30/12/2008 15:58 GMT+7

Lều cỏ nơi cánh đồng hoang - Kỳ 1: Những mảnh đời vụn vỡ

NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG
NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG

TTO - Tôi tự hỏi điều gì đưa họ đến để sống và để chết nơi cánh đồng hoang này. Phải chăng đó chính là tình yêu thương của con người, yêu thương và đem lại chút bình an cho họ - những bệnh nhân HIV-AIDS giai đoạn cuối…

Trông thấy mà đau đớn lòng!

Một hôm, có người quen rủ tôi:

- Có muốn đến một nơi ở của người nhiễm AIDS không, lạ lùng lắm, đặc biệt lắm.

Thế là chúng tôi đi. Hai người đàn bà trên hai cái xe máy, bỏ lại mọi ồn ào của phố thị, chúng tôi hướng về phía ngoại thành, cực đông của thành phố HCM. Đi mãi, qua nhiều những con sông lớn, những con sông nhỏ và những cây cầu... Đến một ngã rẽ, sang bên kia là tới địa bàn một tỉnh khác rồi, chúng tôi vào con đường nhỏ và vắng vẻ, một bên lác đác vài nóc nhà dân, và một bên cặp dọc con sông im vắng, với những cây cầu nho nhỏ.

Không còn đường nhựa nữa, tới một cây cầu xi măng nhỏ, mà tay vịn chỉ còn có một bên. Người bạn bảo tôi: "Cẩn thận nhé, kẻo lọt xuống mương". Chúng tôi rẽ vô một bờ mương, con đường mòn nhỏ xíu lau lách mọc um tùm, chỉ có gió thổi u u và đằng trước là cánh đồng thăm thẳm. Con đường ngoằn nghèo, lầy lội ấy dẫn chúng tôi tới một rừng cây bạch đàn. Chị bạn bảo: Tới rồi.

Vừa đi xuyên vô rừng cây bạch đàn, tôi thấy trong vùng cây lá bung xung, nhấp nhô vài mái lều nho nhỏ. Những mái lều kết bằng lá dừa khô, úp vào nhau theo hình chữ V ngược, quanh lều là cỏ cây hoang sơ. Tôi gọi đó là những lều cỏ.

Trong căn lều dài nhất, có hai dãy giường bố kê song song. Mỗi đầu giường bố quay ra ngay mép mái dừa chưa đủ chạm đất, tạo thành khoảng trống. Ánh sáng vào rọi căn lều le lói.

Thấy chúng tôi đến, một vài người gượng dậy. Tôi bất chợt rùng mình, nghe một cơn lạnh chạy dọc sống lưng. Họ đó ư, những bệnh nhân AIDS?

Khoảng hai mươi bệnh nhân cả thảy, phần lớn đều là thanh niên, rất trẻ, gầy guộc, đa số đang cởi trần, trên mình vằn vện đủ mọi hình xăm cổ quái. Có người ngồi dậy và chậm chạp bước từng bước. Một vài người cố ngóc đầu lên, rồi lại gục xuống. Họ yếu quá rồi, không còn ngồi, không còn đi được nữa.

Trên vài chiếc giường khác, tôi thấy có những người đang co quắp trong cơn đau. Cái giường bố có rộng rãi là bao, vậy mà có người lọt thỏm một góc. Một người khác nằm bất động nhìn lên mái lều, trong đôi mắt to và trũng sâu ấy không biểu lộ điều gì, cứ nhìn trân trân phía trước.

BRaInZWq.jpgPhóng to
Một ánh mắt vô cảm khi nhìn khách lạ... - Ảnh: Thu Hương

Một cậu khỏe nhất trong đám, đi tìm ghế mời chúng tôi ngồi, mãi mới ra hai chiếc ghế nhựa ngả màu cũ kỹ.

Nhìn kỹ, tôi thấy một bệnh nhân trên cổ mang một cái đai quấn bằng thạch cao, thay giá đỡ. HIV là như thế, giai đoạn cuối khi chuyển sang AIDS, con người ta không còn đủ sức mà kháng cự những bệnh nhiễm trùng cơ hội nữa. Bệnh bùng phát có thể là lao phổi, lao hạch, thậm chí là lao xương, xương mục và đớn đau như giòi bọ rỉa. Ngay cột sống cũng có thể bị tấn công, người bệnh không đủ sức đỡ nổi cái đầu teo tóp, tóc chỉ còn lơ thơ,

Tôi nghe có tiếng rên, thì ra một em đang nằm thở nơi cuối dãy giường bố. Em cởi trần, khuôn ngực đét lại những đường xăm xanh lè, một bên nách là gạc, là bông gòn, có những hạch bắt đầu vào giai đoạn vỡ, chảy mủ. Em không còn khả năng tự lo cho bản thân, đành phó mặc cho các bạn đồng cảnh thay nhau chăm sóc.

Tôi bỗng nhận ra ngay đầu giường bố, nơi mép lá dừa tả tơi, ánh nắng quái buổi chiều chiếu xuyên vào gầm giường, soi rõ một ngọn thèo lèo nhỏ. Cọng thèo lèo xanh thẫm, bên nách lá có một nụ hoa tí xíu màu tím biếc. Tôi bỗng rùng mình và nghĩ tới hình ảnh con rắn lục, con rắn lục nhỏ với cái mắt tím đang luồn trong thân xác khốn khổ này, con rắn lục mang cái tên HIV, đang rút rỉa sinh khí của những người vương phải nó.

Không, tôi lắc đầu và tự nhủ mình: phải vui vì nơi này hoa vẫn nở, con người vẫn thương yêu nhau mới phải chứ.

Tìm chút bình an

Rời dãy giường bố tôi đi sang căn lều nhỏ kế bên. Căn lều im lìm với băng ghế gỗ con con, một cái phản gỗ, trên ấy xếp hàng hàng những hũ cốt sành. Tôi lặng lẽ nhìn. Một bệnh nhân thều thào cho biết đây chỉ là một phần ba trong số những người đã ra đi, “nhưng ông chú mang đi gửi bớt ở các nhà thờ rồi. Chú nói không muốn để người ra đi phải nằm mãi nơi lều cỏ hoang vu này, tội lắm”

uVNw3BNF.jpgPhóng to
Những hũ cốt không người nhận - Ảnh: Thu Hương
Và trên những hũ cốt ấy tôi đọc: Phó Minh Tân - Sinh 1988 - Mất năm 2007; Nguyễn Thị Thu Huyền - Sinh năm 1980 - Mất 2008; Võ Thị Hoàng Dung - Sinh 1978 - Mất 2007…

Như vậy là họ đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, không quê nhà, không gia đình, không bè bạn… Bỏ lại thành phố rực rỡ phồn hoa, nơi từng nuốt chửng tuổi trẻ của họ. Họ đã đến nơi lều cỏ giữa đồng hoang này, và ở lại đây, với những kẻ lạ người xa đồng cảnh ngộ.

Một đời người chỉ còn lại chút tro than. Mọi đau đớn, sai lầm, dằn vặt thế là xong, chỉ còn vài chữ chứng minh sự tồn tại.

Tôi quay lại lều cỏ nơi có hai hàng giường bố chạy song đôi, cố gắng chế ngự nỗi sợ hãi và nỗi buồn bỗng dâng ngập lòng để trò chuyện với những người đang nương thân nơi lều cỏ. Nhìn chân tay, thân thể họ, với những hình xăm cổ quái, chi chít, cũng đủ hiểu họ từng một thời là những tay anh chị khét tiếng trong giới giang hồ. Họ cũng chẳng giấu gì tôi, thật thà thú nhận mình là những người từng lệ thuộc vô ma túy và bị vướng vào căn bệnh thế kỷ, cũng không giấu rằng có người từng vào tù, ra trại. Bây giờ, những mảnh đời vụn vỡ ấy tụ về đây, nương vào nhau trong chốn lều cỏ nơi đồng hoang này, mong tìm một chút bình an cuối đời…

Kỳ tới: Sống và chết

NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên