03/09/2018 10:53 GMT+7

Lê Minh Hiển - người nặng lòng với bệnh nhân nghèo

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Gần 10 năm nay, nhờ sự tận tụy và uy tín của mình, anh đã xin được hơn 80 tỉ đồng để điều trị, phẫu thuật miễn phí cho hơn 10.000 bệnh nhân nghèo, trong đó có hàng trăm trẻ em bị tim bẩm sinh, dị tật hở hàm ếch.

Lê Minh Hiển - người nặng lòng với bệnh nhân nghèo - Ảnh 1.

Thạc sĩ Lê Minh Hiển cười tươi khi gặp lại một bệnh nhi khỏe mạnh sau khi được phẫu thuật miễn phí - Ảnh: NVCC

Là trưởng phòng công tác xã hội (CTXH) và phó đơn vị điều phối ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy, dù khối lượng công việc ngồn ngộn nhưng hơn ba năm qua, thạc sĩ Lê Minh Hiển vẫn dành hai ngày nghỉ cuối tuần về các tỉnh khám sàng lọc đưa bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhi bị tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn về Chợ Rẫy phẫu thuật miễn phí.

Mình may mắn vì được làm công việc đầy tính nhân văn này. Thấy nụ cười của bọn trẻ, thấy cuộc đời bớt cay nghiệt, bớt khó khăn. Trong điện thoại của mình toàn hình ảnh các con. Các con đều nhớ tên bác Hiển. Đó là nguồn năng lượng để mình tiếp tục làm nhiều việc hơn nữa cho bệnh nhân

Thạc sĩ LÊ MINH HIỂN

Chuyến đi nào cũng ray rứt

Ba năm qua, hơn 200 trẻ được phẫu thuật miễn phí là hơn 200 mạng người được cứu sống. 

Trên Facebook của thạc sĩ Lê Minh Hiển, ngoài những hình ảnh chia sẻ về cô con gái thì còn lại luôn là những câu chuyện, hình ảnh về các bệnh nhi đã được phẫu thuật tim, những mảnh đời khó khăn bất hạnh mà anh gặp hoặc thông báo về các chuyến đi khám sàng lọc, những tiện ích mới để phục vụ người bệnh và thân nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy...

Những chuyến đi khám sàng lọc ở Bến Tre, Trà Vinh và Hậu Giang, tiếp xúc với hàng ngàn bệnh nhân, điều khiến anh ray rứt nhất là những ánh mắt buồn rầu, tuyệt vọng, cầu cứu, những trường hợp không giúp kịp do quá trễ, bệnh đã quá nặng hay những mảnh đời nghèo khó đến gạo không đủ ăn, những đứa trẻ ra đời không biết mặt cha...

Chuyến đi nào cũng khiến anh nặng lòng vì không biết làm sao để giúp kịp, giúp hết được những số phận không may mắn... Anh cho người viết xem bức ảnh lưu trong điện thoại chụp một cô bé gục đầu vào vai anh khóc. 

Đó là chuyến đi về Tiền Giang tháng 3-2017. Cô bé học lớp 6, người nhỏ quắt, ba bỏ đi từ nhỏ, mẹ làm thuê làm mướn. Em bị tim bẩm sinh, có chỉ định phải phẫu thuật. 

"Mình vừa nói: con ơi, con thu xếp lên Chợ Rẫy mổ nha, con bé mếu máo nói con không có tiền đi mổ rồi gục đầu vào vai mình khóc. Mình bảo con không phải lo tiền, đã có các cô chú hảo tâm giúp con rồi..." - thạc sĩ Lê Minh Hiển xúc động khi nhớ lại.

Rồi anh nở nụ cười khi kể về những cô bé, cậu bé mình đã đưa về Chợ Rẫy. 

"Đợt vừa rồi có bé Như Ý được phẫu thuật hồi tháng 6-2018. Mình đi Bến Tre mang cháu về. Nhìn nó trắng trẻo, dễ thương, bụ bẫm, không ai nghĩ cháu có hoàn cảnh khó khăn. Đợt cháu đang điều trị, mình làm chương trình "Chủ nhật chia sẻ yêu thương". 

Bé cứ đòi bác Hiển ôm để mấy cô chú gội đầu, không cho mình trả lời báo chí luôn. Đêm cháu không chịu ngủ, bắt mẹ ẵm xuống đòi ngủ với bác Hiển. Đi tái khám, trước khi về bé phải kiếm gặp mình cho bằng được".

Lê Minh Hiển - người nặng lòng với bệnh nhân nghèo - Ảnh 3.

Một cô bé bị bệnh tim bẩm sinh ở Tiền Giang gục đầu vào vai thạc sĩ Lê Minh Hiển khóc khi biết sẽ được lên Chợ Rẫy phẫu thuật - Ảnh: NVCC

Hỗ trợ tối đa cho người nghèo

Mỗi ngày phòng CTXH nhận ít nhất 15 hồ sơ của bệnh nhân nghèo

"Nhiều lúc áp lực vì bệnh nhân, vì người nghèo lắm - thạc sĩ Lê Minh Hiển chia sẻ - Đó là khi nhận được một bệnh nhân mà khoa cho biết trường hợp đó điều trị sẽ hết bệnh nhưng gia đình khó khăn quá. Nếu không tìm được nguồn tài trợ, không cứu kịp sẽ rất tội nghiệp. Tôi luôn tâm niệm không bao giờ để điều đó xảy ra".

Gần 20 nhà hảo tâm thân thiết đã đồng hành cùng phòng CTXH nhiều năm nay như sư cô một ngôi chùa ở Hóc Môn (TP.HCM) và nhà hảo tâm tên Mai ở quận Tân Phú (TP.HCM) suốt tám năm nay. Chị Mai còn rủ gia đình, bạn bè cùng tham gia với phòng CTXH giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.

"Phải minh bạch và tử tế mới giữ được niềm tin - thạc sĩ Lê Minh Hiển khẳng định - Những năm gần đây tìm được tiền tài trợ rất khó vì kinh tế khó khăn, nhưng tôi tự hào vì uy tín của cá nhân và phòng CTXH với các nhà hảo tâm nên giờ xin ai cũng cho, sẵn sàng dang tay khi mình lên tiếng".

Hàng ngàn người được cứu giúp nhưng anh vẫn không quên câu chuyện 11 năm trước của cậu bé tên Ký. 

Năm 2007, cậu bé đi xe buýt cùng người mẹ bị tâm thần từ Đồng Nai ra Bà Rịa - Vũng Tàu. Người mẹ mở cửa sổ thảy đứa con xuống đất. Khi đó Ký mới hơn 2 tuổi. Cậu bé được đưa cấp cứu từ Vũng Tàu lên Chợ Rẫy. 

Thạc sĩ Lê Minh Hiển vẫn còn nhớ rất rõ: "Người ta đưa cháu vô nằm đó, không có tiền, không giấy tờ, bị chấn thương sọ não, phải phẫu thuật. Ba cháu đi làm thuê lúc sau mới tới. Mình tìm các nhà hảo tâm, nói về hoàn cảnh của cháu và có người nhận lo chi phí phẫu thuật. 

Giờ đã 11 năm, cháu lớn rồi, hay gọi điện thoại cho mình lắm".

Hay như câu chuyện của Toàn ở Bình Định. Gia đình có năm người con nhưng đều bị ốm đau, ngẩn ngơ, chỉ có mình Toàn là niềm hi vọng của ba mẹ. Khi đi khám nghĩa vụ quân sự, Toàn mới biết bị bệnh tim.

"Khi vào Chợ Rẫy, gia đình không thể chi trả chi phí phẫu thuật. Mình chia sẻ câu chuyện này và được cộng đồng hỗ trợ, Toàn được phẫu thuật miễn phí. Sáu tháng sau Toàn vào thăm, chào mà mình không nhận ra vì quá đẹp trai, hồng hào. 

Khi chuẩn bị đi tái khám, Toàn còn mang bánh đặc sản Bình Định vào tặng. Năm 2017 khi chuẩn bị cưới vợ, có dịp đi ngang Sài Gòn, Toàn dắt cả vợ vô giới thiệu" - bác sĩ Hiển chia sẻ.

Biết được tâm lý rối bời, hoang mang và thiếu hiểu biết do trình độ, do cả cái nghèo của gia đình bệnh nhân, thạc sĩ Lê Minh Hiển nói nhân viên phải hỗ trợ tối đa mọi việc nhỏ nhất khi bệnh nhân nghèo đến Chợ Rẫy. 

Nhiều người không có ảnh, phòng CTXH đã có sẵn máy ảnh, máy in màu. Bệnh nhân bị mất giấy CMND hoặc bị mờ, phòng CTXH có sẵn mẫu đơn, giấy xác nhận để thân nhân viết mang về địa phương xác nhận bổ túc hồ sơ hưởng bảo hiểm y tế. 

Những người ở xa quá thì anh gọi về địa phương, gửi đơn về nhờ địa phương xác nhận và gửi lại. Anh còn cẩn thận gửi kèm một bì thư và con tem để họ không phải mất công lo thêm việc đó.

Những nhân viên mặc áo xanh dương

Phòng CTXH của bệnh viện hiện có 30 người. Nhân viên mặc áo màu xanh dương, có mặt ở một số vị trí quan trọng trong bệnh viện để hỗ trợ bệnh nhân, thân nhân.

Nhiều năm qua, thạc sĩ Lê Minh Hiển và tập thể phòng CTXH đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động có chiều sâu giúp bệnh nhân nghèo khi vào bệnh viện như: hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân không có thân nhân, mở hai tủ sách cho bệnh nhi, tổ chức chương trình "Chủ nhật chia sẻ yêu thương" (hai tháng một lần), suất ăn miễn phí cho thân nhân bệnh nhân (4.500 suất ăn mỗi ngày), nhóm hướng dẫn thân nhân bệnh nhân ở khoa cấp cứu (túc trực từ 5h30-21h hỗ trợ tìm bệnh nhân cho người nhà, cho người đưa bệnh nhân đi trong luồng ưu tiên...), cẩm nang khám chữa bệnh...

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên