21/07/2023 10:23 GMT+7

Lấy nước vùng sông Hậu để rửa mặn, tăng diện tích nuôi tôm

Xung đột giữa người nuôi tôm siêu thâm canh và quảng canh cải tiến rất lớn, hệ thống thủy lợi quá cũ, Bạc Liêu đang xin triển khai dự án ngăn dòng kênh xáng Cà Mau, lấy nước phát triển nuôi tôm.

Hội thảo "Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm" với sự tham gia của đông đảo chuyên gia, doanh nghiệp, nông dân - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hội thảo "Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm" với sự tham gia của đông đảo chuyên gia, doanh nghiệp, nông dân - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sáng 21-7, tại Bạc Liêu, báo Tuổi Trẻ phối hợp UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội thảo "Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm" với sự tham gia của lãnh đạo Cục Thủy sản, ngành nông nghiệp nhiều tỉnh, thành, và đông đảo chuyên gia, doanh nghiệp hợp tác xã, nông dân trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. 

Sớm đưa Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp tôm

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết đây là dịp thuận lợi để Bạc Liêu và các tỉnh có thể trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và tìm ra các giải pháp để quản lý tốt vấn đề môi trường.

Theo ông Thiều, với diện tích trên 140.000ha, Bạc Liêu là một trong ba địa phương có diện tích và sản lượng nuôi tôm đứng đầu cả nước với sản lượng đóng góp hằng năm từ 20 - 21%.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đến nay Bạc Liêu có 25 công ty và trên 800 hộ dân tham gia, với tổng diện tích trên 4.600ha và 5 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh đã xác định và đưa ra nhiều giải pháp để sớm đưa Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.

Lấy nước vùng sông Hậu để rửa mặn, tăng diện tích nuôi tôm - Ảnh 3.

"Nghề nuôi tôm phát triển tăng cả về số lượng và chất lượng, từ đó tạo nên một thách thức lớn không chỉ Bạc Liêu mà đối với các tỉnh thành, đó là bài toán về môi trường. Nếu như chạy theo lợi ích kinh tế mà vấn đề về ô nhiễm không được xử lý tốt thì sẽ trở thành trở ngại rất lớn trong tương lai", ông Thiều nhận định.

Cũng theo ông Thiều, xung đột giữa người nuôi tôm siêu thâm canh và quảng canh cải tiến rất lớn, hệ thống thủy lợi quá cũ, không đáp ứng yêu cầu. Việc lấy nước gặp rất nhiều khó khăn.

"Bạc Liêu đang xin triển khai dự án ngăn dòng kênh xáng Cà Mau, trữ ngọt kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu, lấy nước ngọt từ Phụng Hiệp về. Nuôi tôm thời tiết nóng quá tôm không lớn, nước mặn quá cũng không được. Nên người dân hiện nay khoan giếng nước ngầm lên pha loãng với nước mặn để nuôi tôm", ông Thiều nói thêm.

Còn rất xa mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD/năm

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hữu - phó phòng nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản) - cho biết theo quyết định 79 của Thủ tướng Chính phủ thì mục tiêu đến năm 2025 tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 750.000ha; tổng sản lượng tôm nuôi đạt 1.153.000 tấn; tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỉ USD.

Ông Nguyễn Văn Hữu - phó phòng nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Nguyễn Văn Hữu - phó phòng nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuy vậy thực tế năm 2022 diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737.000ha (tôm thẻ chân trắng: 115.000ha; tôm sú 622.000ha); sản lượng: 745.000 tấn (tôm thẻ chân trắng: 474.000 tấn; tôm sú: 271.000 tấn); nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 4,3 tỉ USD.

Lấy nước vùng sông Hậu để rửa mặn, tăng diện tích nuôi tôm - Ảnh 5.

"Bùn thải, thức ăn, thuốc, hóa chất thừa, nước thải… từ hoạt động nuôi trồng thủy sản; hạ tầng thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản còn thiếu, chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp... đây là hạn chế và thách thức lớn đối với ngành tôm hiện nay, ảnh hưởng đến giá trị ngành tôm", ông Hữu nhận định.

Tham dự hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng với chủ đề "Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm", đây là một diễn đàn hay và rất bổ ích, tạo điều kiện cho nông dân được trao đổi, thảo luận cùng các diễn giả, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã… tăng cường kết nối, trao đổi kinh nghiệm.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết ngành tôm không chỉ phục vụ nhu cầu nội địa mà còn xuất khẩu mỗi năm mang về trên 4 tỉ USD, góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL và cả nước.

Với xu thế chung là phát triển ngành tôm theo hướng tăng sản lượng, chất lượng, giá trị, Bạc Liêu và nhiều tỉnh thành đã gia tăng nhanh diện tích sản xuất tôm theo mô hình siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao.

Ông Trần Xuân Toàn, Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chính vì vậy diện tích nuôi tôm siêu thâm canh đã vượt mức dự báo. Điều đó dẫn đến vấn đề quá tải đối với hệ thống hạ tầng, đặc biệt hạ tầng thủy lợi, dẫn đến môi trường dễ bị ô nhiễm - là một trong những nguyên nhân chính khiến tôm chết ở nhiều vùng nuôi hiện nay.

"Là cơ quan truyền thông, chúng tôi rất hiểu và chia sẻ với những thách thức trên của bà con nông dân, doanh nghiệp. Vì vậy, với mục tiêu "vì một ngành tôm phát triển bền vững", ban tổ chức hội thảo mong muốn nhận được nhiều ý kiến phân tích, đánh giá nguyên nhân tồn tại và đề xuất giải pháp từ các chuyên gia, nhà quản lý, bộ ngành để ngành tôm phát triển đúng hướng, bền vững, mang lại giá trị cao hơn", ông Toàn nhấn mạnh.

Phát triển con tôm bền vững phải bảo vệ nguồn nướcPhát triển con tôm bền vững phải bảo vệ nguồn nước

Nắm thực tế tình hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh để có những phân tích, định hướng cho Hội thảo giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm, đoàn đại biểu đã khảo sát các vùng nuôi tôm tại tỉnh Bạc Liêu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên