Ngày 28-4, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo Nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng xoài, đây là hoạt động trong khuôn khổ của Lễ hội xoài Đồng Tháp 2023.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng bằng sông Cửu Long chiếm diện tích xoài lớn nhất cả nước hơn 50.000 ha, sản lượng gần 610.000 tấn (năm 2022). Trong đó diện tích cây ăn trái của khu vực hơn 350.000ha, vì thế các tỉnh cần nhìn lại trong tổng thể vùng cây ăn trái của cả nước để có sự cân đối.
Ông Lê Thanh Tùng - phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nhận định các tỉnh trong khu vực cần liên kết vùng để giải quyết khó khăn như: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phân tán; công tác đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm; quy trình sản xuất chưa tốt; thiếu liên kết sản xuất, tiêu thụ...
"Trong thời gian tới cần tổ chức sản xuất tốt, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời tiếp tục đàm phán với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch, các địa phương cần xây dựng thương hiệu sản phẩm xoài, gắn với chỉ dẫn địa lý; xúc tiến thương mại để người tiêu dùng trong nước biết đến, tăng tiêu thụ", ông Tùng nêu giải pháp.
Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu xoài lớn thứ 13 trên thế giới, hai tháng đầu năm 2023 đạt 34,7 triệu USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022. Nhu cầu thế giới về trái cây tăng, cây xoài sản xuất được quanh năm, trong tương lai, xoài sẽ trở thành thị trường rất tiềm năng và mang lại giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Phước Thiện - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - mong muốn các doanh nghiệp cùng với bà con nông dân chia sẻ, giải bài toán manh mún về vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất và bảo quản làm sao đến tay người tiêu dùng đạt chất lượng cao nhất.
"Tôi đề nghị Cục Trồng trọt sẽ làm đầu mối kết nối các tỉnh thành trong khu vực với doanh nghiệp và nông dân để giải quyết bài toán cung cầu, nghiên cứu hình thức xuất khẩu và sản phẩm cung cấp cho thị trường nội địa thông qua các kênh phân phối. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ quan tâm đến những chính sách liên quan đến sản xuất hữu cơ, chuyển đổi số", ông Thiện nói.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, năm 2022 giá trị ngành hàng xoài đạt hơn 2.600 tỉ đồng, hình thành hai nhãn hiệu xoài, chỉ dẫn địa lý, bản đồ số hóa dữ liệu ngành hàngvà tổ chức sản xuất (mã số vùng, truy xuất nguồn gốc, hệ thống rửa).
Mục tiêu đến năm 2025 Đồng Tháp sẽ có nhà trữ lạnh, giải quyết việc làm, tăng liên kết chuỗi sản xuất ngành hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận