Quyết định được thông qua tại kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, diễn ra tại Trung tâm hội nghị Conmebol, thủ đô Asunción, Cộng hòa Paraguay.
Đây là 1 trong tổng số 66 đề xuất được xem xét trong kỳ họp này và là di sản văn hóa phi vật thể thứ 16 của Việt Nam được UNESCO ghi danh.
Tổng hòa của tín ngưỡng thờ Mẫu dân tộc Việt, Chăm, Khmer và Hoa
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ ngày 22 đến ngày 27 tháng 4 âm lịch, trong miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và khu vực bệ đá thờ Bà trên núi Sam.
Theo Cục Di sản văn hóa, lễ hội gồm các nghi thức tâm linh và diễn xướng nghệ thuật, biểu hiện niềm tin, sự biết ơn Mẹ Đất - Mẹ Xứ sở của cộng đồng các dân tộc Việt, Chăm, Khmer và Hoa ở Châu Đốc, An Giang.
Bà Chúa Xứ là vị thánh mẫu trong tín ngưỡng thờ nữ thần, luôn che chở, phù trợ cho dân chúng.
Tục lễ Bà, tham gia lễ hội để thỏa mãn niềm tin và sự mong cầu về sức khỏe, bình an và tài lộc của cộng đồng Khmer, Chăm, Hoa, Việt ở Châu Đốc, An Giang cũng như cư dân vùng Tây Nam Bộ.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là sự kế thừa, tiếp thu, tích hợp và sáng tạo của cư dân Việt trong quá trình khẩn hoang và là sự tổng hòa của tín ngưỡng thờ Mẫu của các dân tộc Việt, Chăm, Khmer và Hoa.
Lễ hội nhằm tôn vinh nữ thần bảo trợ, ban tài, lộc, sức khỏe, bình an cho người dân địa phương, đồng thời là môi trường giáo dục truyền thống đạo đức "uống nước nhớ nguồn", nhắc nhở công lao dựng nước, giữ nước của cha ông, đề cao vai trò của người phụ nữ và thể hiện sự giao thoa trong sáng tạo, thực hành văn hóa và sự hòa hợp của các dân tộc cùng chung đức tin trong cùng một phạm vi lãnh thổ.
Di sản góp phần nâng cao bình đẳng giới
Theo Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đáp ứng ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với những tiêu chí:
1. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được cộng đồng người Kinh, Khmer, Chăm và Hoa tại thành phố Châu Đốc tổ chức.
Các nghi lễ, phong tục và kỹ năng thực hành nghi lễ liên quan đến di sản này được trao truyền trong gia đình và cộng đồng thông qua truyền miệng, thực hành trực tiếp và tham gia vào lễ hội.
Lễ hội thúc đẩy giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng và hòa hợp dân tộc, đồng thời là phương tiện để khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong xã hội và những đóng góp của cha ông trong việc xây dựng đất nước.
2. Di sản góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, bình đẳng giới, phát triển kinh tế toàn diện, cũng như thúc đẩy hành động bảo vệ bền vững môi trường và khí hậu, bảo vệ hòa bình và gắn kết xã hội.
3. Nhà nước đã đề xuất các biện pháp bảo vệ, bao gồm các nỗ lực cùng với đại diện thành viên cộng đồng thực hành và trao truyền di sản, tận tâm truyền đạt kiến thức liên quan về lễ hội cho con cháu trong gia đình và các thành viên trong cộng đồng.
Và các tiêu chí khác theo quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận