Trong đó, kỹ thuật nuôi tuần hoàn nước hiện không còn lạ lẫm đối với người nuôi tôm ở Bạc Liêu mà thậm chí nhiều doanh nghiệp lớn cho biết mô hình đang áp dụng có nguồn gốc từ chính hộ dân nuôi tôm. Những mô hình này giúp giảm chi phí trong giá thành nuôi tôm mà tôm lại sạch bệnh, bán được giá cao.
Tôm mau lớn, ít bệnh
Giới thiệu về những ao nước được bố trí theo hình dích dắc, ông Lê Anh Xuân, tổng giám đốc Công ty TNHH công nghệ sinh học Trúc Anh (xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu), cho biết đây là mô hình nuôi mới theo hướng tuần hoàn nước, hầu như không dùng nước bên ngoài, đã giúp tôm lớn nhanh hơn so với cách nuôi thông thường.
Để thực hiện mô hình này, công ty dành một khoảng nhỏ đất làm nơi gom nước thải về rồi xử lý (lọc qua các lớp lưới và qua một lớp lọc sinh học), bơm nước đã xử lý lần lượt qua các ao lắng được thiết kế theo kiểu dích dắc nhằm đảm bảo nước được lọc sạch hoàn toàn, trước khi đưa qua ao thứ năm rồi bơm ngược trở lại ao nuôi.
Do kiểm soát tốt nguồn ô nhiễm nên cả giai đoạn nuôi tôm từ nhỏ tới trưởng thành không phải sử dụng kháng sinh cho tôm, cũng không tốn tiền mua hóa chất xử lý nước nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí. "Không dùng kháng sinh nên các bệnh trắng gan, trống ruột, mất tụy trên con tôm đều không có. Mô hình nuôi này cũng chỉ thay nước chưa tới 5% mỗi ngày, thay vì phải thay 20 - 30% nước như cách thông thường", ông Xuân nói.
Cách đó không xa, ông Phạm Văn Chu với diện tích nuôi 6ha cũng đầu tư theo mô hình tuần hoàn nước nhưng đơn giản hơn. Cụ thể, ông Chu chỉ bố trí một khoảng đất giữa khu vực nuôi làm hồ chứa nước thải để lọc qua nhiều lớp lưới rồi đưa về ao lắng chờ bơm về các ao nuôi. Phần nước sẽ được đưa ra một ao lắng khác, thả nuôi cá để lọc nước tự nhiên một lần nữa mới đưa ra môi trường, nước gần như sạch hoàn toàn.
"Nếu nước dơ, cá không thể sống được ở khu chứa này đâu, anh đứng ở đây cũng sẽ không chịu nổi vì nước bốc mùi ngay", ông Chu nói và cho biết cách nuôi này không tốn chi phí nhiều mà tôm cũng không bị bệnh trong suốt quá trình nuôi. Ông Chu khoe vừa rồi thu hoạch, thương lái thấy chất lượng tôm quá tốt nên chấp nhận mua cao hơn 5.000 đồng/kg so với tôm nuôi theo cách thông thường.
Giảm giá thành với công nghệ nuôi tôm ít thay nước
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, mô hình nuôi tôm theo hướng tuần hoàn nước như trên chiếm lượng lớn ở Bạc Liêu với mức khoảng 80% số hộ nuôi, tình trạng nuôi tôm rồi xả thải trực tiếp ra kênh rạch hầu như không còn nên tỉ lệ thành công của nuôi tôm siêu thâm canh đạt hơn 80%. Đặc biệt, loại tôm cỡ 20 con/kg đang rất phổ biến trong dân.
Không nuôi theo mô hình tuần hoàn nước nhưng nhiều doanh nghiệp tại Sóc Trăng triển khai mô hình nuôi tôm ứng dụng kỹ thuật mới, đạt hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Đình Đường, phó giám đốc Công ty TNHH công nghệ cao Phú Nguyên (Công ty Phú Nguyên) - đơn vị đang thả nuôi 10 ao với diện tích 1.000 m2/ao, cho biết công ty chọn giải pháp nuôi tôm ít thay nước thông qua việc ứng dụng kỹ thuật, tự sản xuất men vi sinh.
Do đó dù khu vực nuôi tôm cách xa kênh trục, việc lấy nước nuôi tôm có khó khăn cũng không ảnh hưởng đến con tôm. Trước vụ thả nuôi, những kỹ sư của công ty lấy nước vào các ao lắng, sau đó xử lý rồi mới cấp vào ao nuôi. "Trong quá trình nuôi, chúng tôi không cần thay nước nhiều, không xử lý hóa chất, cũng không diệt khuẩn mà chỉ dùng men để ức chế khuẩn làm sạch nước, vừa giảm thiểu rủi ro vừa bảo vệ môi trường", ông Đường cho biết.
Bằng việc ứng dụng kỹ thuật này, tôm của Công ty Phú Nguyên đã đạt cỡ 70 - 80 con/kg chỉ sau 58 ngày nuôi, giá thành nuôi 1kg chỉ ở mức 52.000 đồng. "Vụ này chúng tôi đã thu hoạch bốn ao, mỗi ao đạt 5 tấn, giá bán 92.000 đồng/kg. Tuy giá tôm có giảm mạnh nhưng với tỉ lệ thành công cao, chi phí đầu vào thấp, chúng tôi vẫn còn lời nhiều", ông Đường nói.
Cũng theo ông Đường, trong điều kiện thủy lợi chưa đồng bộ, nguồn nước còn ô nhiễm, việc ứng dụng kỹ thuật nuôi tôm ít thay nước cần được nhân rộng. Từ thành công trong những năm qua, ông Đường nói công ty đang tự tin sẽ mở rộng diện tích, quy mô nuôi tôm trong thời gian tới.
Thiếu vốn cho mở rộng nuôi tôm công nghệ cao
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, địa phương này đang có sự chuyển đổi nhanh từ hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh truyền thống sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Khởi đầu vào năm 2018 với diện tích chỉ khoảng 550ha, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh đạt 2.567ha với năng suất bình quân 60 - 70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình 700 - 800 triệu đồng/vụ nuôi.
Đến năm 2030, ngành nông nghiệp Bến Tre đặt mục tiêu sẽ phát triển 5.800ha tôm công nghệ cao. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Buội - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre - thừa nhận việc chuyển sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đang gặp một số khó khăn. Đó là hạ tầng thủy lợi chưa hoàn thiện, hệ thống kênh cấp thoát nước chưa đảm bảo nên gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và kiểm soát dịch bệnh.
Đặc biệt, người dân chưa dám mạnh dạn đầu tư bởi mô hình nuôi tôm kỹ thuật cao đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn, không nhiều người dân đủ khả năng nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ từ các ngân hàng.
Cần hoàn chỉnh hạ tầng thủy lợi, điện
Trao đổi với chúng tôi, TS Trần Bá Hoằng, viện trưởng Viện Khoa học thủy sản miền Nam, cho rằng việc nuôi tôm nói chung và nuôi siêu thâm canh nói riêng cần các hệ thống thủy lợi phải đáp ứng yêu cầu chủ động cung cấp nước mặn, nước ngọt kịp thời và chất lượng tốt. Hệ thống này cũng phải đảm bảo tiêu thoát úng ngập, tránh lây lan ô nhiễm và nước mang mầm bệnh...
Do đó, trong thời gian tới, cần tăng cường hạ tầng thủy lợi theo hướng chủ động cấp nước mặn, ngọt; phòng chống ngập và triều cường; kiểm soát ô nhiễm. "Bên cạnh đó, hạ tầng điện lưới được xem là đặc biệt quan trọng để vận hành quạt nước bổ sung oxy, cấp nước, thải nước cho các vùng nuôi tôm chuyên canh, siêu thâm canh. Ngoài ra, cần đầu tư đồng bộ dịch vụ liên quan như chế biến, bảo quản thức ăn thủy sản...", ông Hoằng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận