhunter  xứng đáng là tượng đài trong dòng phim về sát nhân hàng loạt - Ảnh: IMDb

Mindhunter xứng đáng là tượng đài trong dòng phim về sát nhân hàng loạt - Ảnh: IMDb

Trong tiểu luận Sự quyến rũ của kẻ giết người hàng loạt, giáo sư triết học Eric Dietrich cho rằng con người chẳng phải là Homo Sapiens (người tinh khôn) mà đích thực phải là Homo Oboediens (con người tuân theo nguyên tắc).

Những tên sát nhân hàng loạt - thường được mô tả là những kẻ ăn vận tử tế, bảnh bao, thông minh - đôi khi có thể cho người xem cảm giác được phá bỏ những lề thói ngột ngạt của xã hội...

Ông dẫn ra thêm ví dụ về kiệt tác Thần khúc của nhà thơ Dante Alighieri viết từ thế kỷ 14. Tác phẩm của ông được chia làm ba phần, thế nhưng hầu hết mọi người chỉ nhớ tên gọi và nội dung của phần đầu là Inferno (Hỏa ngục) bởi chúng diễn tả những cảnh tra tấn dã man ở chốn âm ty.

Hai phần còn lại, Purgatorio (Luyện ngục) và Paradiso (Thiên đường) đã khiến người đọc "chán nản" vì những cảnh yên bình và sung túc.

Dàn siêu xe đổ bộ bom tấn "Transformers: Quái thú trỗi dậy"Dàn siêu xe đổ bộ bom tấn 'Transformers: Quái thú trỗi dậy'

Các màn biến hình từ robot thành siêu xe của 'Transformers: Quái thú trỗi dậy' sẽ đổ bộ màn ảnh rộng những ngày đầu tháng 6.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên