Tiêu dùng nội địa đang hỗ trợ cho kinh tế các quốc gia trong khu vực ASEAN +3 - Ảnh: N.BÌNH
Các quốc gia khu vực ASEAN + 3 gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang đứng trước nguy cơ tăng trưởng kinh tế giảm nhẹ trong năm 2019 mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ môi trường bên ngoài, rủi ro xuất phát từ leo thang căng thẳng thương mại, tăng trưởng toàn cầu suy giảm và các cú sốc tài chính.
Để giải quyết, các quốc gia khu vực ASEAN + 3 cần phải biết tận dụng các nguồn vốn thay thế, nắm bắt công nghệ, tăng cường hội nhập và chủ nghĩa đa phương, và củng cố mạng lưới an toàn tài chính khu vực.
Đây là khuyến nghị trong báo cáo mới nhất được công bố ngày 1-5 bởi Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), trong bối cảnh rủi ro toàn cầu tăng cao, khu vực ASEAN + 3 dự kiến tăng trưởng chững lại.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Khu vực ASEAN+3 (AREO) 2019 đã đưa ra đánh giá về triển vọng kinh tế cho cả khu vực, cũng như các rủi ro và thách thức mà các nền kinh tế khu vực đang phải đối mặt. Ấn bản năm nay còn bao gồm một nghiên cứu tiêu đề "Tăng cường kết nối và năng lực cho nền kinh tế mới".
Theo AMRO, mặc dù triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn có giảm nhẹ, các yếu tố cơ bản dài hạn của khu vực vẫn ổn định, hỗ trợ bởi tiêu dùng mạnh mẽ và thương mại nội khối phát triển nhanh trong bối cảnh tầng lớp trung lưu đang gia tăng, đô thị hóa nhanh chóng và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số.
Chuyên gia của AMRO cho rằng các nhà hoạch định chính sách trong khu vực nên sẵn sàng sử dụng khoảng không chính sách sẵn có để nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa, qua đó hạn chế rủi ro và hỗ trợ nền kinh tế nếu diễn biến bên ngoài trở nên bất lợi."
Chuyển đổi sang nền kinh tế mới tập trung vào công nghệ và dịch vụ có thể làm gia tăng nhu cầu về vốn đối với khu vực, và điều bắt buộc là các nền kinh tế đang phát triển đầu tư vào nguồn nhân lực và tận dụng các nguồn vốn bổ sung trong khu vực.
Tuy nhiên, khi các rủi ro bất lợi trở nên rõ rệt hơn, các nhà hoạch định chính sách cần phải cẩn trọng và linh hoạt hơn.
Để hỗ trợ triển vọng tăng trưởng của khu vực và tăng cường khả năng phục hồi, các nước ASEAN + 3 cần ưu tiên thực thi các chính sách dài hạn, đặc biệt là các chính sách tập trung vào tăng cường năng lực và kết nối để thúc đẩy Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và duy trì tăng trưởng trong nền kinh tế mới.
Báo cáo cũng đưa ra 3 động lực chính sẽ định hình các ưu tiên về năng lực và kết nối trong khu vực trong trung và dài hạn. Đó là: những nhu cầu mới phát sinh từ quá trình chuyển đổi toàn cầu sang Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay rộng hơn là nền kinh tế mới; thứ hai là dân số trưởng thành, ngày càng giàu có của khu vực Đông Á cùng tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, và cuối cùng là áp lực giữa gia tăng nhu cầu nội khối và rủi ro bắt nguồn từ xu hướng bảo hộ trong thương mại và công nghệ.
Trong bối cảnh đó, các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực tiếp tục đối mặt với ba thách thức chính đối với tăng trưởng: nguồn vốn, ngoại hối và chênh lệch phát triển. Ngoài ra còn có thách thức liên quan đến các hạn chế phi tài chính, bao gồm nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, chuyên môn, năng lực công nghệ và thể chế.
Chuyên gia kinh tế trưởng AMRO - tiến sỹ Hoe Ee Khor - cho rằng tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong khu vực ASEAN + 3 sẽ tạo ra nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng mới, đòi hỏi các nước phải tập trung giải quyết vấn đề thiếu hụt đầu tư".
Do đó, để vượt qua những thách thức nêu trên, các nền kinh tế ASEAN + 3 cần tận dụng đầu tư và tiết kiệm nội khối; củng cố mạng lưới an toàn tài chính khu vực, bao gồm Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM); và phát triển năng lực công nghệ, chuyên môn trong các lĩnh vực khác nhau và tăng cường thể chế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận