21/07/2023 08:29 GMT+7

Tập trung cải thiện hạ tầng nuôi tôm

Hạ tầng nuôi tôm chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, việc kiểm soát môi trường nước gặp nhiều khó khăn dẫn đến khi tình hình dịch bệnh xảy ra số lượng tôm chết tăng cao, nhất là những địa phương mà hạ tầng nuôi tôm còn hạn chế.

Bạc Liêu đang phát triển mạnh nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao - Ảnh: Chí Quốc

Bạc Liêu đang phát triển mạnh nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao - Ảnh: Chí Quốc

Ông Trần Đình Luân, cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), chia sẻ với Tuổi Trẻ như vậy khi nói về hệ lụy của việc hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản phát triển không theo kịp đà tăng trưởng nóng của ngành tôm ở ĐBSCL.

Ông Luân nói: Dù trung ương và địa phương đã dành một nguồn lực nhất định để nâng cấp hạ tầng nuôi thủy sản nói chung, đặc biệt là khu vực ĐBSCL.

Tuy nhiên so với nguồn ngoại tệ thu về từ xuất khẩu tôm lên tới 3-4 tỉ USD, mức độ đầu tư cho hạ tầng nuôi tôm đến nay vẫn còn hạn chế.

* Với một ngành đem về mỗi năm 3-4 tỉ USD, vì sao hạ tầng phục vụ ngành này vẫn còn hạn chế, phải chăng chưa được quan tâm đúng mức, thưa ông?

- Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho phát triển con tôm là rất cần thiết. Tuy nhiên một trong những khó khăn là hoạt động nuôi tôm đang khá phân tán, khoảng 740.000ha nuôi tôm trải dài ở 28 địa phương, tập trung nhiều ở khu vực ĐBSCL, với quy mô của các mô hình nuôi vẫn còn nhỏ lẻ.

Hơn nữa, hoạt động nuôi tôm đã phát triển nóng trong những năm gần đây, hạ tầng không theo kịp mà cần phải có thời gian để có kế hoạch lập các dự án đầu tư công.

Bộ NN&PTNT luôn nhắc nhở các địa phương phải rà soát, đề xuất những dự án phù hợp để giúp cơ sở hạ tầng trong ngành thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng được tốt hơn.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần tạo được sự đồng thuận của người dân, cùng chia sẻ đất để tạo hạ tầng giao thông rộng hơn, tạo hệ thống kênh mương cấp thoát nước tốt hơn. Khi có sự tham gia của người dân, các dự án đầu tư này chắc chắn sẽ thành công.

Ông Trần Đình Luân, cục trưởng Cục Thủy sản

Ông Trần Đình Luân, cục trưởng Cục Thủy sản

* Theo ông, khu vực ĐBSCL, đặc biệt là vùng bán đảo Cà Mau cần làm gì để cải thiện vấn đề môi trường nước cho nuôi tôm?

- Trước hết, các địa phương phải rà soát lại các khu vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm để có kế hoạch xây dựng các dự án đầu tư nhằm nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng được tốt hơn.

Bên cạnh đầu tư của Nhà nước, việc kêu gọi đầu tư của người dân và doanh nghiệp cũng rất cần thiết.

Cùng với đó là phải áp dụng các giải pháp kỹ thuật. Ví dụ, có thể nuôi tôm theo quy trình hạn chế, ít thay nước, nuôi theo hướng tuần hoàn và đặc biệt là sử dụng các chế phẩm sinh học.

Tuân thủ các quy định quản lý môi trường trong quá trình nuôi để đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh là rất cần thiết. Ý thức quản lý của từng chủ trang trại/hộ nuôi tôm được nâng cao sẽ góp phần đảm bảo cho môi trường vùng nuôi được an toàn, bền vững hơn.

Việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật từ con giống có chất lượng, mật độ nuôi phù hợp, đến quá trình chăm sóc thật tốt để giảm tối đa rủi ro đối với người nuôi cũng rất cần thiết.

* Các mô hình nuôi trồng thủy sản tuần hoàn, gắn với chế biến, tái chế phụ phẩm... có phải là hướng đi phù hợp với người nuôi tôm?

- Không chỉ giúp giảm tối đa việc xả thải ra ngoài môi trường, các mô hình nuôi tôm tuần hoàn cũng hạn chế việc lãng phí các nguồn tài nguyên khác, đặc biệt là những sản phẩm trong quá trình nuôi, thu hoạch, chế biến những phụ phẩm.

Đến nay, các địa phương đã có rất nhiều mô hình để tái chế, tái sử dụng coi như là nguồn nguyên liệu đầu vào cho một ngành sản xuất khác đã có hiệu quả.

Đây là một trong những hướng để nâng cao hiệu quả, giảm tác động đến môi trường và tính bền vững mô hình được nâng cao lên rất nhiều.

Trước bối cảnh của biến đổi khí hậu, giảm phát thải, áp lực giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả, mô hình nuôi trồng thủy sản tuần hoàn là điều cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa.

* Với nhiều ưu điểm như vậy, vì sao các mô hình này vẫn chưa được nhân rộng, thưa ông?

- Trong thực tế, có rất nhiều mô hình nuôi tôm theo hướng tuần hoàn, bền vững nhưng chưa nhân rộng được vì chúng ta chưa thay đổi được nhận thức của người dân. Ví dụ, khi muốn đầu tư trang thiết bị công nghệ cao, Nhà nước lại phải hỗ trợ và đây là điều rất khó.

Nhiều người nuôi cũng không mặn mà thay đổi công nghệ nuôi, bởi sản phẩm có chất lượng cao hơn nhưng chưa có cơ chế minh bạch nên giá bán chưa thực sự cao hơn công nghệ cũ.

Các thương lái, doanh nghiệp ta lại thu mua kiểu đánh đồng. Do đó, rất cần xây dựng các kênh tiêu thụ sản phẩm có chất lượng, bảo vệ môi trường và tuân thủ các chuẩn mực khác nhau.

Trong thời gian tới, Cục Thủy sản sẽ phối hợp cùng các địa phương động viên người dân nhân rộng mô hình tuần hoàn, mô hình tôm - lúa, tôm - rừng... và các mô hình tổ chức sản xuất khép kín theo chuỗi và các ngành khác có liên quan.

Nuôi tôm tuần hoàn không chỉ giúp tôm sạch bệnh mà còn tiết kiệm chi phí do ít dùng hóa chất, kháng sinh và ít thay nước - Ảnh: CHÍ QUỐC

Nuôi tôm tuần hoàn không chỉ giúp tôm sạch bệnh mà còn tiết kiệm chi phí do ít dùng hóa chất, kháng sinh và ít thay nước - Ảnh: CHÍ QUỐC

* Để xây dựng một ngành tôm bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, ngành thủy sản sẽ làm gì để tự chủ nguồn nguyên liệu, giảm giá thành con tôm, thưa ông?

- Ngoài vấn đề đầu tư hạ tầng, quan trọng nhất là quy trình, công nghệ nuôi phải làm sao giảm được thiệt hại và tính tuân thủ phải tốt, minh bạch, công khai được truy xuất nguồn gốc.

Thứ hai, tổ chức lại sản xuất để làm sao người dân tiếp cận được với vật tư đầu vào, con giống, thức ăn, các chế phẩm sinh học với giá phù hợp, giảm tối đa trung gian.

Đặc biệt, phải tổ chức sản xuất theo chuỗi và làm sao để sản phẩm nuôi đến được nhà máy một cách ngắn nhất và lợi nhuận trong toàn bộ các mắt xích trong chuỗi phải đảm bảo được chia đều.

Ngoài các mô hình tuần hoàn gắn với chế biến, tái chế phụ phẩm, việc ứng dụng khoa học công nghệ cũng là một vấn đề then chốt để chúng ta xây dựng được thương hiệu minh bạch, truy xuất nguồn gốc và giá thành phù hợp.

Bàn giải pháp phát triển bền vững ngành tôm

Hôm nay (21-7), tại tỉnh Bạc Liêu, báo Tuổi Trẻ phối hợp UBND tỉnh Bạc Liêu, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo "Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm", với sự tham gia của lãnh đạo ngành nông nghiệp, địa phương, doanh nghiệp, các chuyên gia đầu ngành và người dân nuôi tôm.

Theo ông Phạm Văn Thiều, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường, môi trường trong nuôi trồng thủy sản được đánh giá là đang xuống cấp nghiêm trọng, ô nhiễm trên diện rộng và trở thành mối đe dọa tiềm ẩn.

Do đó, hội thảo sẽ là diễn đàn rất bổ ích, tạo điều kiện cho nông dân được trao đổi, thảo luận cùng các diễn giả, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã... nhằm tăng cường kết nối, trao đổi kinh nghiệm và quy trình thực hiện, gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - hộ nuôi - hợp tác xã - cơ quan quản lý nhà nước.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia sẽ giới thiệu, đề xuất giải pháp công nghệ xử lý môi trường, hạ tầng thủy lợi cấp và thải nước, những chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hộ nuôi đầu tư hệ thống xử lý môi trường đạt chuẩn để phục vụ sự phát triển bền vững của ngành tôm Việt Nam.

Ông Phạm Văn Thiều (chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu):

Quy hoạch lại vùng nuôi tôm

Là một trong ba địa phương có sản lượng tôm nuôi lớn nhất, chiếm 20 - 21% tổng sản lượng tôm nuôi cả nước, đến nay Bạc Liêu đã thả nuôi được hơn 132.000ha, trong đó nuôi tôm công nghệ cao là 4.600ha.

Trong những tháng đầu năm, dù gặp nhiều khó khăn nhưng sản lượng tôm xuất khẩu của Bạc Liêu vẫn tăng 14% nhờ địa phương rất chú trọng vấn đề nuôi tôm sạch, nuôi tôm chất lượng cao, sử dụng sản phẩm sinh học...

Tuy nhiên việc xả thải của hộ nuôi tôm tự phát, không theo quản lý của Nhà nước vẫn còn, gây ảnh hưởng đến các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi quảng canh cải tiến...

Do đó, chúng tôi đã chỉ đạo ngành tài nguyên môi trường tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý nuôi, xả thải trong hoạt động nuôi tôm.

Hộ nuôi nào chưa có hệ thống xả thải đạt tiêu chuẩn bắt buộc phải có ao lắng xả thải, xử lý xong mới thải ra môi trường. Những hộ nuôi mới phải có hệ thống xử lý xả thải đảm bảo, được cơ quan chuyên môn thẩm định.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp được yêu cầu rà soát lại quy hoạch theo hướng vùng nào nuôi tôm công nghệ cao, vùng nào nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến không để xảy ra xung đột với nhau.

Đặc biệt, cần quy hoạch để xây dựng hệ thống thủy lợi sao cho phù hợp từng vùng; hệ thống kênh, mương thủy lợi của người nuôi tôm công nghệ cao, quảng canh, quảng canh cải tiến phải tách biệt rõ ràng, tránh sự xung đột.

Cùng với quy hoạch lại, địa phương cũng ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho hệ thống thủy lợi nhằm cải tiến môi trường nước, giúp hoạt động nuôi tôm đạt hiệu quả cao hơn.

Thắng lớn nhờ nuôi tôm tuần hoàn nướcThắng lớn nhờ nuôi tôm tuần hoàn nước

Trong bối cảnh nguồn nước cấp bị ô nhiễm, nhiều hộ dân và doanh nghiệp nuôi tôm đã ứng dụng các công nghệ sử dụng ít nước hoặc công nghệ tuần hoàn để tái sử dụng nguồn nước, đem lại hiệu quả cao trong quản lý môi trường lẫn chất lượng con tôm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên