18/10/2019 09:51 GMT+7

Lên tiếng, ra tay chặn thói gian

BÙI HỒNG NHUNG - THIÊN THI
BÙI HỒNG NHUNG - THIÊN THI

TTO - Hành khách xe buýt bị móc túi khiến hình ảnh buýt xấu hơn. Giảm tệ nạn này còn tùy thuộc vào sự đồng lòng của hành khách và nhà xe. Ai từng lên tiếng và hành động bảo vệ nạn nhân móc túi?

Lên tiếng, ra tay chặn thói gian - Ảnh 1.

Hai đối tượng dàn cảnh chen lấn móc túi ở trạm xe buýt trước KDL Suối Tiên (TP.HCM), một người thò tay vào túi lấy cắp điện thoại của nữ hành khách lớn tuổi...

Lên tiếng, ra tay chặn thói gian - Ảnh 2.

... và chuyền tay điện thoại vừa lấy được cho đồng bọn tẩu tán (ảnh cắt từ clip của Tuổi Trẻ) - Ảnh: MINH HÒA

Hai ý kiến bạn đọc sau bài viết "Móc túi lộng hành trước trạm xe buýt" (Tuổi Trẻ ngày 16-10).

Quyết liệt với kẻ gian

Trên chuyến xe buýt tôi đi lần đó, một thanh niên phát hiện người đàn ông khoảng 40 tuổi phía trước rạch túi xách nữ sinh viên. Anh lên tiếng, đối tượng quay ra phía sau đòi đánh anh. Trên xe có người đã hỗ trợ, can thiệp. Người đàn ông kia chối bỏ chuyện vừa làm, lùi về phía cửa lên xuống và xuống khi xe tới trạm dừng gần ngã tư Bình Thái, quận Thủ Đức, TP.HCM.

Lần khác, tôi chứng kiến một chị công nhân khóc nức nở vì bị rạch túi xách, mất tiền dành dụm cả năm để về quê trả nợ. Nhà xe đã xử lý rất khôn khéo và quyết liệt, phụ xe thông báo và đóng hết các cửa, tài xế lái xe vào trụ sở công an gần đó. Sau kiểm tra thấy cọc tiền ở góc khuất, chị công nhân đã nhận lại cọc tiền và mừng không thể tả.

Không ít chuyện trái ngang, xót xa trên xe buýt. Sinh viên đem tiền từ quê lên đóng học phí bị trấn lột, người già đi chữa bệnh bị móc túi, hầu hết nạn nhân đều hoàn cảnh khó khăn. Trấn lột, móc túi trên xe buýt là chuyện không mới. Xe đông khách, không còn chỗ ngồi, nhiều người phải đứng trong khi tay bận đưa lên nắm móc hoặc thanh chắn để giữ thăng bằng, kẻ gian lợi dụng khi xe thắng lại dừng đón trả khách để ra tay.

Vì sợ rắc rối, bị trả thù, không ít hành khách thấy cảnh móc túi nhưng vẫn im lặng, không dám phản ứng hay lên tiếng tố giác. Thực tế nhiều đối tượng bị phát hiện chỉ bị xử lý quá nhẹ. Người lên tiếng tố giác lại bị dằn mặt, dọa đánh cũng từng xảy ra. Hầu hết đối tượng chuyên trấn lột, móc túi, trộm cắp trên xe buýt đều có đồng bọn hỗ trợ khi bị phát hiện.

Nhưng đâu thể bó tay! Khi phát hiện kẻ gian trên xe buýt, một người lên tiếng, nhiều người cùng phản ứng, đối tượng sẽ bị cô lập, tự rút lui. Cần giải quyết triệt để những tệ nạn khiến hành khách xe buýt bất an và không để ai bị đe dọa vì lên tiếng trước cái xấu. 

Tài xế và phụ xe cần có nhiều kỹ năng hỗ trợ nạn nhân. Cần công khai trên xe buýt hình ảnh, cảnh báo và dùng loa lưu ý hành khách bảo vệ tài sản, khen thưởng kịp thời người tố giác tình trạng lừa đảo, móc túi, trộm cắp... trên xe và ở các trạm buýt.

Thanh tra ngành giao thông, công an cần có cơ chế theo dõi, giám sát thường xuyên, xử lý dứt điểm các vụ việc lừa đảo, móc túi hay đe dọa và trấn lột trên xe buýt, nhất là dịp cuối năm cận kề. Đừng xử lý qua loa, đến hẹn lại lên, đâu rồi vào đấy, gần nhất là từ hình ảnh và câu chuyện đã đăng trên Tuổi Trẻ.

Cẩn trọng không thừa!

Thủ đoạn của các đối tượng "hai ngón" này luôn vượt xa tầm cảnh giác, nhất là với nữ sinh viên, hành khách lớn tuổi. Điều đó lý giải vì sao phần lớn nạn nhân là phụ nữ. Nhiều hành khách bị móc trộm điện thoại, ví tiền... khi cần dùng đến mới biết tài sản của mình đã "không cánh mà bay".

Thời gian xe ghé vào trạm chỉ tính bằng giây, kẻ gian nhân lúc vội vàng giả vờ đứng chắn ngay bậc lên xuống, hối thúc, xô đẩy, kể cả việc cố ý chạm vào những bộ phận "nhạy cảm". Theo phản xạ, hành khách nữ phải đối phó bằng cách dùng tay hất ra, thế là chiếc điện thoại trong túi quần bị rút mất. 

Xe đông người, những hành khách đứng rất dễ bị móc túi hay rạch giỏ xách. Xe ghé trạm, khách một tay nắm chặt thanh vịn tại cửa xe, tay còn lại bận xách túi đồ, hầu như không còn khả năng phòng bị, đó là lúc dễ mất trộm tài sản.

Tại nhiều nhà chờ xe buýt còn xảy ra tình trạng cướp giật. Bạn tôi (ngụ Bình Dương) một lần xuống xe buýt gần vòng xoay Bình Triệu (TP.HCM), lấy điện thoại gọi người quen ra đón thì bị một người giả đứng chờ xe buýt giật lấy rồi nhảy lên xe máy đồng bọn tẩu thoát.

Đối tượng móc túi thường "chấm, chọn" người trước khi hành động. Hành khách đi xe buýt cũng nên nhận biết mối đe dọa. Bọn trộm cắp thường đóng giả người đi xe buýt hoặc bán hàng lưu động, thường áp sát những người chuẩn bị lên xe, những lúc đông khách chính là lúc chúng "ăn hàng" nhiều nhất.

Nhiều nữ sinh viên truyền nhau kinh nghiệm hạn chế sử dụng điện thoại trên xe buýt, không để điện thoại, ví tiền trong túi quần sau hoặc túi áo. Balô, túi xách có thể quàng trước ngực, chuẩn bị sẵn tiền lẻ và để riêng một ngăn để không mở ví trên xe. Những hành khách ngủ trên xe cũng có thể bị mất cắp.

Trường hợp không may bị mất tài sản, cần trình báo với cơ quan công an. Nhiều vụ cơ quan chức năng "bắt nguội" nhiều đối tượng trộm cắp tài sản, nhưng do không xác định được người chủ sở hữu nên gặp khó khăn trong việc xử lý.

Xử lý nạn móc túi hành khách xe buýt

bus - tram suoi tien 3(read-only)

Lực lượng chức năng tháo dỡ dãy quán tạm bợ tại khu vực trạm chờ xe buýt gần cầu bộ hành KDL Suối Tiên trưa 17-10 - Ảnh: M.HÒA

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 17-10, giám đốc Công an TP.HCM Lê Đông Phong khẳng định Công an TP đã nắm tình hình cùng với phát hiện, xử lý một số đối tượng trong thời gian qua và đang tiếp tục ngăn chặn tình trạng này.

Trung tá Cao Hoàng Đức Dũng - đội phó Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Thủ Đức - cho biết đơn vị đang tập trung điều tra truy xét băng nhóm móc túi khách đi xe buýt (Tuổi Trẻ đã phản ánh) và đã làm việc với tài xế xe buýt, tìm nạn nhân của băng nhóm này.

Ông Trần Quốc Hưng - chủ tịch UBND phường Linh Trung, quận Thủ Đức - cho biết trạm chờ xe buýt gần cầu bộ hành khu du lịch Suối Tiên từ ngày 17-10 sẽ tái lập chốt an ninh trật tự có lực lượng túc trực. Cùng ngày, UBND phường đã phối hợp với lực lượng công an tháo dỡ, dọn dẹp dãy quán nước lấn chiếm lòng lề đường tại trạm chờ xe buýt này.

Đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP cho biết phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM tăng cường triển khai giám sát đối với các tuyến xe buýt đông khách trong giờ cao điểm. Chiều cùng ngày, trung tâm có văn bản khẩn đề nghị các doanh nghiệp vận tải tăng cường tuyên truyền kỹ năng cho tài xế, nhân viên xe buýt. Khi xảy ra sự việc móc túi trên xe, lái xe, nhân viên xe buýt phải bảo vệ hành khách, xem đây là trách nhiệm phục vụ hành khách.

Đơn vị này cũng khuyến nghị người dân khi bị mất tài sản lúc đi xe buýt cần thông tin cho trung tâm và cảnh sát hình sự Công an TP qua số điện thoại 0981860202 hoặc trực tiếp tại trung tâm, địa chỉ 27 Phạm Viết Chánh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1.

N.KHẢI - A.NHÂN - M.HÒA

Vạch trần thủ đoạn Vạch trần thủ đoạn 'dàn trận' móc túi khách đi xe buýt trước KDL Suối Tiên

TTO - Phóng viên Tuổi Trẻ Online ghi hình, thu thập các chứng cứ về việc một băng nhóm chuyên dàn cảnh móc túi hành khách tại trạm chờ xe buýt gần khu vực cầu bộ hành khu du lịch Suối Tiên, thuộc P. Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM.

BÙI HỒNG NHUNG - THIÊN THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên