26/03/2013 08:08 GMT+7

Lập ngân hàng phát triển và quỹ dự trữ ngoại tệ riêng

CẢNH TOÀN
CẢNH TOÀN

TT - Các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) họp thượng đỉnh lần này với nội dung nghị sự chính là thành lập một ngân hàng phát triển riêng và một quỹ dự trữ ngoại tệ khẩn cấp nhằm xây dựng một trật tự tài chính cân bằng.

4DA6Y7yZ.jpgPhóng to
Quảng bá hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi - Ảnh: brics5.co.za

Hội nghị thượng đỉnh lần 5 của các nền kinh tế mới nổi - BRICS khai mạc hôm nay (ngày 26-3) tại Durban (Nam Phi) với chủ đề tập trung vào “Quan hệ đối tác, hội nhập và quá trình công nghiệp hóa”.

Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các nước BRICS đến năm 2013 đã hình thành một thị trường gần 3 tỉ dân với GDP chung ước tính 14.900 tỉ USD.

Một “WB” và “IMF” riêng

Chủ đề thảo luận thu hút sự quan tâm nhất là thành lập ngân hàng hỗ trợ phát triển hợp tác Nam - Nam. Các nước BRICS từ lâu cho rằng những tổ chức tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB), IMF... đã được thành lập từ lâu và không kịp thay đổi để đáp ứng với tình hình hiện tại.

Trong bài viết đăng trên Nhật Báo Trung Quốc ngày 25-3, giám đốc Vương Ngư Sinh của Trung tâm nghiên cứu chiến lược (Quỹ nghiên cứu quan hệ quốc tế Trung Quốc) nhận định BRICS muốn xây dựng một trật tự tài chính và kinh tế thế giới công bằng hơn để thoát khỏi sự thống trị của các nước lớn, đặc biệt là ảnh hưởng quyết định của Mỹ đối với WB và IMF.

Theo AFP, số vốn ban đầu của ngân hàng này có thể là 10 tỉ USD huy động từ năm nước thành viên - một con số thấp đáng kể so với mục tiêu ban đầu là 50 tỉ USD.

Vai trò và sứ mệnh hoạt động của ngân hàng này hiện là một vấn đề tranh luận. Ấn Độ kêu gọi tái sử dụng thặng dư ngân sách từ các nước để đầu tư vào những quốc gia đang phát triển. Trong khi đó, trả lời Tân Hoa xã ngày 20-3, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Mã Triều Húc lại cho rằng: “Ngân hàng là một phần quan trọng trong hoạt động hợp tác tài chính nhằm giúp BRICS vượt qua các khủng hoảng tài chính và hỗ trợ vốn để phát triển các nước châu Phi”. Còn giáo sư quan hệ quốc tế Oliver Stuenkel (Quỹ Getulio Vargas, Brazil) đánh giá việc phát triển ngân hàng là một “phép thử” về sự tồn tại của BRICS trước những đánh giá triển vọng kinh tế mờ nhạt của BRICS. “BRICS cần phải chứng tỏ rằng có thể tồn tại và vẫn phát triển thịnh vượng trong giai đoạn kinh tế khó khăn này” - AFP dẫn lời ông Stuenkel.

Các lãnh đạo BRICS dự kiến sẽ tuyên bố thành lập một quỹ dự trữ ngoại tệ để đối phó với khủng hoảng tài chính với 240 tỉ USD huy động ban đầu, như AFP cho biết. Các chuyên gia nhận định việc thành lập quỹ ngoại tệ sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực tài chính của Trung Quốc - nước sở hữu ngoại tệ lớn nhất thế giới hiện nay (khoảng 3.310 tỉ USD tính đến cuối năm 2012).

Mở rộng vai trò của BRICS

Hội nghị BRICS cũng là kỳ họp thượng đỉnh quốc tế đầu tiên mà ông Tập Cận Bình tham dự với tư cách chủ tịch Trung Quốc. Trong một buổi tiếp xúc báo chí hôm 20-3, như Tân Hoa xã cho biết, ông Tập Cận Bình khẳng định khối nước BRICS đã “trở thành lực lượng quan trọng đối với hòa bình thế giới, đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết các vấn đề khủng hoảng tài chính quốc tế”.

Tương tự, trả lời hãng tin Itar-Tass ngày 22-3, Tổng thống Nga V.Putin kêu gọi BRICS mở rộng vai trò và tham gia nhiều hơn vào vấn đề địa - chính trị. “Chúng tôi đã đề nghị với các đối tác chuyển đổi BRICS từ một diễn đàn đối thoại phối hợp trong một số vấn đề nhất định thành một cơ chế hợp tác chiến lược toàn diện hơn, từ đó cho phép chúng ta tìm kiếm giải pháp đối với những vấn đề chính trị quan trọng”.

Theo Nhật Báo Trung Quốc, dù BRICS không có cuộc thảo luận nào về mở rộng thành viên, nhưng các lãnh đạo có thể sẽ bàn về đề nghị xin gia nhập của Ai Cập.

Chủ tịch Trung Quốc thăm chính thức CH Nam Phi

Hôm nay (26-3), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức CH Nam Phi và tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 của các nước BRICS tại thành phố cảng Durban của nước này.

Trước đó, ngày 24-3, trong cuộc gặp với Tổng thống Jakaya Mrisho Kikwete tại thủ đô Dar es Salaam (Tanzania), ông Tập Cận Bình cam kết Bắc Kinh sẽ tiếp tục giúp đỡ đất nước đông Phi này phát triển kinh tế xã hội và sẽ khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư mạnh vào đây. Trung Quốc cũng sẽ xây dựng một trung tâm văn hóa ở Tanzania.

MỸ LOAN

CẢNH TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên