16/12/2015 12:10 GMT+7

Lát cắt cuộc sống qua lăng kính sinh viên

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Chỉ chọn được một ít trong số 105 tác phẩm dự Liên hoan phim sinh viên TP.HCM lần 2 để công chiếu, song điều những người tổ chức thấy vui là thái độ nghiêm túc trong việc đầu tư từng sản phẩm, dù đó là trailer vỏn vẹn một phút hay phim ngắn vài mươi phút.

Các nhóm làm phim sinh viên giao lưu cùng khán giả đến dự công chiếu sản phẩm dự liên hoan - Ảnh: Q.L.
Các nhóm làm phim sinh viên giao lưu cùng khán giả đến dự công chiếu sản phẩm dự liên hoan - Ảnh: Q.L.

Ví dụ, phải mất khá lâu sau khi xem hết, người xem vẫn chưa kịp hoàn hồn để hiểu thông điệp của phim ngắn có tựa đề 20.000 đồng của nhóm bạn Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM.

Đó là chuyện cậu sinh viên chứng kiến một vụ giật vé số của người mù cụt hai chân. Anh móc túi gửi tặng người bán vé số 20.000 đồng. Ngay lúc ấy, một người điên gần đấy chạy đến cướp 20.000 đồng chạy vào hẻm với suy nghĩ dùng số tiền này chuộc lại xấp vé số, bị hai tên cướp đánh tơi bời.

Rồi “thằng điên ấy” trả lại tờ 20.000 đồng cho cậu, lại giật một tờ giấy trắng trên tay cậu sinh viên. Ai ngờ đó là tờ đồ án tốt nghiệp của cậu sinh viên nên một lần nữa lãnh đủ sự tức giận của cậu.

Chỉ đến khi cậu nhìn thấy dòng chữ “bị dực dé số” mà người điên đã phải rất vất vả mới viết trên tờ đồ án của cậu, gắn lên tay người bán vé số mù, nỗi ân hận lẫn xót xa nhưng đã muộn. Hóa ra người điên kia còn khối tình người hơn hai kẻ tỉnh mà ăn cướp!

Đây là câu chuyện có thật về ông già bị cướp vé số ngay trước cổng trường mà bạn Công Dũng (ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM) bị ám ảnh nhưng không làm được gì lúc đó, đã vun đắp nên ý tưởng làm phim này.

Chuyện trong Người du âm là việc tìm lại tiếng nói như người bình thường mà từ lúc được sinh ra, Võ Bé Tâm do bị hở hàm ếch nên không thể làm được. Các sinh viên ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã kể cho mọi người về hành trình gian nan của cậu sinh viên học tâm lý học ngay trường mình mà đã có lúc bị chế nhạo, tủi thân vì “nói người ta nghe không hiểu”.

Trong khi đó, phim ngắn Ngừng vô cảm của các bạn ĐH Tài chính - marketing và trailer Thật của các bạn ĐH Khoa học xã hội & nhân văn đều có chung chủ đề về sự lệ thuộc quá nhiều của giới trẻ vào Internet. Lời cảnh báo kịp thời cho thói quen sống với thế giới ảo, nghiện mạng xã hội đến mức gần như bỏ quên các giá trị đời thực của khá nhiều bạn trẻ hôm nay.

Dưới lăng kính sinh viên, lại phải bám sát chủ đề “Những câu chuyện đẹp”, những tưởng sẽ là một cản ngại không nhỏ cho các nhà làm phim sinh viên. Nhưng từng tác phẩm là một thông điệp mang góc nhìn mở về cuộc sống.

Phó chủ tịch thường trực Hội Sinh viên VN TP.HCM Phạm Kiều Hưng nói chất lượng sản phẩm dự liên hoan lần thứ hai tăng đáng kể, để thấy rằng nhu cầu về một sân chơi điện ảnh, tiềm năng nghệ thuật trong sinh viên là rất lớn.

“Những thước phim không chỉ là ngôn ngữ điện ảnh đơn giản, ấy chính là mối quan tâm những câu chuyện, vấn đề thiết thân của sinh viên về cuộc sống quanh mình” - anh Hưng nhận xét.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên