14/03/2016 09:39 GMT+7

Lập trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế là TQ tự tát mình

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Ngày 13-3, Trung Quốc làm thế giới chưng hửng khi công bố ý muốn lập một “trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế” để bảo vệ chủ quyền và các quyền hàng hải mà Bắc Kinh tự nhận là của mình.

Ông Chu Cường - Ảnh: Tân Hoa xã

Tân Hoa xã dẫn báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc tại phiên họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đang diễn ra ở Bắc Kinh cho biết các tòa án trên khắp Trung Quốc đang hợp tác để đưa nước này thành một “cường quốc hàng hải”.

“Chúng ta phải bảo vệ chủ quyền quốc gia của Trung Quốc, các quyền hàng hải và những lợi ích cốt lõi khác. Chúng ta phải cải thiện các tòa án hàng hải và xây dựng một trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế” - chánh án Chu Cường tuyên bố.

Ông Chu không nói thêm chi tiết về thời gian, địa điểm thành lập trung tâm này cũng như những vụ việc mà nó có thể tiếp nhận. Trung Quốc hiện có tranh chấp hàng hải với Nhật Bản tại khu vực biển Hoa Đông và với một số nước ASEAN tại Biển Đông.

Trong khi đó theo nhận định của Đài CNN (Mỹ), việc thành lập trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế cũng là một phần trong phản ứng của Trung Quốc trước việc thiếu sự ảnh hưởng tại các tổ chức quốc tế.

Chẳng hạn Bắc Kinh đã thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á với tham vọng thay thế Ngân hàng Thế giới đặt tại Mỹ.

Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đưa ra vài ngày sau khi Ngoại trưởng Vương Nghị tiếp tục khẳng định (hôm 8-3) Bắc Kinh sẽ không chấp nhận phán quyết của tòa án quốc tế liên quan đến vụ kiện của Philippines về yêu sách đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Phán quyết dự kiến được công bố trong tháng 5-2016.

Chuyên gia Richard Javad Heydarian của Đại học De La Salle tại Manila cho rằng việc Trung Quốc thành lập một trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế chẳng khác nào tự tát vào mặt.

Báo Japan Times dẫn lời ông Heydarian: “Đây chẳng khác gì một thủ đoạn nhằm che đi thái độ hung hăng của Trung Quốc và tẩy chay phiên tòa tại The Hague. Việc này có thể tạo nên tiếng vang chủ nghĩa yêu nước bên trong Trung Quốc, nhưng chẳng có ý nghĩa gì đối với đánh giá pháp lý của cộng đồng quốc tế về cách hành xử của Trung Quốc tại các vùng biển lân cận”.

Trong khi đó, cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cuối tuần qua nhắn gửi chính quyền kế nhiệm nên tiếp tục lộ trình giải quyết tranh chấp Biển Đông: đó là vụ kiện Trung Quốc tại Tòa trọng tài thường trực The Hague mà ông là người theo đuổi suốt thời gian tại nhiệm.

Ông Rosario, từng giữ chức ngoại trưởng trong năm năm, cho biết chính sách ngoại giao của Manila cần dựa vào ba trụ cột chính là “củng cố an ninh quốc gia, an ninh kinh tế và phát huy lợi ích của công dân ở nước ngoài”.

Nói về đề xuất hợp tác phát triển với Trung Quốc trên Biển Đông, ông nhấn mạnh khả năng này chỉ xảy ra nếu nó “phù hợp với luật pháp”.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh phán quyết của Tòa án The Hague một khi được công bố sẽ có sự ràng buộc pháp lý. “Chúng tôi đang yêu cầu các nước khác thuyết phục Trung Quốc tôn trọng luật pháp” - cựu ngoại trưởng Philippines nói trên tờ Inquirer.

Ông cho biết việc Bắc Kinh đơn phương thực hiện các chuyến bay thử, bồi đắp đảo trái phép đang “thách thức sự tự do đi lại và cuộc sống của các ngư dân trên Biển Đông”.

Trong tuyên bố ngày 11-3, Liên minh châu Âu (EU) cũng kêu gọi chấm dứt quân sự hóa Biển Đông và gọi việc triển khai các thiết bị hay lực lượng quân sự tạm thời hay lâu dài trên các thực thể hàng hải đang tranh chấp là “một mối lo ngại lớn”.

“EU hối thúc các bên giải quyết tranh chấp bằng những biện pháp hòa bình, làm rõ cơ sở cho những tuyên bố chủ quyền của mình và theo đuổi những tuyên bố này dựa trên luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và các thủ tục phân xử của nó”.

“Chúng tôi đang yêu cầu các nước khác thuyết phục Trung Quốc tôn trọng luật pháp

Ông Albert del Rosario (cựu ngoại trưởng Philippines)
TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên