15/01/2008 01:14 GMT+7

Lên đồi Thiên An lập phủ

ĐĂNG NAM - THÁI LỘC
ĐĂNG NAM - THÁI LỘC

TT - Đồi Thiên An nổi tiếng thơ mộng của xứ Huế đang được đánh thức bởi một thú chơi mới của chính người Huế: lập phủ. Lớn thì 5.000-7.000m2, nhỏ chí ít cũng phải không dưới 2.000m2, chuyện "săn" đất lập phủ đang là "mốt" thời thượng của một lớp người khá giả ở đất thần kinh.

VC5kS839.jpgPhóng to
Biệt phủ Thảo Nhi của ông Trần Đài
TT - Đồi Thiên An nổi tiếng thơ mộng của xứ Huế đang được đánh thức bởi một thú chơi mới của chính người Huế: lập phủ. Lớn thì 5.000-7.000m2, nhỏ chí ít cũng phải không dưới 2.000m2, chuyện "săn" đất lập phủ đang là "mốt" thời thượng của một lớp người khá giả ở đất thần kinh.

Chúng tôi theo chân T. - một "cò” chuyên săn đất - về Thiên An (xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế). "Với địa thế trên là triền đồi thoai thoải quanh năm vi vút thông reo, bên dưới là tiếng suối róc rách, nên từ xưa vùng đất vượng khí này đã được các bậc đế vương chọn làm nơi yên nghỉ ngàn thu của mình" - T. rao vanh vách. Đó cũng là công việc hằng ngày của anh: sáng uống cà phê vỉa hè bên bờ sông Hương thơ mộng và dỏng tai nghe "tâm tư” của những người giàu có đủ mọi cấp độ, để rồi sau đó cùng một trong số họ lang thang trên những triền đồi bát ngát của Thiên An để ngắm đất cho thân chủ.

Săn đất lập phủ

Nếu có những phủ lập ra chỉ để chủ nhân của nó đi tìm sự tĩnh lặng, thư thái trong thế giới cách biệt, thì ngược lại chủ nhân của biệt phủ Thảo Nhi - ông Trần Đài - lại khác. Sống bằng nghề du lịch, dịch vụ nên ông Trần Đài tỏ ra không bằng lòng khi thấy du khách không muốn ở lại với Huế. Vậy nên từ năm 2001, ông đã tìm lên Thiên An mua đất lập nên biệt phủ Thảo Nhi. Sau gần năm năm xây dựng với số tiền đổ ra trên 15 tỉ đồng, giờ đây biệt phủ Thảo Nhi đã mở cửa đón khách. Bình quân mỗi tháng phủ đón trên dưới 1.000 du khách Âu, Á đến tham quan, thưởng thức ẩm thực.

"Chừng 7-8 năm về trước có cho không cũng chẳng ai mò đến Thiên An. Người ta chỉ đến đây vào những dịp cuối tuần, lễ lạt để được hít thở không khí trong lành hay đơn giản là để được nghe tiếng chuông chùa xa lắc tận Trúc Lâm hay Thiên Đức vọng lại. Giờ thì khác rồi" - T. bảo. Nói rồi anh ta xăng xái dẫn cả nhóm vào gặp một chủ đất ở đội 1, thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng: bà Lê Thị Thích.

Không cần phải nghe những lời "phi lộ" hoa mỹ của T., bà Thích vào đề luôn: "Nói thiệt là mệ (bà) đang có một khu đất rộng hơn 2.000m2 đẹp lắm. Nhiều người cũng đã đến xem rồi nhưng mệ chưa ưng bán. Còn giá thì mệ bán theo giá thị trường đó, chừng 1,5 triệu đồng/m2 chứ mấy".

Theo thống kê sơ bộ của chủ tịch xã Thủy Bằng, Phùng Viên, những năm trở lại đây phong trào mua đất lập phủ ở Thiên An rộ lên. "Nhiều hộ dân nghèo trong xã đã khấm khá hẳn lên nhờ bán đất" - ông Viên nói. Cũng theo ông Viên, ngoài số phủ đã lập chừng bảy cái, hiện có đến hàng chục khu đất rộng 3.000-7.000m2 của nhiều người đang chờ làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư, dịch vụ. "Tất cả sẽ lập phủ hết. Cả vùng Thiên An này rồi cũng sẽ là những biệt phủ tráng lệ. Đó cũng là một hướng qui hoạch làm du lịch hay đã được chọn. Trước mắt huyện, tỉnh cũng đã phê duyệt qui hoạch vệt đất rộng 2,1ha chỉ để lập phủ” - ông Viên chỉ tay về phía triền đồi trước mặt ủy ban nhân dân xã khoe.

Biệt phủ Thiên An

Đường dẫn vào phủ Bội Trân gập ghềnh, lắt léo. Đường là một lối mòn, lẩn khuất dưới những gốc thông già cỗi của đồi Thiên An ngàn xưa. Càng đi dốc càng cao, nhiều đoạn đường thi thoảng lại bị trận mưa đêm trước xói mòn tạo nên những rãnh hơi sâu, nên nó chỉ phù hợp với việc đi bộ hay dong ngựa hơn. Vừa thả bộ trên lối sỏi lạo xạo vừa nghe tiếng thông reo. Trên cao từng đám mây trắng bồng bềnh dùng dằng không muốn trôi khiến người ta có cảm giác như đang lạc giữa chốn bồng lai tiên cảnh... Mở cửa phủ Bội Trân đón khách là một người làm vườn già. Ông lão tỏ ra niềm nở mời khách vào thăm.

Bên trong, con đường dẫn vào phủ là hai hàng tre, trúc cong cong đẹp như một bức tranh thêu. Chủ nhân phủ, bà Bội Trân, vốn là người hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật nên cách thức thiết kế của phủ xem ra rất lãng mạn, kín đáo và đầy tính cách Huế. Một lão mai đang chớm nụ đón xuân trước gian nhà rường cổ kính. Xa xa những chuỗi dây trầu, dây tiêu cố đu mình trên thân cây mít già và bên dưới gốc là một chiếc lu (chum) đựng nước...

Theo người quản lý Nguyễn Đình Mỹ, phủ Bội Trân được lập từ những năm 1999 với diện tích hơn 5.000m2. Làm phong phú cho không gian của phủ, chủ nhân của nó đã phải cất công ra tận Hòa Bình mua ngôi nhà sàn đặc trưng của người Thái mang về. Sau phủ Bội Trân, cũng trên lối mòn này, một loạt các phủ lần lượt được lập lên như phủ của vợ chồng họa sĩ Đức Huy và Ánh Tuyết, phủ của Quang Dũng, trà đình Vũ Di hay như khu vườn rộng của nhạc sĩ Phú Hòa... Anh Quang Dũng cho biết sau hơn bốn năm xây dựng, giờ đây biệt phủ rộng chừng 2.000m2 của anh cũng đã bắt đầu hoàn thiện. "Kỳ công lắm, làm từng chút một, vì thế mất thời gian".

Theo anh, tất cả những gốc cây cảnh cổ thụ đến những tảng đá tạo dáng trong vườn đều được lượm lặt khắp ba miền. "Đi đâu thấy đẹp, hợp với vườn thì mua chở về". "Làm nghề kinh doanh dưới phố nhiều khi cũng thấy mệt mỏi chuyện bon chen với đời. Có phủ rồi cuối tuần cả gia đình lại kéo nhau lên đây thư giãn. Thế cũng là một cách hưởng thụ cuộc sống" - Quang Dũng triết lý....

ĐĂNG NAM - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên