Sáng 21-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch hội đồng quản trị Sovico Group, cho biết Sovico là tập đoàn kinh tế đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực: Ngân hàng, hàng không, phát triển đô thị, đào tạo nghề, công nghệ - chuyển đổi số… với hơn 40.000 cán bộ công nhân viên, với 2 doanh nghiệp niêm yết, vốn hóa gần 6 tỉ USD.
Tạo môi trường cho doanh nghiệp tư nhân phát huy sức mạnh
Theo bà Thảo, năng lực, sáng kiến của các tập đoàn Việt Nam là không giới hạn. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn Thủ tướng Chính phủ tin tưởng ở những doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện xây dựng các quy định, pháp luật, cơ chế, môi trường cho các doanh nghiệp dân tộc.
Từ đó hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế làm đầu tàu và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp.
Chủ tịch Sovico cũng bày tỏ mong muốn cần tạo môi trường cho phát triển giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt đào tạo nghề và tăng năng suất lao động toàn xã hội. Tạo điều kiện, cơ chế để Vietjet chủ động đầu tư, xây dựng một đội máy bay Việt Nam hùng mạnh.
Đồng thời, bà Thảo cũng bày tỏ hoan nghênh chính sách thị thực (e-visa) giúp hàng không thu hút nhanh nhất khách du lịch, giao thương, đầu tư quốc tế đến Việt Nam.
Theo bà, các chính sách trên sẽ nhằm hiện thực hóa ước mơ để Việt Nam trở thành trung tâm hàng không, là động lực tăng trưởng của hàng không khu vực và thế giới, trung tâm vận chuyển hành khách, hàng hóa; trung tâm đào tạo, công nghệ hàng không, trung tâm sửa chữa bảo dưỡng tàu bay…
Còn theo ông Đặng Minh Trường - chủ tịch Tập đoàn Sun Group, cần thể chế hóa việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo cơ chế giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tư nhân để thực hiện các dự án trọng điểm, gắn với cơ chế đặc thù.
"Các dự án đấu thầu sẽ mất thời gian từ 2-3 năm, thậm chí hơn. Trong khi những dự án lớn tạo động lực thì chỉ có một số doanh nghiệp đủ sức", ông Trường dẫn chứng và kiến nghị thêm cần xem xét áp dụng mô hình thương mại tự do để thu hút đầu tư tại các địa bàn tiềm năng du lịch biển đảo như Phú Quốc…
Gỡ về thủ tục để tránh không biết "đi lối nào, ra lối nào"
Với cơ chế dành cho thị trường khách du lịch nước ngoài, ông Trường đề xuất mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương, miễn thị thực ngắn hạn thí điểm cho khách du lịch từ một số thị trường quy mô lớn, chi tiêu cao; cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần cho phân khúc từ Ấn Độ, Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu…
Ông Vũ Văn Tiền, chủ tịch Tập đoàn Geleximco, kiến nghị tăng cường phân cấp, phân quyền trong đầu tư các dự án. Bởi theo ông, dù Thủ tướng động viên nhưng ở dưới có cả một rừng cơ chế, chính sách, khiến doanh nghiệp không biết "đi lối nào, ra lối nào".
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, chủ tịch Tập đoàn Ree Group, đề xuất Chính phủ nên giao quyền cho tỉnh để cấp chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp. Chính phủ chỉ đạo để có chính sách miễn giảm thuế phù hợp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Masan kiến nghị gia tăng giá trị xuất khẩu cho Việt Nam, chú trọng tăng trưởng về chất, không tập trung quá về số lượng. Điều này nhằm tận dụng lợi thế thực phẩm của Việt Nam được đánh giá là ưa chuộng thứ 5 trong top 10 các món ăn nổi tiếng trên thế giới.
Để lan tỏa văn hóa ẩm thực, tăng lợi thế cạnh tranh, mang văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, Tập đoàn Masan cũng đề nghị Chính phủ ban hành lộ trình, chiến lược vươn ra toàn cầu của ẩm thực Việt Nam.
Xây dựng hình ảnh thương hiệu ẩm thực của quốc gia, tạo nên những đại sứ ẩm thực của Việt Nam. Đây cũng là hình thức ngoại giao văn hóa, đưa văn hóa ẩm thực Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận