19/04/2019 09:46 GMT+7

Lao động đi biển càng ngày càng ít

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Chính sách 67 và hàng loạt chương trình hỗ trợ bà con ngư dân trong những năm qua đã giúp các tỉnh miền Trung hình thành đội tàu cá đủ sức đi "xuyên trăng". Nhưng nhân lực đi biển hiện lại vừa thiếu, vừa yếu.

Lao động đi biển càng ngày càng ít  - Ảnh 1.

Tại nhiều làng biển ở Đà Nẵng, lực lượng lao động chủ yếu là những người “cứng” tuổi - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Nhiều thời điểm tìm bạn không ra nên chỉ đi có 9-10 người, đánh bắt không hiệu quả. Trong khi bình thường phải từ 17-20 người

Anh NGUYỄN TẤN THÀNH

Là địa phương có truyền thống đánh bắt xa khơi với đội tàu hùng mạnh, hiện nay toàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 38.000 lao động trực tiếp trên biển. 

Hằng năm số lượng lao động ngoại tỉnh mà các tàu thuyền ở đây cần tuyển thêm tương đương 20-30% con số này. Tàu to, máy lớn liên tục được nâng cấp nhưng lại thiếu người đi biển.

Tàu nhiều - bạn ít

Từng sở hữu đôi tàu có giá trị hơn 3 tỉ đồng nhưng giờ đây anh Nguyễn Tấn Thành (xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) lại đang là người làm công cho một tàu cá tại cảng Thọ Quang, TP Đà Nẵng. Lý do anh từ làm chủ chuyển sang người làm thuê là vì thua lỗ do tàu... thiếu bạn tàu (người ra khơi).

Năm 2015, anh Thành vay tiền mua lại đôi tàu giã cào nối nghiệp gia đình đi biển. Thời điểm ấy lượng tàu thuyền được đóng mới theo các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng ồ ạt được "xuống nước", do không gọi đủ bạn nên thời gian nằm bờ dài, đi biển thì sản lượng đánh bắt không đạt buộc anh phải bán gấp tàu để trả nợ. 

"Tôi mua tàu về chạy được hai năm nhưng chỉ một hai chuyến đi biển có lời. Nhiều thời điểm tìm bạn không ra nên chỉ đi có 9-10 người, đánh bắt không hiệu quả. Trong khi bình thường phải từ 17-20 người" - anh Thành than thở.

Trong khi đó, tại phường Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) dù đang vào mùa cao điểm đánh bắt nhưng vẫn có rất nhiều tàu cá tiền tỉ nằm phơi mưa nắng. 

Một số chủ tàu ở đây cho biết nếu như trước đây mỗi năm đi biển từ 10-14 chuyến thì trong hai năm vừa qua chỉ đi phân nửa số này. Đặc biệt từ đầu năm đến nay có tàu chỉ đi một hai chuyến. 

Nguyên nhân do khu vực này có nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên cũng như các dịch vụ du lịch phát triển mạnh thu hút lực lượng lớn lao động địa phương. Trong khi đó nghề biển lại vất vả, thu nhập bấp bênh.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, hiện nay địa phương này có khoảng 780 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, trong khi địa phương quy hoạch đến năm 2020 phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ chỉ... 750 chiếc. 

Sự phát triển "nóng" này là do Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ bám biển, đóng tàu nên nhiều ngư dân có điều kiện nâng công suất máy để ra vùng biển xa bờ. 

Trong khi đó, mỗi chiếc tàu đánh bắt vùng khơi (xa bờ) thường cần lực lượng lao động trên tàu nhiều hơn vùng biển lộng (gần bờ).

Tại vùng đô thị như TP Đà Nẵng, ngành ngư nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào lao động ngoại tỉnh. Theo ông Nguyễn Đỗ Tám - phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, những năm qua tàu hoạt động ở vùng biển ven bờ giảm hằng năm, tàu hoạt động xa bờ tăng dần, cơ cấu tàu thuyền biến đổi theo đúng định hướng của ngành. Tới tháng 9-2018 TP có tổng cộng 1.225 tàu (trong đó có 629 tàu công suất máy từ 90CV trở lên).

Tuy nhiên, lực lượng lao động hiện nay chưa ổn định do người đi biển phụ thuộc vào tỉnh ngoài nhiều, còn lực lượng đi biển trong TP có xu hướng lên bờ làm nhiều hơn. 

"Với lượng tàu thuyền như vậy cần tổng số thuyền viên đi trên tàu cá khoảng 7.000 người. Tuy nhiên ở Đà Nẵng có sự khác biệt giữa thu nhập của lực lượng đi biển và lực lượng lao động trên bờ, thành ra nhân lực trong ngành chủ yếu nhờ thuyền viên các tỉnh bạn như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi" - ông Tám cho biết.

Còn "vớt bèo trôi sông"

Quảng Ngãi là địa phương có số lượng tàu tham gia đóng mới theo nghị định 67 (từ năm 2018 được thay thế bằng nghị định 17) nhiều nhất nước với 69 chiếc. Trong đó tàu vỏ thép có 11 chiếc, tàu vỏ composite có 3 chiếc và 55 tàu vỏ gỗ. 

Sau khi đưa vào hoạt động, hầu hết các tàu vỏ gỗ hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên tàu vỏ thép thì ngược lại, một số tàu liên tục phải nằm bờ.

Ông Võ Văn Hân (một chủ tàu vỏ thép ở huyện Bình Sơn) cho rằng một trong những nguyên nhân là do thuyền trưởng chưa quen việc vận hành tàu vỏ thép nên máy móc, các trang thiết bị liên tục hỏng hóc, gặp sự cố trên biển. 

"Tàu vỏ thép đòi phí tổn cao hơn so với tàu vỏ gỗ, đã vậy anh em chưa quen với việc vận hành nên sản lượng đánh bắt vẫn vậy, trong khi suất đầu tư quá lớn nên mất khả năng trả nợ" - ông Hân nói. Hiện tàu ông Hân đang nằm bờ chờ hướng dẫn từ cơ quan chức năng.

Với hơn 20 năm làm trong ngành thủy sản, ông Phùng Đình Toàn, phó trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi), cho rằng Nhà nước đã bỏ rất nhiều tiền để thực hiện chính sách 67 nhưng thành công mới mang về được một nửa. 

Theo ông Toàn, chính sách này đã tạo điều kiện cho đội tàu cá tại miền Trung hiện đại hóa, nâng công suất đảm bảo an toàn khi đánh bắt xa bờ.

Tuy nhiên việc đóng mới tàu (đặc biệt là tàu vỏ thép) chỉ mới làm tốt được việc hiện đại vỏ tàu, còn bản chất về phương thức khai thác, trang thiết bị ngư lưới cụ thì không có sự thay đổi đáng kể. 

Sản lượng không tăng trong khi chi phí bỏ ra nhiều khiến nhiều ngư dân nản lòng với tàu vỏ thép. Nhất là đối với một số trường hợp doanh nghiệp đóng tàu chưa có kinh nghiệm, đóng tàu chưa phù hợp với thói quen vận hành của ngư dân khiến ngư dân ra khơi chuyến nào là lỗ chuyến ấy nên phải bỏ của chạy lấy người.

Sự chuẩn bị về nhân lực chưa tốt, nhất là về trình độ vận hành khai thác tàu chưa tốt khiến tàu bè ra khơi đối mặt với nhiều nguy cơ. 

Giám đốc một nhà máy tham gia đóng tàu theo nghị định 67 tại Đà Nẵng (đề nghị không nêu tên) cho rằng trình độ và ý thức sử dụng máy móc của ngư dân miền Trung vẫn còn rất hạn chế. 

Vị này nhận định nguyên nhân đến từ việc lao động nặng nhọc nhiều rủi ro, thu nhập lại không ổn định nên lao động nghề biển đều là "tay ngang".

"Hai vị trí chủ chốt trên tàu bắt buộc phải có chứng chỉ (thuyền trưởng, máy trưởng) vẫn có trình độ rất hạn chế, thậm chí có người chưa học hết cấp II. Còn lại, đi bạn (lao động trên tàu) hoặc là bà con máu mủ, hoặc anh em cùng địa phương với những người được chọn theo kiểu "vớt bèo trôi sông". 

Trong khi đó cường độ khai thác trên biển của ngư dân miền Trung rất cao nhưng lại ít chú trọng đặc biệt đến bảo dưỡng máy. Nhiều tàu cải hoán không tính toán đến sự đồng bộ, phù hợp với các hệ thống trên tàu nên hỏng hóc liên tục trên biển" - vị này phân tích.

Tàu Quảng Ngãi có công suất lớn nhất nước

Theo thống kê của ngành thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 5.600 tàu thuyền các loại (tàu có công suất máy từ 90CV trở lên là 3.500 chiếc). Có khoảng 1.500 tàu đánh bắt chủ yếu tại vùng ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa.

Toàn tỉnh có khoảng 38.000 lao động trực tiếp đi biển và số lượng lao động ngoại tỉnh tương đương 20-30% con số này.

Hiện đội tàu tỉnh Quảng Ngãi đang giữ vị trí quán quân về công suất máy trên cả nước với bình quân 300CV/tàu.

Trung bình mỗi năm, bình quân công suất máy tàu cá tỉnh này lại tăng 20-30%.

Xích người để giữ lao động!

Từ việc thiếu ngư dân, năm 2018 lực lượng biên phòng tỉnh Quảng Ngãi phát hiện một chủ tàu ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi xích chân bốn lao động tỉnh Bình Thuận trên tàu.

Nguyên nhân là do các lao động đi biển ứng tiền trước nhưng nhiều người nhận tiền xong bỏ trốn.

Vì lo sợ các lao động này bỏ trốn khi tàu cập bến nên họ phải dùng biện pháp... xích người để giữ lao động.

Địa phương không thể can thiệp khi ngư dân bị xiết nợ Địa phương không thể can thiệp khi ngư dân bị xiết nợ 'tàu 67'

TTO - Ngân hàng kiện chủ tàu, chủ yếu là những trường hợp không thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng vay vốn đã ký kết với ngân hàng, để thu hồi nợ là thực hiện theo quy định của pháp luật, địa phương không thể can thiệp.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên